Nồi cháo lòng chiều Ba mươi Tết

.

Có những món ăn ngày Tết từ thời thơ bé, vốn không phải cao lương mỹ vị hay đòi hỏi phải chăm chút bày biện đầy đủ trên mâm bát, nhưng vẫn làm tôi và những đứa bạn cùng xóm ngày xưa thao thức nhớ, thèm thuồng tiếc và mong được nếm lại dù chỉ một lần - đó là bát cháo lòng chiều Ba mươi Tết của những cái Tết ngày cũ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xóm nhà tôi ở phần lớn là họ hàng bên nội, có thêm vài nhà của bà con ở trên đầu nguồn sông Thu Bồn, Vu Gia và bên kia sông Cẩm Kim do ảnh hưởng bom đạn chiến tranh nên dọn về ở cùng nên rất đông vui; mà đông nhất là đám con nít cùng thời với tôi. Lũ chúng tôi hồi đó chừng tám đến mười tuổi đã quậy phá như giặc, cả con trai lẫn con gái. Cả đám hết kéo nhau đi hái trộm mận, khoèo trộm xoài non, bẻ khóm mít hay chọc chó nhà hàng xóm sủa rồi ù té chạy vì sợ bị người lớn mắng… thì rủ nhau nhảy xuống sông tắm.

Và dĩ nhiên là con nít thì luôn thích và mong ngóng tết. Bởi Tết đến, chúng tôi được nghỉ học dài ngày và được ăn nhiều món ngon, mà ngày thường mỗi lần tụ tập chơi u, chơi đá lon, trốn tìm… hễ ngồi lại là đứa nào cũng mong Tết đến dù chỉ mới tháng ba hay tháng năm. Mà mong nhất vẫn là được ngồi trông nồi cháo lòng và được người lớn múc cho mỗi đứa một bát, ngồi xì xụp thổi và ăn ngay bên bếp lửa hồng ấm sực chiều Ba mươi Tết.

Tôi nhớ cứ mỗi lần cúng rằm tháng Mười xong, ba tôi lại nhắc má tôi đặt một hoặc hai đùi heo để ăn Tết. Đùi ở đây là một phần tư con heo, kể cả thịt, xương và giò heo. Hễ nhà nào đông miệng ăn hoặc cúng kiếng nhiều như nhà tôi thường chia hai đùi, tức là nửa con heo. Cả xóm gộp lại mỗi nhà một đùi, có nhà hai đùi, cộng dồn chừng hai hoặc ba con heo, rồi chọn heo trong chuồng của các nhà đang nuôi, thúc cho ăn cám, chuối cây để thịt chắc, mỡ ngon, cho kịp Ba mươi Tết làm thịt.

Những ngày giáp Tết luôn là những ngày vui của đám con nít xóm tôi. Khoảng hăm ba tháng Chạp, chúng tôi tụ tập quanh lò bánh của bác tôi để lượm nổ rang. Nổ là nếp rang để làm bánh nổ (hay còn gọi là bánh khảo bảy lửa). Nhà bác tôi là lò bánh nổ, bánh tổ nên cứ gần Tết là dập dìu thợ đến phụ làm bánh với bác. Còn đám con nít thì lăng xăng phụ lau lá, lượm nổ để được ăn bánh bể, hạt nổ búp và vét bánh tổ chảy ra rọ. Cứ hăm chín Tết, lò bác tôi tắt lửa, nghỉ làm bánh bán thì cả xóm lại sẵn sàng cho việc mổ heo ăn tết.

Tối hăm chín Tết, mấy con heo để dành trong chuồng đã được tắm rửa sạch sẽ và đem ra khoảnh sân nhỏ trước nhà bác tôi để chuẩn bị làm thịt. Trước sân đã bắc sẵn một cái bếp dã chiến bằng ba chồng gạch và trên bếp một thùng lớn nấu nước sôi làm heo. Tối đó cả đám con nít chúng tôi hầu như không ngủ vì náo nức. Chừng bốn giờ sáng, khi nồi nước chuẩn bị sôi để giội cạo lông heo thì cả đám chúng tôi đã tụ tập sẵn bên bếp lửa để chờ người lớn sai bảo. Đứa thì lấy củi đun bếp, đứa chạy quanh xóm tìm con dao bén để người lớn chọc tiết heo, đứa thì múc nước đổ thêm vào nồi để đủ nước sôi cạo lông heo… mọi việc cứ tíu tít cả lên, vừa làm vừa cười nói, vang động cả một góc xóm khi bình minh vừa ló dạng.

