Một số ứng viên thường lúng túng khi được hỏi về điểm yếu trong cuộc phỏng vấn. Họ sợ rằng khi nói về điểm yếu sẽ làm cho nhà tuyển dụng “bắt thóp” và trừ điểm. Tuy nhiên nếu thông minh và khéo léo, câu hỏi này không “làm khó” mà là cơ hội để bạn chia sẻ về bản thân. Sau đây là 4 gợi ý bạn có thể tham khảo khi trả lời câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” mà không làm cho nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu.
Tuyệt đối không đề cập điểm yếu là kỹ năng, năng lực chuyên môn
Năng lực chuyên môn chính là yêu cầu cơ bản nhất, tối thiểu nhất mà nhà tuyển dụng đặt ra khi tìm ứng viên.
Khi ứng tuyển việc làm ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng hay bất cứ nơi đâu, chính bản thân bạn cần tự tin đáp ứng đủ năng lực chuyên môn, đảm bảo cho công việc. Nếu có điểm yếu thì chỉ là một số vấn đề thuộc về tính cách hoặc phong cách làm việc. Còn với chuyên môn và kỹ năng bạn đã hoàn toàn tự tin để đảm nhận công việc này một cách tốt nhất. Nếu bạn trả lời điểm yếu liên quan đến kỹ năng - chuyên môn thì khả năng bị loại là rất cao.
Do vậy, dù bạn muốn đưa ra câu trả lời điểm yếu một cách thành thật nhất thì cũng nên khéo léo, tránh đề cập đến việc mình còn thiếu sót về kỹ năng - chuyên môn vì cơ hội sẽ dành cho những ứng viên khác.
Nói về một điểm yếu không ảnh hưởng đến công việc
Trước khi ứng tuyển chắc chắn bạn sẽ phải tìm hiểu đặc thù, yêu cầu công việc. Dựa vào đây bạn sẽ biết nên đưa ra câu trả lời như thế nào để điểm yếu của mình không ảnh hưởng đến công việc.
Ví dụ với công việc thiên về nghiên cứu, viết lách không cần phải hoạt ngôn hay giao tiếp thường xuyên với khách hàng, bạn có thể nói mình là người ít nói, trầm tính. Với công việc đòi hỏi độc lập, bạn có thể nói điểm yếu là vẫn còn thiếu kỹ năng kết nối khi làm việc nhóm…
Ngoài ra bạn có thể đề cập một số điểm yếu không ảnh hưởng đến công việc như: không thích đùa, không thích tụ tập sau giờ làm, không thích những nơi quá ồn ào (hoặc quá yên lặng tẻ nhạt…) Các câu trả lời này phần nào giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về tính cách của bạn.
Nói về điểm yếu nhưng “khéo léo” biến thành điểm mạnh
Làm thế nào để biến điểm yếu thành điểm mạnh? Câu trả lời gợi ý là bạn có thể nói rằng nhược điểm là quá cầu toàn trong mọi việc, quan tâm đến từng tiểu tiết, chi tiết… đến mức kỹ tính, khó tính. Chính điểm yếu này làm cho nhà tuyển dụng yên tâm vì với nhân viên như vậy thì công việc hạn chế sai sót hơn…
Ngoài ra, một gợi ý nữa về điểm yếu biến thành điểm mạnh là “Em là người hay ôm đồm, không biết cách nói lời từ chối khi cần thiết…”, nhà tuyển dụng sẽ hiểu rằng bạn là người thường vì người khác, có tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp… Chính những “điểm yếu” này lại là đặc điểm nhà tuyển dụng muốn tìm thấy ở đội ngũ nhân viên của mình.
Nói về điểm yếu bằng một thái độ tích cực và nỗ lực cải thiện
Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” có nghĩa là họ muốn tìm hiểu mức độ hiểu rõ bản thân của chính ứng viên. Bạn không nên nói về điểm yếu một cách tiêu cực, tránh thể hiện sự bất lực hoặc chán ghét bản thân. Nhà tuyển dụng cho rằng bạn yếu kém về năng lực và kỹ năng.
Ngược lại, bạn nên nói về điểm yếu bằng thái độ tích cực và đang nỗ lực cải thiện từng ngày để trở nên tốt hơn. Chẳng hạn “Tính cách của em khá rụt rè và chưa tự tin nói trước đám đông, em hiểu mình cần khắc phục vì nếu không sẽ có lúc nó gây bất lợi cho tôi trong việc xây dựng các mối quan hệ. Em đang tham gia một câu lạc bộ - nơi đây em đã học được cách giao tiếp, kết nối với mọi người và em cũng đã bắt đầu rèn luyện khả năng trình bày vấn đề của mình một cách tự tin nhất…”.
Không ai dám khẳng định mình hoàn hảo, ưu tú tuyệt đối mà không có điểm hạn chế. Do vậy, khi được hỏi Điểm yếu của bạn là gì, bạn cũng không nên bối rối hoặc đưa ra câu trả lời gây bất lợi cho bản thân. Nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu ứng viên bao gồm cả điểm mạnh và điểm yếu để đánh giá mức độ phù hợp với vị trí tuyển dụng. Trước khi tham dự phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu và đưa ra câu trả lời khéo léo nhất giúp nhà tuyển dụng nhận thấy nó không ảnh hưởng đến công việc, hơn thế nữa bạn đang nỗ lực từng ngày để trở nên tốt nhất.