Tết nơi đất khách

Hơi ấm quê hương vẫn lan tỏa

.

Khi cành đào, cành mai rực rỡ báo hiệu mùa xuân đang đến gần, người Việt khắp nơi lại náo nức chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhưng không phải ai cũng may mắn được đón Tết ở quê nhà. Với những người con xa xứ, ăn Tết ở một nơi xa lạ là một trải nghiệm vừa lạ lẫm, vừa thân quen để lại nhiều cảm xúc và kỷ niệm khó quên.

Gia đình anh Lê Công Dũng cùng các bạn người Lào du xuân trên đất nước “Triệu Voi” trong những ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam.     Ảnh: TRỌNG HÙNG
Gia đình anh Lê Công Dũng cùng các bạn người Lào du xuân trên đất nước “Triệu Voi” trong những ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Gắn kết tình đồng bào

Tết Nguyên đán là khoảnh khắc thiêng liêng để gắn kết tình thân và gìn giữ văn hóa dân tộc, đặc biệt với những người con xa quê hương. Tại Lào, một đất nước láng giềng anh em, cộng đồng người Việt vẫn duy trì truyền thống đón Tết với đầy đủ ý nghĩa, làm sáng lên tình đoàn kết đồng bào và gắn bó hai dân tộc. Dù xa quê, bà con người Việt tại Lào vẫn chuẩn bị Tết chu đáo với những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa, hành, giò, chả. Những nguyên liệu cần thiết được mang từ Việt Nam sang hoặc tìm mua tại các khu chợ Việt trên đất Lào. Các gia đình cùng nhau gói bánh, nấu nướng và trang trí nhà cửa bằng những cành đào, cành mai giả để tái hiện không khí Tết quê nhà.

Ông Lê Hải Thành (quê Đà Nẵng), Việt kiều sinh sống tại thủ đô Vientian (Lào), chia sẻ, tại các buổi gặp mặt đón Tết trên đất nước Triệu Voi, chính quyền địa phương Lào thường tham dự và chúc mừng năm mới, thể hiện sự trân trọng đối với cộng đồng người Việt. Những món quà Tết và lời chúc tốt đẹp từ người Việt gửi đến người Lào và ngược lại đã trở thành cầu nối văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia. “Mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức Tết Nguyên đán rất vui và ấm áp. Người Lào cũng đến chung vui nên chúng tôi cảm thấy gần gũi như đang ở quê hương mình. Điều đó cho thấy tình anh em Việt - Lào mãi gắn bền chặt”, ông Thành cho hay.

Anh Lê Công Dũng, sống tại tỉnh Champasak, Lào (quê huyện Phú Lộc, thành phố Huế) chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến mà không thể sắp xếp về quê ăn Tết, tôi lại thấy nhớ quê hương da diết. Nhưng ở đây, chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng, trang trí nhà cửa khiến không khí Tết ấm cúng chẳng kém gì ở nhà”. Theo anh Dũng, Tết trên đất Lào còn là thời điểm cộng đồng người Việt tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội và lễ cúng tổ tiên, nhắc nhở con cháu về nguồn cội. Người Việt không chỉ giữ gìn phong tục truyền thống mà còn góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Nhiều gia đình người Việt còn mời bạn bè Lào tham gia các bữa tiệc Tết, cùng chia sẻ về ý nghĩa ngày Tết cổ truyền.  Anh Khăm Phăn, một người bạn Lào thân thiết của gia đình anh Dũng tâm sự: “Tôi rất thích món bánh chưng và không khí gia đình ấm áp của người Việt. Các anh, chị, em người Việt ở đây luôn thân thiện và cởi mở khiến tôi cảm thấy như một phần của gia đình họ”.

Đong đầy tình cảm của người Việt xa xứ

Chị Lê Thị Tuyết (quê ở quận Ngũ Hành Sơn) đã có gần 5 năm sống và làm việc ở thành phố Osaka (Nhật Bản). Nhiều năm đón Tết xa nhà, ở nơi xứ người, chị luôn gìn giữ các phong tục tập quán như trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả, làm cơm cúng tất niên, tân niên... để gia đình có được không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Chị Tuyết chia sẻ: “Với tôi, Tết là những ngày quây quầng bên gia đình với nồi bánh chưng, chuyện trò thâu đêm bên bếp lửa, hình ảnh tất bật của mẹ khi chuẩn bị mâm cỗ tất niên, sự hối hả náo nhiệt của chợ Tết chiều 30, cùng bố đi chợ mua cây mai. Bởi vậy, dù xa quê nhưng năm nào tôi cũng tự tay chuẩn bị mâm ngũ quả và mua nguyên liệu nấu các món ăn mang phong vị Tết Việt”.

