Xác định đối tượng khách hàng là những người có thu nhập thấp hoặc không ổn định, thời gian qua, các công ty tài chính đã kết hợp với rất nhiều kênh bán hàng gắn với các cơ sở kinh doanh điện máy, xe máy hoặc các khu vực chợ có nhiều tiểu thương buôn bán ở chợ…
Kết hợp với các cơ sở kinh doanh điện máy, xe máy, CTTC đang có hàng chục nghìn điểm bán hàng khắp cả nước |
Giải pháp cho nhu cầu tiêu dùng của người thu nhập thấp
Tài chính tiêu dùng đang trở thành thuật ngữ khá phổ biến trong hoạt động tài chính ngân hàng. Những đối tượng mà họ hướng đến là các khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng, tức những người có thu nhập trung bình thấp, thu nhập không ổn định, thậm chí là người muốn đi vay nhưng không có tài sản đảm bảo.
Theo thống kê, lượng khách hàng mà các công ty tài chính phục vụ nhiều hơn cả lượng khách hàng của ngân hàng, nhưng vì khoản vay chỉ rất nhỏ, bình quân là 3-10 triệu đồng/món nên tổng dư nợ của các công ty tài chính mới chỉ khoảng 50 – 70 nghìn tỷ, tức bằng 0,01% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Bởi xác định đối tượng khách hàng như vậy, thời gian qua, các công ty tài chính đã bắt tay với các nhà sản xuất, các nhà phân phối để đồng hành trực tiếp tại các kênh bán hàng gắn với các cơ sở kinh doanh điện máy, xe máy hoặc các khu vực chợ có nhiều tiểu thương buôn bán để tiếp cận với khách hàng. Thống kê của các công ty tài chính cho thấy họ đang có khoảng hơn chục nghìn điểm bán hàng khắp cả nước. Bên cạnh tiện ích về thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng, không yêu cầu tài sản đảm bảo, các công ty tài chính còn tung ra nhiều chương trình ưu đãi về lãi suất dành cho người đi vay như trả trước 0 đồng, hay thậm chí có những chương trình cho vay tiêu dùng với mức lãi suất 0%.
Người đi vay cũng phải học để vay tiêu dùng hiệu quả
Chính vì hướng đến các đối tượng khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng, tức những người có thu nhập trung bình thấp, thu nhập không ổn định, tài chính tiêu dùng tại các công ty tài chính do vậy cũng có mức lãi suất cao hơn so với khoản vay tại ngân hàng. Chưa kể, nhiều trường hợp khách hàng chưa có ý thức về khả năng trả nợ của bản thân, hay việc cần phải thanh toán đúng hạn lãi và gốc dẫn đến việc phải chịu ràng buộc về lãi, phí phạt…
Tuy nhiên, không phải người đi vay nào cũng nhận thức rõ ràng và thận trọng về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình khi tham gia vay tiêu dùng. Chưa kể, ở Việt Nam nhiều người vẫn còn lầm tưởng tín dụng tiêu dùng hay cho vay trả góp là tín dụng đen, nên đâu đó vẫn còn những cái nhìn ác cảm. Trong khi đó thực tế tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính là hoạt động được cấp phép và quản lý bởi các thông tư, nghị định và giám sát rất chặt chẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Theo TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính-Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết, nhận thức hay hiểu biết của người tiêu dùng về tài chính nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng là vô cùng quan trọng.
Để bảo đảm bền vững cho cả người vay vốn và công ty tài chính thì bản thân các công ty phải minh bạch và có chính sách sản phẩm (số tiền cho vay, lãi suất, thời hạn…) thật phù hợp với từng nhóm nhu cầu của khách hàng, như vay mua sắm đồ gia dụng, đồ điện – máy, vay khám bệnh, vay đi du lịch... Còn với người đi vay, mỗi người khi có nhu cầu tài chính tiêu dùng, để bảo đảm không rơi vào những hoàn cảnh xấu như vỡ nợ, cần phải tự trang bị các kiến thức và kỹ năng tài chính cá nhân, như lập kế hoạch chi tiêu, kiểm soát chi tiêu, quản lý dòng tiền, khảo sát các công ty tài chính trước khi vay… để có cơ sở so sánh, từ đó lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng tốt nhất.
Nhận xét về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay, TS. Linh cho rằng, với trên 50 triệu dân Việt Nam ở trong độ tuổi dân số vàng – vốn là nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhất tuy nhiên thu nhập chưa đủ để bù đắp chi tiêu- thì tín dụng tiêu dùng sẽ là giải pháp tốt để cho họ thoả mãn nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đến từ Vụ an toàn hoạt động ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, với tiềm năng lớn nhưng các công ty tài chính tại Việt Nam hiện mới dừng lại ở con số 14. Để phục vụ lĩnh vực này phát triển, công ty tài chính cần phải tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh theo các sản phẩm, nghiệp vụ được phép nhằm năng cao chất lượng tín dụng, năng lực cạnh tranh, tính minh bạch trong cung cấp sản phẩm dịch, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành quản lý rủi ro tương ứng với chiến lược kinh doanh để phù hợp với mục tiêu, định hướng mà Chính phủ đề ra.
Thu Hằng