Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên không ít lần nhận được những câu hỏi tình huống khiến bản thân lúng túng, như “Hãy kể về một lần bạn xử lý xung đột trong nhóm” hay “Bạn từng vượt qua áp lực lớn bằng cách nào?”. Những câu hỏi này do nhà tuyển dụng đặt ra để đánh giá khả năng tư duy, cách xử lý vấn đề của ứng viên, thậm chí là tiềm năng đóng góp cho đội nhóm. Để trả lời những câu hỏi phỏng vấn này không chỉ cần kỹ năng mà còn cần phương pháp. Đó chính là lý do STAR được tạo ra.
Hãy cùng khám phá cách áp dụng phương pháp STAR để tạo nên những câu trả lời đầy sức thuyết phục khi phỏng vấn tìm kiếm việc làm, giúp ứng viên ghi điểm tối đa trong mắt nhà tuyển dụng.
STAR là gì?
Phương pháp STAR là một khung trả lời câu hỏi phỏng vấn giúp ứng viên trình bày câu chuyện cá nhân một cách có trật tự, rõ ràng và thuyết phục. STAR là viết tắt của:
- S (Situation – Tình huống): Mô tả ngắn gọn bối cảnh hoặc hoàn cảnh cụ thể của câu chuyện.
- T (Task – Nhiệm vụ): Vai trò hoặc nhiệm vụ của bạn trong tình huống đó.
- A (Action – Hành động): Bạn đã làm gì để xử lý tình huống hoặc hoàn thành nhiệm vụ?
- R (Result – Kết quả): Kết quả đạt được sau hành động của ứng viên.
Có thể hiểu STAR như một sơ đồ cây giúp ứng viên kể câu chuyện của mình một cách mạch lạc và có trọng tâm. Phương pháp này đặc biệt hữu ích với các câu hỏi hành vi – loại câu hỏi chiếm phần lớn thời lượng trong các buổi phỏng vấn hiện đại. Ví dụ, thay vì trả lời một cách mơ hồ “Em có kỹ năng làm việc nhóm tốt”, STAR giúp ứng viên chứng minh điều đó bằng một câu chuyện thực tế với đầy đủ chi tiết quan trọng để có thể thuyết phục nhà tuyển dụng.
Tại sao phương pháp STAR được ưa chuộng?
Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về các tình huống cụ thể trong quá khứ, mục đích của họ không dừng lại ở việc lắng nghe câu chuyện của ứng viên mà họ đang tìm kiếm một ứng viên hội tụ các tố chất:
- Khả năng tư duy mạch lạc: Ứng viên có khả năng tổ chức, sắp xếp thông tin rõ ràng, logic và có trọng tâm trong thời gian ngắn hay không?
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Bạn phản ứng ra sao trong các tình huống phức tạp hay những vấn đề phát sinh ngoài dự liệu?
- Bài học bạn rút ra: Ứng viên có khả năng tự nhìn nhận, học hỏi và cải thiện những yếu điểm của bản thân hay không?
Có thể nói, STAR giúp ứng viên trình bày mọi thứ một cách logic, tránh sự lan man hoặc bỏ sót những thông tin quan trọng. Đây là cơ hội để bạn chứng minh bản thân không chỉ phù hợp với vị trí ứng tuyển mà còn có tiềm năng đóng góp lâu dài cho công ty.
Áp dụng phương pháp STAR trong trả lời phỏng vấn
Lựa chọn tình huống phù hợp
Khi nhận được câu hỏi: “Hãy kể về một lần bạn phải làm việc dưới áp lực lớn”, thay vì vội vàng đưa ra đáp án như một phản xạ tự nhiên, hãy dành vài giây suy nghĩ, chọn một câu chuyện trong quá khứ mà bạn cảm thấy tự tin nhất và nếu có thể, trải nghiệm đó nên liên quan trực tiếp đến vị trí bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ, nếu ứng viên ứng tuyển vào vị trí quản lý dự án, hãy chọn một tình huống thể hiện khả năng tổ chức hoặc lãnh đạo của ứng viên.
Trình bày câu trả lời theo cấu trúc STAR
- Situation (Tình huống): Mô tả ngắn gọn về bối cảnh của câu chuyện, đặc biệt tập trung vào các thông tin liên quan đến trọng tâm của câu hỏi.
- Task (Nhiệm vụ): Nói rõ vai trò của bạn trong tình huống đó.
- Action (Hành động): Chia sẻ những gì bạn đã làm để giải quyết vấn đề. Ở phần này bạn nên trình bày một cách cụ thể, gãy gọn và thông qua đó, cần thể hiện được những kỹ năng/phẩm chất tốt nhất của bạn.
- Result (Kết quả): Đưa ra kết quả cụ thể và nếu có thể, hãy kèm theo các số liệu để đáp án của bạn có tính thuyết phục cao hơn.
Luyện tập để trả lời bằng phong thái tự nhiên
Đừng để câu trả lời của bạn trở thành một bài diễn thuyết theo kiểu học thuộc lòng. Hãy biến nó thành một câu chuyện gần gũi và chân thật để chinh phục nhà tuyển dụng.
Hãy bắt đầu bằng việc dự trù các câu hỏi thường gặp, viết đáp án ra giấy theo chuẩn cấu trúc STAR, sau đó diễn tập trả lời để làm quen với cách trình bày. Nếu có thể, hãy luyện tập cùng bạn bè hoặc người thân, nhờ họ đặt câu hỏi và nhận xét về đáp án cũng như tác phong. Phản hồi từ họ sẽ giúp ứng viên điều chỉnh giọng điệu, tốc độ nói, thậm chí cách truyền đạt sao cho tự nhiên nhất. Bạn cũng có thể ghi âm hoặc quay video quá trình luyện tập để tự đánh giá và phát hiện những điểm bản thân cần cải thiện, chẳng hạn như giọng đều đều, tốc độ nói quá nhanh, hay lặp từ…
Lưu ý, đừng cố gắng ghi nhớ từng chữ, chỉ cần nắm những ý chính, linh hoạt trong cách diễn đạt và ghi điểm bằng sự tự nhiên, chân thành của bạn.
Những lưu ý khi áp dụng phương pháp STAR
- Không lan man: Phần tình huống và nhiệm vụ chỉ nên chiếm khoảng 20-30% thời lượng của câu trả lời. Toàn bộ thời lượng còn lại hãy tập trung cho phần hành động và kết quả.
- Kể câu chuyện tích cực: Ngay cả khi câu chuyện bắt đầu bằng một vấn đề khó khăn, hãy đảm bảo kết thúc nó bằng một kết quả tích cực hoặc một bài học có giá trị đối với bản thân.
- Liên hệ với vị trí ứng tuyển: Hãy chọn những câu chuyện giúp bạn thể hiện những kỹ năng phù hợp nhất với yêu cầu của vị trí đang ứng tuyển.
Phương pháp STAR không chỉ giúp ứng viên kể câu chuyện của bản thân một cách thuyết phục mà còn thể hiện khả năng tư duy logic, xử lý vấn đề và tiềm năng đóng góp cho công ty trong tương lai. Hãy nhớ rằng, mỗi câu trả lời là cơ hội để chứng minh giá trị của bản thân. Là một ứng viên giỏi chưa đủ, hãy là một người biết cách kể câu chuyện của chính mình.