Nhà văn Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh năm 1941 ở Hội An, Quảng Nam. Năm 1954, theo cha tập kết ra Bắc. Năm 1964, khi tốt nghiệp xuất sắc Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được giữ lại làm giảng viên và cử đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài; nhưng anh đã từ bỏ tất cả, tình nguyện trở về miền Nam trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ngày 1-5-1971, trong cuộc chiến đấu không cân sức, anh đã anh dũng hy sinh ở tuổi 30 đầy nhiệt huyết. Năm 2007, Chu Cẩm Phong được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Năm 2010, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh chính là nhà văn đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này.
![]() |
Hình ảnh Nhà văn Chu Cẩm Phong trên một bìa sách của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. |
“Nhật ký chiến tranh” (NXB Văn học, 2000) của Chu Cẩm Phong được đánh giá là “một tác phẩm văn học kỳ lạ” có sức cuốn hút mãnh liệt và làm lay động lòng người dù chỉ là những trang nhật ký viết trong máu lửa. Tết Ất Tỵ (2025) này là dịp kỷ niệm 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử (30-4-1975 - 30-4-2025), xin được kể về cái Tết cuối cùng qua những lời tâm sự với người yêu của anh trong tập nhật ký kỳ lạ ấy. Đó là những ngày Tết Tân Hợi (1971), để rồi, gần 4 tháng sau, anh vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương mình.
Nhật ký trưa 30 Tết thể hiện nỗi lo lắng, nhớ thương, lưu luyến khi người yêu đến thăm mà anh không thể tiễn ra về vì bận họp: “Sáng nay, P.L ra về một mình, mình hết sức bần thần, lưu luyến (…). Mình có dặn chiều lại đến chơi đón giao thừa, anh em trong cơ quan đều mời như vậy…”. May thay, cũng vì tiếng gọi của tình yêu, chiều tối 30, P.L đã trở lại. Và vì vậy, nhật ký ngày mồng Một Tết của anh, đúng là… vui như Tết: “Mình vui vô cùng, thế là chúng mình được sống gần nhau trong không khí và tình cảm thiêng liêng của buổi giao thừa”. Và đây là không khí đón giao thừa năm Tân Hợi. Một cái Tết dù ở giữa núi rừng trong năm tháng chiến tranh vẫn đầy xúc cảm với những nét sinh hoạt vừa thiêng liêng vừa rộn rã: “Năm nay bọn mình tổ chức đón giao thừa, ăn Tết một cách đàng hoàng, sang trọng và vui vẻ. Trong căn nhà đóng kín cửa, mọi người đứng ngồi quanh một đống lửa cháy rực, ấm áp, một cành đào thật to, những bình hoa hồng, hoa cúc, hoa hướng dương (…). Tất cả đều vui vẻ, chúng mình hát nhiều bài, có ghita đệm. P.L (…) hát những bài hát mình rất ưa thích, lần đầu tiên nghe em hát (…), mình cảm thấy sung sướng và tự hào”. Dường như cả núi rừng cùng đón Tết. Điều này thể hiện rõ tinh thần lạc quan của chiến sĩ ta trong những năm chiến tranh gian khổ ấy: “Trong giây phút thiêng liêng đó, chúng mình đã bắn hơn 2 băng đạn súng ngắn để đón năm mới. Ở dãy núi bên sông Ng. vọng lại những loạt đạn AK đáp lại. Bên này bắn chào, bên kia lại bắn đáp”. Sau đón giao thừa. “ngồi nói chuyện, ăn kẹo, nghe ngâm thơ cho đến 3 giờ 30”.
Nhật ký mồng 2 Tết, anh ghi lại bức thư P.L gửi cho mình và tâm sự: “Đọc xong thư mình bần thần cả người (…). Sao em lại tự làm khổ mình hung vậy”. Quá dằn vặt và đau khổ, cuối cùng, anh đã gặp anh em cơ quan để nói thật về chuyện tình cảm giữa hai người. “Ai cũng tán thành và góp ý kiến”; đồng ý hoãn cuộc họp để anh sang cơ quan P.L trình bày, nhưng: “Đến chiều anh Linh thay đổi ý kiến, sợ mình đi không lợi, mới ủy nhiệm cho Quốc sang gặp P.L trình bày ý kiến của chi ủy và cơ quan bên này”. Nhật ký mồng 3 Tết, Chu Cẩm Phong ghi tiếp: “Chiều nay mưa, Quốc ra đi… Mình gửi Quốc mang theo hai lá thư mình viết đêm mồng Một và ngày hôm qua (…). Bồn chồn quá. Mới hai ngày mà thấy xa ghê gớm…”.
Chỉ là nhật ký trong ba ngày Tết, nhưng cũng đã giúp ta hiểu ra nhiều điều về tình yêu, về nhiệm vụ về không khí Tết của những tháng năm chống Mỹ. Cuộc tình của họ, lẽ ra sẽ được kết thúc bằng một đám cưới giữa chiến trường vào giữa năm 1971. Nhưng rồi, sau những ngày Tết ấy, Chu Cẩm Phong đã rời hậu cứ xung phong xuống một địa bàn khốc liệt: “Mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể sẽ hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm!”. Và đúng như tiên liệu, anh đã ngã xuống. Tình yêu của anh và P.L mãi mãi nằm ở tuổi thanh xuân.
Để rồi, cũng một ngày tháng 5 gần 30 năm sau ngày anh hy sinh, cô bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội trẻ trung thuở ấy giờ đã là một giáo sư đầu ngành ngậm ngùi trở lại chiến trường xưa thăm nơi anh hy sinh và đến nghĩa trang thắp nhang trên mộ anh giữa cái nắng hè chang chang của xứ cát miền Trung. Chị nghĩ lại, đúng cái hôm 1-5 năm ấy, lúc chị đang phát rẫy ở Trà Mỹ thì bỗng dưng xây xẩm mặt mày rồi ngã quỵ xuống. Lật nhật ký lại xem thì chính lúc chị ngã quỵ ấy cũng đúng là giờ phút Chu Cẩm Phong hy sinh. Quả là một tình yêu thiêng liêng như một sợi dây vô hình ràng buộc, nảy nở trong chiến tranh, đẹp và ly kỳ như một trang huyền thoại.
MAI BÁ ẤN