Nắm lịch 3 lễ hội đáng đến nhất miền Bắc để lên kế hoạch du xuân

.

Mỗi dịp đầu năm mới, người dân và tín đồ Phật tử lại hành hương tới những điểm đến tâm linh để bái Phật cầu an lành cho gia đình. Năm nay, bên cạnh những lễ hội truyền thống đã thành thông lệ, nhiều Phật tử lên kế hoạch sớm để tới những điểm đến mới mẻ, huyền linh như quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan, để dự Hội xuân mở cổng trời Fansipan.

Hội xuân mở cổng trời Fansipan (4/1 âm lịch)

Lễ hội được tổ chức tại quần thể văn hóa tâm linh trên đỉnh Fansipan, Sa Pa thuộc khu du lịch Sun World Fansipan Legend, từ mùng 4-1 âm lịch, và được kéo dài trong một tháng.

Ngày khai hội, hàng nghìn tăng ni, Phật tử, du khách thập phương đã hội tụ về Bảo An Thiền Tự tại chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, tụng kinh niệm Phật cầu cho quốc thái dân an, gia đình bình an hạnh phúc, tài lộc thăng tiến.

Tới tham dự lễ hội, du khách thập phương hoan hỉ nhận bùa trì chú từ sư thầy, đón nhận phúc đức và trí tuệ viên mãn cho cả năm.

Và có lẽ ít có hành trình hành hương lễ Phật nào lại đẹp ngoạn mục như khi được lên tới đỉnh thiêng Fansipan – nóc nhà Đông Dương. Rời Bảo An Thiền Tự, du khách đi cáp treo băng qua những núi rừng thung lũng điệp trùng, lên tới ga đến, và bắt đầu hành trình leo 600 bậc đá nữa, để từng bước, được chiêm ngưỡng những công trình tâm linh đẹp như tuyệt tác giữa mây ngàn.

Toàn bộ quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan gồm nhiều hạng mục: cổng trời Thanh Vân Đắc Lộ, Bích Vân Thiền Tự, Vọng Lĩnh Cao Đài, đường La Hán dẫn lối tới Đại tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam, cụm công trình Kim Sơn Bảo Thắng Tự, bảo tháp 11 tầng bằng đá sa thạch, tượng Phật Quan Thế âm Bồ tát, miếu Sơn thần…

Các công trình mang dáng dấp chùa Việt thời Trần, thế kỷ 15-16, được tạo dựng kỳ công trên đỉnh cao Fansipan bốn mùa mây phủ, gió lạnh. Vẻ đẹp huyền hoặc ẩn giữa mây ngàn của quần thể càng tôn lên sự linh thiêng của nơi được coi là đại huyệt mạch quốc gia.

 Không chỉ được chiêm bái những công trình tâm linh kỳ vĩ, nếu may mắn, du khách có thể được tận mắt chứng kiến những ánh hào quang tỏa sáng từ phía tượng Phật Quan Thế âm Bồ tát. Nhiều du khách đã gọi đây là hiện tượng Phật hiển linh ở nơi suối nguồn linh khí của dân tộc.

Hội xuân mở cổng trời Fansipan còn diễn ra cùng thời điểm với Lễ hội Khèn hoa và không gian văn hóa Tây Bắc, với nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa Tây Bắc đặc sắc, triển lãm trưng bày hoa xuân Tây bắc độc đáo với hàng trăm loại đào quý… Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức nhiều loại ẩm thực đặc trưng do chính bà con dân tộc ở đây chế biến, phục vụ.

Lễ hội Đền Hùng

Diễn ra ngày 10-3 âm lịch tại quần thể di tích Đền Hùng, Phú Thọ, đây là lễ hội quốc gia tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Mỗi năm, lễ hội thu hút hàng chục vạn du khách hành hương “trở về nguồn cội”.

Lễ hội Đền Hùng gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng, nghi thức dâng hương hoa đều được thực hiện long trọng tại Đền Thượng để cầu cho quốc thái dân an, đất nước thịnh vượng.

Phần hội cũng diễn ra tưng bừng, sôi động là dịp để các nghệ nhân Mường gõ trống đồng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Các sân khấu nhỏ biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, kịch nói, quan họ hay trò chơi dân gian cổ truyền hấp dẫn.

Bên cạnh các hoạt động lễ hội thì du khách tới khu di tích dịp này cũng là để chiêm bái những công trình tâm linh gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, tọa lạc ở địa thế cao ngoạn mục, hùng vĩ trên núi Hùng.

Lễ hội Đền Trần

Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục từ thời Trần – triều đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc.

Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Sau này trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua Trần cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vị vua, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần để cầu mong năm mới bình an, khỏe mạnh, vạn sự hanh thông.

Lễ khai ấn thường được bắt đầu vào 23 giờ 15 ngày 14 tháng Giêng và bắt đầu phát cho người dân, du khách từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng cho đến khi hết ấn. Hằng năm, du khách, Phật tử bốn phương đều tìm về để xin ấn, cầu mong năm mới vạn sự cát tường. Ngoài trọng tâm là lễ khai ấn thì tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật...

;
;
.
.
.
.
.