Phóng sự - ký sự là một thể loại báo chí khó viết, không chỉ đòi hỏi sự nhạy bén trong phát hiện đề tài mà cần một khoảng lùi trải nghiệm nghề nghiệp cộng với việc sử dụng chất liệu ngôn ngữ văn học hòa quyện nhuần nhuyễn với ngôn ngữ báo chí. Vì thế, thể loại này ngày càng khó kiếm trên báo chí hiện đại, khi cơn lốc của thời đại đang cuốn mọi người vào dòng chảy “công nghệ thông tin toàn cầu” mạnh mẽ…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi (thứ ba, từ phải sang) và Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định (thứ hai, từ phải sang) cùng các tác giả đoạt giải. Ảnh: Phan Nguyệt |
Vì thế, khi Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đồng ý chủ trương giao Báo Đà Nẵng là cơ quan thường trực tổ chức cuộc thi phóng sự-ký sự với chủ đề “Đà Nẵng-Dấu ấn 20 năm đổi mới” nhân hướng tới kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2017) thì Ban Tổ chức rất tự hào, tự tin nhưng cũng không ít lo lắng. Với sự chuẩn bị chu đáo, ngày 4-7-2016, Ban Tổ chức cuộc thi tổ chức lễ phát động với sự tham dự của nhiều nhà báo có uy tín, năng lực trên lĩnh vực viết phóng sự, ký sự của các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố.
Cũng cần nói thêm, ban đầu, trong suy nghĩ của những người tổ chức cuộc thi, Đà Nẵng là hiện tượng của cả nước với những cách làm sáng tạo “không giống ai” để tạo nên những bứt phá trong 20 năm phát triển của mình; từ đó gầy dựng hình ảnh đẹp trong lòng mọi người. Đây chính là hồn cốt để những nhà báo và những tay viết không chuyên dễ dàng tìm kiếm đề tài và phóng bút ở các bài phóng sự-ký sự của mình. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng là mảnh đất hội tụ đông đảo các nhà báo và cơ quan báo chí có tên có tuổi vào hàng thứ ba của cả nước nên sẽ không khó tìm ra người tham gia cuộc thi…
Cầu Rồng. Ảnh: HÀ QUỐC TẤN |
Thế nhưng, mọi tiên đoán đều có những sai sót nhất định!
Hơn một tháng trôi qua sau ngày phát động, nhưng không có tác phẩm nào “được được” theo đúng thể loại, chứ chưa nói là đúng tầm cuộc thi; ngoại trừ bài “Bước đo thời gian” của tác giả Hồ Duy Lệ. Sau đó, Ban Tổ chức nhận được thêm một số bài; trong đó có bài viết từ một cây viết không chuyên đang công tác tại một trung tâm y tế. Tôi-với tư cách là Thư ký Tòa soạn Báo Đà Nẵng, thành viên Ban Tổ chức cuộc thi, được Ban Tổ chức cuộc thi giao trách nhiệm tham mưu, chọn lựa bài dự thi, chưa thật ấn tượng sâu sắc nên tôi tạm gác lại để suy nghĩ. Nhưng thời gian cứ cạn dần trong khi bài dự thi chưa có nhiều, mở bài này ra đọc lại trong một tâm trạng khác nên nhận ra những nét lắng đọng trong cảm nhận của một người từ Quảng Nam ra học tập rồi lập nghiệp tại Đà Nẵng… Với một chút gia công của người biên tập, bài báo “Huyền diệu mới bắt đầu” của tác giả Nguyễn Hoài Thu sau đó được lên trang...
Sau mấy bài khởi động hào hứng đó, từ sự tích cực kết nối của các thành viên Ban Tổ chức, những nhà báo, nhà nghiên cứu “gạo cội” như Nguyễn Đình An, Bùi Công Minh, Bùi Văn Tiếng, Tần Hoài Dạ Vũ, Trương Điện Thắng, Trần Trung Sáng, Đặng Trung Hội… cũng vào cuộc để tạo thêm danh tiếng và chất lượng cho cuộc thi.
