6 kỹ năng giúp phỏng vấn đạt kết quả tốt

.

Nhà tuyển dụng không chỉ bị thuyết phục bởi một hồ sơ xin việc đẹp, chỉn chu hay những câu trả lời hợp lý, họ còn bị ấn tượng bởi những hành động tưởng chừng rất nhỏ nhưng tinh tế và khéo léo của bạn. Vậy đó là hành động gì và tại sao nó giúp bạn ghi điểm khi phỏng vấn xin việc? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để buổi phỏng vấn đạt kết quả tốt. 

Nụ cười rạng rỡ

Một ứng viên mang năng lượng tích cực bằng việc có nụ cười tươi sẽ luôn thu hút nhà tuyển dụng ở Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay bất cứ nơi nào khác. Nụ cười ngay khi gặp nhà tuyển dụng như một lời chào, thể hiện sự thân thiện và quý trọng bạn dành cho họ. Nó cũng giúp giảm đi không khí căng thẳng, áp lực của buổi phỏng vấn và cho thấy sự tự tin của bạn.

Trong suốt buổi phỏng vấn, bạn nên giữ sự lạc quan với khuôn miệng tươi, rạng rỡ. Khi kết thúc và chào nhà tuyển dụng trước khi ra về, bạn cũng đừng quên mỉm cười. Vì nụ cười lúc này như một lời cảm ơn bạn gửi tới họ.

Cái bắt tay chắc chắn

Ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng thường đến từ việc chào hỏi với cái bắt tay. Bắt tay không chỉ cho thấy sự chủ động, tự tin mà còn là một yếu tố thể hiện tích cách của bạn.

Hãy chắc chắn cái bắt tay của bạn không quá hời hợt nhưng cũng đừng quá mạnh, dễ bị hiểu lầm là thô bạo. Khi bắt tay, đừng thể hiện sự thiếu tự tin bằng cách cúi thấp người hoặc khom lưng mà hãy thẳng lưng và nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng.

Khi kết thúc buổi phỏng vấn xin việc, bạn cũng đừng quên bắt tay họ. Cái bắt tay lần này thể hiện như một lời cảm ơn và hy vọng của bạn về kết quả tốt đẹp nhà tuyển dụng sẽ thông báo sau buổi phỏng vấn. Lưu ý là nếu bạn ra mồ hôi tay thì nên lau khô trước khi thực hiện.

Thời gian đến buổi phỏng vấn vừa vặn

Đến trước buổi phỏng vấn là điều bạn được khuyên nên làm. Tuy nhiên không phải cứ đến sớm là sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng. Đến quá sớm và gây ồn ào trong lúc chờ đến lượt phỏng vấn có thể còn khiến bạn mất điểm. Bởi điều này vô tình đặt áp lực lên nhà phỏng vấn, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hơn nữa chờ đợi quá lâu có thể khiến bạn thêm lo lắng, thêm mất tinh thần.

Thay vào đó bạn chỉ cần đến trước khoảng 10 phút. Đây là khoảng thời gian được cho là vừa vặn để bạn chào hỏi mọi người (nếu có), chỉnh trang lại trang phục, sắp xếp lại tài liệu cần thiết, lấy tinh thần và bước vào phòng phỏng vấn.

Giao tiếp bằng mắt

Duy trì giao tiếp bằng mắt trong buổi phỏng vấn sẽ tạo ra sự liên kết giữa bạn và nhà tuyển dụng. Ánh mắt giúp bộc lộ cảm xúc, thể hiện sự tự tin, sự tôn trọng của bạn với nhà tuyển dụng.

Nếu bạn lẩn tránh, không dám nhìn nhà tuyển dụng thì sẽ bị đánh giá là nhút nhát, tự ti và nặng hơn là không tôn trọng họ, do đó hãy giao tiếp bằng mắt, một cách liên tục nhưng không quá căng thẳng. Bạn cũng đừng nhìn nhà tuyển dụng quá chăm chú hoặc nháy mắt liên tục. Trong một số tình huống hãy điều chỉnh, di chuyển ánh mắt sao cho phù hợp, thể hiện sự tự tin, linh hoạt của bạn trong giao tiếp.

Chọn màu sắc trang phục phù hợp

Nhiều ứng viên chỉ để ý đến trang phục mà quên phần màu sắc, thậm chí một số bạn do sơ suất hoặc thiếu tinh ý, chọn những màu sắc nổi bật như cam, đỏ... quá nổi bật và chói mắt. Lời khuyên là nên chọn các màu trung tính như trắng, đen, xám... thay vì màu sặc sỡ.

Để ghi điểm hơn nữa thì bạn nên chọn màu sắc và trang phục phù hợp với văn hóa công ty, với màu sắc thương hiệu, với vị trí ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là ứng viên tinh tế, hiểu biết.

Việc tìm hiểu về màu sắc doanh nghiệp lựa chọn không khó. Chỉ cần tìm hiểu qua hoạt động truyền thông, nội bộ hoặc thậm chí có thể hỏi trước nhà tuyển dụng là bạn sẽ biết chọn màu sắc phù hợp.

“Khen ngợi” nhà tuyển dụng khi có thể

Tạo thiện cảm và kết nối với nhà tuyển dụng luôn là mục tiêu quan trọng trong buổi phỏng vấn. Bởi ngay cả khi bạn chưa phù hợp với vị trí tuyển dụng hiện tại thì việc bồi đắp mối quan hệ với người phỏng vấn giúp bạn có nhiều cơ hội trong tương lai.

Hãy nhắc tên nhà tuyển dụng như một cách thông báo ngầm rằng, bạn đã ghi nhớ tên của họ. Điều này cho thấy bạn rất coi trọng họ cũng như cuộc gặp gỡ này. Đồng thời hãy thể hiện rằng luôn đánh giá cao, ghi nhận và trân trọng những nhận xét, đánh giá của nhà tuyển dụng về bạn. Đó có thể là ưu, nhược điểm cá nhân, lời khuyên về kỹ năng phỏng vấn của bạn.

Đặc biệt, trong một số trường hợp đừng tiếc lời khen ngợi, lời cảm ơn nhà tuyển dụng và công ty khi có thể bởi bất kỳ ai cũng có nhu cầu được người khác tôn trọng. Tất nhiên nó cần dựa trên sự chân thành của bạn.

Trên đây là 6 kỹ năng cần có của một người đi phỏng vấn. Điều này không chỉ giúp bạn ghi điểm trong buổi phỏng vấn xin việc mà còn tạo được ấn tượng và xây dựng mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng tạo thuận lợi cho quá trình tìm việc sau này.

;
;
.
.
.
.
.