Cuối năm, Sài Gòn như cô gái trẻ tinh nghịch, mượn chiếc áo mùa đông lạ lẫm của ai đó mặc vào rồi xúng xính lướt qua tất cả con phố, mặt người. Có những chiếc áo len mỏng nhiều màu sắc đã được mang ra. Có những dòng tin nhắn của mấy cô bạn thân gửi vào máy tôi rộn rã: “Trời đẹp quá. Nghe giống Tết ở quê ghê!”.
![]() |
Tái hiện Tết xưa ở huyện Hòa Vang. Ảnh: CÔNG CHIẾN |
Chợ hôm nay hình như đông người hơn mọi khi. Không có những chiếc áo chống nắng lùng nhùng, khẩu trang kín mít, những câu nói ngắn gọn, cao giọng, đôi khi chỉ chờ chút lý do - không đáng - như cái cớ để trút ra bao lời gắt gỏng. Tôi nhìn thấy quanh mình những đàn bà tươi tắn rạng rỡ với chút son môi hồng hồng, cả những mái tóc bung xõa sóng sánh. Nơi này lời hỏi mua, nơi kia lời mời gọi, nhẹ nhàng, thân tình như bạn bè người thân nói chuyện với nhau. Thêm một lần nữa, tôi hiểu con người vốn mong manh và dễ bị tác động từ thế giới xung quanh như thế nào! Lẽ thường mà, có cây cối tốt tươi, hoa xinh trái mẩy nào mọc lên từ khô cằn sỏi đá? Nếu có, làm sao đếm hết những mất mát và kiên cường?
Tôi ghé một sạp hoa, chọn mấy bó thạch thảo thoảng một màu tím da diết với những lá cành hoa mong manh. Loài hoa đã theo tôi suốt thời thơ dại với lời dạy của thầy về những khát khao được sống, được tỏa sáng, về những mong manh kiên cường của con người trong nghịch cảnh. Chị bán hàng quen, tiễn tôi bằng nụ cười hiền lành. “ Hoa mắc ghê! Năm thìn bão lụt mà. Năm nay khó quá! Sắp Tết rồi, về quê không em?”.
Ôm bó hoa, chút nước ở gốc thấm vào cánh tay lành lạnh. Trong tiếng sỏi, tiếng lá cây lạo xạo dưới chân, tôi nghe có cái gì đó nặng trĩu rơi ra trong thinh lặng lòng mình. “Năm nay khó quá!”. Tôi đã nghe bao nhiêu lần câu này trong đời rồi? Từ nội, từ mẹ, từ các bác, các dì các thím? Nhất là dịp gió mùa bắt đầu về, khi những tờ lịch cuối cùng mỏng manh co mình bám chặt nắm níu vào năm cũ? Khi nhìn quanh nhìn quất, chưa biết sẽ xoay cách nào cho tất cả các con có đầy đủ áo quần giày dép, cho bàn thờ gia tiên được tươm tất, có chút quà cho ông bà cha mẹ, dư một khoản nhỏ trong nhà, trong túi cho an tâm?
Tôi nhẹ nhàng rửa sạch từng cánh hoa, cắt tỉa cẩn thận thả vào cái bình gốm màu nâu xù xì. Cái bình màu nâu đất trầm buồn này, không hiểu sao phù hợp vô cùng với những cành hoa mang từ đồng từ bãi, thậm chí cả những nhành cỏ không tên, có lần ra ngoại thành tôi thích quá ngắt vội, cũng trở nên lộng lẫy khi chúng thuộc về nhau! Ở đời, có nhiều thứ, ví như tình yêu của con người chẳng hạn, không có tốt có xấu, chỉ có phù hợp với nhau không thì phải?
Tay mân mê bề mặt chiếc bình không phẳng phiu như một sự cố ý của người nghệ nhân vô danh nào đó. Tôi lại nghe có cái gì cuộn lên từ dạ dày, chảy trong người, rồi lan ra từng mảnh thịt da, rờn rợn! Bộ não tôi không hiểu sao trong phút chốc bị lấp đầy bởi hình ảnh những khối đất khổng lồ nâu sầm ầm ầm rơi xuống, mang theo những cái cây bị bật gốc thật sâu, lỉa chỉa rễ già rễ non hệt bàn tay của bà phù thủy trong phim dành cho trẻ nhỏ. Đất lấp mất những con lạch có dòng chảy trong veo như ánh mắt trẻ thơ, lấp mất những con đường ngoằn ngoèo cheo leo hùng vĩ, lấp mất những ngôi nhà chênh vênh trên sườn đồi heo hút trong trận cuồng phong Yagi! Ranh giới của yêu thương nâng đỡ và hủy diệt ở đời có khi chỉ bằng một sợi tóc thôi sao?