Như một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, khi pháo hoa bừng sáng rực rỡ trên bầu trời Việt Nam, cả nhà chị Tuyết lại gọi điện về chúc Tết gia đình để cảm nhận hơi thở của mùa Xuân quê hương, qua âm thanh của cuộc gọi trong giây phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ qua năm mới. Mọi người chúc nhau những điều tốt lành nhất. Ông bà, con cháu trao nhau ánh mắt, nụ cười tươi vui qua màn hình điện thoại và không quên hẹn dịp sum vầy tại quê nhà. Chị Tuyết cũng không quên kể về cách ăn Tết của gia đình mình ở Nhật như thế nào, một bên nói, một bên trả lời, tiếng cười giòn tan ở hai không gian như hòa làm một.

Anh Nguyễn Hải Bình (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho hay, anh được lãnh đạo công ty cử sang Hàn Quốc làm việc, dù đã sống tại Hàn được 3 năm nhưng cảm giác đầu tiên đón Tết xa nhà vẫn còn như mới hôm qua. Do điều kiện công việc nên anh Bình đã trải qua 2 cái Tết xa nhà với những trải nghiệm mới lạ và nỗi nhớ không khí Tết ở quê, nhớ hương vị bữa cơm gia đình da diết. Theo anh Bình, để đón Tết cổ truyền ở xứ Hàn, cộng đồng người Việt và công nhân được cử qua đây làm việc thường lên kế hoạch từ trước, sau đó đến những ngày áp Tết được nghỉ sẽ gặp nhau. Mọi người cùng đi chợ, mua bánh chưng, hoa về cắm... thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị quê nhà, giao lưu các tiết mục văn nghệ chào Xuân, cùng nhau đợi đến thời khắc giao thừa. Chính những điều này đã giúp cho những người con xa quê như anh Bình cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn nhiều.

Còn trên đất Mỹ, cộng đồng người Việt không chỉ giữ gìn mà còn lan tỏa giá trị văn hóa Tết Việt, nhưng đối với những người lần đầu ăn Tết xa quê, cảm xúc thường pha trộn giữa háo hức và luyến tiếc. Chị Trần Thị Hồng (quận Liên Chiểu), người mới định cư tại bang California, tâm sự rằng: “Những ngày này, khi nhìn thấy hình ảnh mọi người gói bánh chưng, làm mâm cỗ, tôi lại nhớ nhà da diết. Ngày mồng Một, tôi gọi điện về nhà để chúc Tết gia đình. Nghe tiếng cười nói của bố mẹ và em út qua màn hình, tôi không khỏi rưng rưng. Nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi tổ chức được một buổi họp mặt nhỏ với bạn bè người Việt tại đây để cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét và kể những câu chuyện Tết”.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, cho rằng ở xứ lạ dù không có đầy đủ không khí, phong tục như ở quê nhà nhưng Tết trên đất khách vẫn đong đầy tình cảm của những người Việt xa xứ. Những nỗ lực giữ gìn văn hóa, kết nối cộng đồng và lan tỏa giá trị truyền thống chính là minh chứng cho tình yêu quê hương mãnh liệt của mỗi người con Việt Nam. “Mỗi người dù vì các lý do không thể về quê hương đón Tết, nhưng cũng là cơ hội để mỗi người thêm trân quý những giá trị mà quê hương đã vun đắp. Trong lòng những người con xa quê, Tết vẫn luôn là dịp để hướng về Tổ quốc với niềm tin và hy vọng, rằng dù ở đâu, họ vẫn là một phần không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam. Chúc những người con xa xứ một năm mới an khang, thịnh vượng và dù ở nơi đâu cũng trọn vẹn niềm vui của một cái Tết sum vầy”, ông Bình nhắn nhủ.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.