Nâng cao chất lượng giáo dục Đà Nẵng với phương pháp khai vấn tạo nên những lớp học sinh động

.

Đà Nẵng – Thành phố đáng sống, đang không ngừng đổi mới và phát triển. Và giáo dục cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Mới đây, các giảng viên Đà Nẵng đã có cơ hội tham gia một chương trình tập huấn đặc biệt, hứa hẹn mang đến những làn gió mới cho các lớp học.

Các đại biểu đến từ các tỉnh thành tham dự chương trình tập huấn tại Đà Nẵng .
Các đại biểu đến từ các tỉnh thành tham dự chương trình tập huấn tại Đà Nẵng.

Chương trình tập huấn mang tên “Sử dụng khai vấn trong bồi dưỡng chuyên môn về Học thông qua Chơi” được tổ chức bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) phối hợp với Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 năm 2024, tại Thành phố Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của các giảng viên quốc gia từ Bộ GDĐT, các trường ĐHSP, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) cùng các giảng viên cốt cán từ 9 tỉnh, thành dự án.

Với mục tiêu nhân rộng mô hình "Học thông qua Chơi", chương trình tập huấn đã trang bị cho các giảng viên quốc gia những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đào tạo lại đội ngũ giáo viên cốt cán. Từ đó, phương pháp khai vấn sẽ được áp dụng rộng rãi trong các trường tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo ra những giờ học hứng thú cho học sinh.

Tại chương trình, mô hình GRROW trong khai vấn được đại diện VVOB chia sẻ chi tiết về lý thuyết cũng như kỹ năng ứng dụng hiệu quả đã giúp các đại biểu có một lộ trình rõ ràng để áp dụng phương pháp khai vấn vào thực tế giảng dạy. Từ việc xác định mục tiêu rõ ràng đến việc xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, mô hình này đã trang bị cho giáo viên những công cụ cần thiết để tạo ra những tiết học sinh động và hiệu quả.

Trong lĩnh vực giáo dục, khai vấn là một quá trình từng bước nâng cao kỹ năng và hiệu quả giảng dạy thông qua sự dẫn dắt và phản hồi. Người khai vấn không đưa ra lời giải, mà đặt câu hỏi để giúp giáo viên tự tìm ra giải pháp của riêng họ, từ đó hình thành quá trình phát triển cá nhân và phát triển chuyên môn.

Đội ngũ giáo viên hào hứng trình bày nội dung thảo luận.
Đội ngũ giáo viên hào hứng trình bày nội dung thảo luận.

Thông qua những tình huống giả định, đại biểu tham dự  trải nghiệm và thực hành các kỹ năng thiết yếu cho công tác khai vấn, bao gồm kỹ năng lắng nghe tích cực, kỹ năng đặt câu hỏi, và kỹ năng đưa ra phản hồi hiệu quả. Chương trình tập huấn cũng nhấn mạnh tới việc tích cực rèn luyện và phát triển hệ thống kỹ năng trong khai vấn, nhằm xây dựng quá trình bồi dưỡng chuyên môn liên tục và bền vững cho cả người khai vấn và người được khai vấn.

Tại hội thảo, ban tổ chức cũng giới thiệu tới đại biểu bộ tài liệu "Học thông qua Chơi" mới được cập nhật. Quyển 1 - ‘Hướng dẫn tổ chức Học thông qua Chơi cấp Tiểu học’ cung cấp nền tảng vững chắc về lý thuyết và thực tiễn của cách tiếp cận, trong khi Quyển 2 – ‘Hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên về Học thông qua Chơi’, tập trung vào việc nâng cao năng lực của giáo viên thông qua các hình thức bồi dưỡng chuyên môn đa dạng. Nội dung của bộ tài liệu mang đến nhiều ví dụ thực tế, các nghiên cứu mới nhất và những hướng dẫn chi tiết, giúp giáo viên tự tin áp dụng cách tiếp cận HTQC vào giảng dạy, tạo ra những giờ học thú vị và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Bà Silvijia Pozeinel, Cố vấn giáo dục chiến lược - VVOB hướng dẫn về mô hình GRROW
Bà Silvijia Pozeinel, Cố vấn giáo dục chiến lược - VVOB hướng dẫn về mô hình GRROW.

Bà Silvijia Pozeinel, đại diện VVOB chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng việc đầu tư vào nâng cao năng lực của giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng giáo dục. Chương trình tập huấn này là một minh chứng cho cam kết của VVOB trong việc đồng hành cùng giáo viên Việt Nam đổi mới giảng dạy, giúp học sinh phát triển toàn diện.”

Là đội ngũ chuyên gia, giảng viên và giáo viên giàu kinh nghiệm, các đại biểu tham dự chương trình đã làm việc và thảo luận sôi nổi, cởi mở với mục tiêu không chỉ nắm vững lý thuyết về kỹ năng khai vấn mà còn am hiểu cách áp dụng và truyền đạt những kiến thức này đến giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường tại từng địa phương.

Thành công của dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi vào giáo dục tiểu học – iPLAY Việt Nam” là bước đệm quan trọng để VVOB cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo mở ra một chương mới trong đổi mới giáo dục. Đại diện VVOB tin rằng hướng tiếp cận "Học thông qua Chơi" sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển  không chỉ ở Đà Nẵng mà trên khắp Việt Nam, góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại và tiên tiến.

;
;
.
.
.
.
.