Tôi tha thiết nhớ những bản làng nhỏ dọc cung đường Tây Bắc. Những bản làng vang tiếng mõ rừng chiều, tiếng nghé ọ lẫn vào tiếng trẻ cười đùa đu mình vắt vẻo trên cành cây, tiếng người lớn gọi nhau về cùng ăn bữa tối. Tôi tha thiết nhớ cảm giác bình an khi trông thấy những tấm áo quần khăn nón đủ màu phơi vắt vẻo trước sân, thấy mấy chú mèo tam thể lười cuộn mình trong gian bếp đỏ lửa, thấy bầy gà con mới nở xúm xít giương mắt nhìn người như muốn gửi một lời chào. Thoắt cái, chỉ còn lại mênh mông một màu nâu của đất hòa lẫn với nước chảy ra từ cao thiên vũ trụ. Tôi đã từng ước có ai đó để hỏi: Nước mưa hay nước mắt trong những ngày tháng thương tâm đó!
Tôi lại nhớ đến dòng nước dâng lên, chảy về, hồng hộc xông vào nhà cửa, ruộng vườn, chuồng heo chuồng gà. Dòng nước nuốt gần hết bảng tên trường của học trẻ con. Dòng nước quấy loãng đất thành một màu nâu đục ngầu ám ảnh, đè lên biết bao trái tim người Việt thương mảnh đất miền Trung ruột thịt run rẩy trong bão Trami! Lạ kỳ, những cái tên bão tố với âm “i” vốn gợi cảm giác âu yếm dễ thương trong Tiếng Việt lại không phải như thế! Bề ngoài và bản chất, lời lẽ và trái tim, dối trá và sự thật, đời này đâu có dễ lường dễ đoán?
Nghĩ đến những ngôi nhà phủ đầy sình lầy bùn non sau bão lũ, nghĩ đến chuồng trại tan hoang, lúa ngô khoai sắn, rau quả chơ vơ xơ xác, nhất là nghĩ đến những ánh mắt vĩnh viễn không có dòng nước, giọt nước nào chảy ra trên khóe mắt con người, khi cơn bão đi qua mang theo những thương yêu nhất đời của họ, một cách tự nhiên tôi lại lẩm nhẩm nói một mình lần nữa: “Năm nay khó quá!”
Nghe lòng rười rượi buồn, nhưng không hiểu sao ngay lúc này, tôi vẫn nghe nhiều hơn nỗi buồn là cảm giác chờ mong một năm mới! Năm mới sắp đến rồi! Sẽ bớt khó hơn thôi. Sẽ tốt lành! Sẽ hanh thông! Tôi đã nghe và thương xiết bao cách nghĩ cách nói đó suốt từ ấu thơ đến giờ ở con người xứ mình. Năm nay thôi, còn năm sau,, năm sau và năm sau nữa… Hóa ra sức mạnh của con người không nằm ở đôi tay, ở đồng tiền, hay quyền lực nghiêng trời mà chính là niềm tin! Bao giờ còn tin, con người nhất định sẽ không bị bất cứ điều gì đánh bại!
Năm cũ buồn nếu có, mất mát nếu có, đau thương nếu có, thất bại nếu có…bất kỳ ai, ở đâu, bao nhiêu tuổi, cũng chộn rộn thu xếp, Tết là về quê. Cái tiếng “quê’, tiếng “nhà” nó lớn đến nỗi đi trọn đời người đôi khi người ta cũng không hình dung được hết. Nó chứa tất cả, đủ đầy cho tất cả, vỗ về nâng đỡ cho tất cả. Cứ nghe tiếng “về quê”,“về nhà” rơi ra, nhất là những ngày như thế này là lòng mềm đi như con trai ai đó lột mất cái vỏ chắn sóng chắn gió.
Về quê, về nhà, đêm giao thừa ngồi trong căn nhà đầy ký ức, nhìn ra khoảng sân không biết đã lưu bao dấu chân mình, nghe được cả tiếng lá cây xoài cây nhãn rơi nhẹ. Nghe tiếng ba lầm rầm kính cẩn khấn ông bà tổ cố rồi ông nội bà nội mời về thăm nhà, về ăn Tết với con cháu. Nghe tiếng mẹ húng hắng ho, đi qua đi lại mở nắp nồi này, đậy nắp vung kia, lẩm nhẩm thầm thì tính đi tính lại, mai mồng một cho các con các cháu ăn gì để có một ngày thật vui một năm thật sung túc. Mùi hương trắng đục bay lên quấn quýt quanh nhà, hòa với mùi thơm của hoa quả chín thoang thoảng, có lẽ ai cũng tưởng như có bàn tay mát lành thần kỳ nào đó, bơm vào kín buồng phổi, sâu trong từng tế bào cơ thể mình, một chất gì đó diệu kỳ tựa trong phim tiên hiệp có khả năng hoàn sinh cải tử.
Điện thoại nhấp nháy sáng - tin của cô bạn thân từ thời tiểu học - “Sắp Tết rồi! Cậu có về quê không?”. Tôi đặt bình hoa thạch thảo lên chiếc bàn nhỏ giữa nhà, màu đất, màu tím, màu xanh, thanh mát nhẹ nhõm. Cuộc sống có những khoảnh khắc tế vi đáng yêu đến lạ! Tôi bấm vào dấu mũi tên màu xanh trong màn hình điện thoại, gửi tin nhắn cho bạn: “Tết mà! Về quê nha cậu!”
LOAN DUYÊN