Theo lệ, cứ nhà nào đặt hai đùi heo thì thường được chia thêm cái đầu heo để cúng rước ông bà. Heo làm sạch lông được ngả ra trên mấy tấm ván lót lá chuối để chia thịt. Mỗi con được chia làm bốn phần bằng nhau. Nhà tôi hai đùi nên lấy nửa con, cả thịt, cả xương, hai đùi heo và cái đầu heo để luộc bày mâm cúng rước ông bà, sau đó má tôi đem xắt làm trưởi. Còn các nhà khác một đùi thì lấy một phần tư gồm thịt, xương heo và một cái giò. Còn toàn bộ lòng heo, tim, cật, gan thì được người lớn đem rửa sạch và cho vào nồi luộc để nấu cháo chia cho con nít cả xóm.

Đây là khoảnh khắc mà đám con nít chúng tôi mong đợi nhất. Lúc đó không ai bảo ai, mỗi đứa tự nhận phần việc của mình. Đứa thì chạy ra vườn ngắt mấy trái ớt chín, nhổ cụm tỏi lấy củ vào giã làm nước mắm ớt tỏi. Đứa thì bưng bát ra để sẵn trên cái nong giữa sân, đứa lo phụ người lớn vớt lòng heo ra ngâm nước cho nhanh nguội và giòn… Mọi việc cứ như đã vào nếp, và chỉ một loáng sau đã nghe mùi thơm nức của nồi cháo lòng đang sôi sùng sục trên bếp làm chúng tôi nôn nao chỉ muốn được ăn ngay cho thỏa cơn thèm.

Mỗi đứa tay bưng một bát cháo nóng ngồi xì xụp thổi, rồi húp cháo nóng trong cái lạnh se sắt của buổi chiều cuối năm. Nồi cháo vơi tới đâu thì mồ hôi của chúng tôi chảy tới đó vì nóng, vì ngon và vì vui. Vừa ăn cháo nóng vừa bàn chuyện sắm Tết của mỗi nhà. Đứa này khoe nhà tau có mứt gừng, mứt dừa; đứa khác lại chê mứt làm khoe chi, nhà tau làm mấy thùng bánh thuẫn; còn đứa nọ thì khoe tau có đồ mới rồi, đẹp lắm, sáng mai tau mặc cho tụi bây coi, lác mắt luôn… Cứ thế câu chuyện bên nồi cháo lòng chiều Ba mươi Tết của chúng tôi không có  hồi kết. Mãi đến khi nồi cháo cạn, lửa tàn, người lớn giục tụi tôi mới tiếc nuối đứng lên ai về nhà nấy.

Nồi cháo lòng chiều Ba mươi Tết của xóm tôi mỗi năm lại đỏ lửa một lần. Mãi đến sau tháng ba năm bảy lăm, khi hòa bình lập lại thì nhiều nhà dọn về quê cũ hoặc đi kinh tế mới. Mấy đứa con nít xóm tôi đi theo cha mẹ đi làm ăn  nên không còn đông đủ như trước. Lũ chúng tôi lớn lên, đi học rồi đi làm xa nhà, nhưng cứ mỗi lần sắp Tết lại thấy lòng nôn nao chỉ muốn chạy về xúm xít chờ được ăn bát cháo lòng heo như những ngày còn con nít.

Trên đường mưu sinh, thi thoảng gặp lại mấy đứa bạn cũ trong xóm giờ cũng đã hai thứ tóc trên đầu, chúng tôi vẫn nhắc lại chuyện nghịch phá thời con nít, chuyện bát cháo lòng chiều Ba mươi Tết của những cái Tết ngày thơ ấu.

KIM EM

;
;
.
.
.
.