Cảm xúc của người nhận bài dự thi càng dâng trào khi có người tận Hà Nội nhưng luôn dành một tình yêu mãnh liệt đối với Đà Nẵng như chị Nguyễn Kim Thành nhiệt tình tham gia với tác phẩm Nguyễn Bá Thanh và “nghị quyết trái tim”; hay chị Lê Thị Thu Thanh góp nhặt những câu chuyện trong mỗi chuyến thăm Đà Nẵng để đạt kỷ lục số lượng dự thi với 6 bài… Có tác giả ở ngưỡng tuổi 90 như cụ Nguyễn Xuân Thiều (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng ngồi nắn nót từng dòng viết tay trên giấy kẻ học trò để gửi bài dự thi…
Thương hiệu pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng được khắc họa sinh động, chắt lọc trong tác phẩm “Thành phố pháo hoa” của nhà báo Văn Thành Lê. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Nhưng ấn tượng nhất với tôi - một người được giao thực hiện việc sơ tuyển, là cảm giác hưng phấn khi đọc những bài “có chất lửa”. Nhận được bài viết “Thành phố pháo hoa” của tác giả Văn Thành Lê qua thư điện tử, cùng với việc trả lời theo “mẫu mã”, tôi liền gửi tin nhắn qua điện thoại cho anh: “Đọc bài của anh thiệt đã!”. Lúc đó chưa có nhiều bài dự thi, nhưng bằng dự cảm, tôi thấy được bóng dáng của một tác phẩm đoạt giải. Và hơn cả dự đoán, tác phẩm “Thành phố pháo hoa” của tác giả Văn Thành Lê được chấm điểm cao nhất và đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi. Trong phần nhận xét của Ban giám khảo, nhà báo Vĩnh Quyền khẳng định: “Một bút ký có nghề. Văn Thành Lê thư thả kể chuyện lễ hội pháo hoa thường niên của Đà Nẵng, cũng chính là kể chuyện lịch sử và con người thành phố này. Tác phẩm báo chí mà phảng phất không khí văn chương “hậu hiện đại” với những “tiểu tự sự”…”.
Trong bữa trà dư tửu hậu sau khi nhận giải, nhà báo Văn Thành Lê tiết lộ với tôi rằng, tác phẩm ấy ra đời do sự “thúc ép” của Phó ban Tổ chức, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định. “Hôm đi công tác miền Tây tham dự Hội thảo Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi dự tiệc chiêu đãi của báo bạn, anh Định mới tỉ tê với mình, cuộc thi này mà thiếu ông là không được. Từ đó mình suy nghĩ mãi mà chẳng biết viết cái gì. Sau đó mấy tháng, một bữa anh Định gọi điện gợi ý mình viết về pháo hoa, anh bảo dấu ấn 20 năm Đà Nẵng mà không nói tới pháo hoa là thiếu sót trầm trọng. Một tuần sau, mình xong bài gửi ngay cho Ban Tổ chức. Vì thế, “Thành phố pháo hoa” mà rinh được giải là nhờ cái sự thúc bên hông của Tổng Biên tập”, nhà báo Văn Thành Lê nhớ lại.
Ảnh: HÀ QUỐC TẤN |
Hay tác giả Bùi Công Minh cũng không có ý định viết bài. Nhưng “cái tứ” về hai mẹ con người lấy nước cơm trước đây bất chợt hiện về và ông bắt tay vào viết ngay. Tác phẩm “Mẹ con người lấy nước cơm” được Ban giám khảo đánh giá cao và đoạt giải ba của cuộc thi…
Cuộc thi đi qua với những kết quả chưa thật mỹ mãn, do thực sự không có bài xứng đáng giải nhất, nhiều tác phẩm chưa đạt chất lượng cao do thời gian tổ chức quá ngắn so với một thể loại báo chí đòi hỏi yêu cầu cao như phóng sự-ký sự…; nhưng qua đó cũng góp phần khắc họa nên một hình ảnh Đà Nẵng của 20 năm qua với số phận của con người, của đổi thay mạnh mẽ một vùng đất lắm thăng trầm nhưng cũng nhiều đột phá; thể hiện rõ “cái tình” dành cho Đà Nẵng thân yêu…
Trong dòng chảy của thông tin, trước đòi hỏi của bạn đọc, nhất là để khơi nguồn cảm xúc trước các tác phẩm báo chí có chiều sâu, sau cuộc thi này, Báo Đà Nẵng vẫn duy trì trang Phóng sự-Ký sự trên số thứ Bảy hằng tuần. Tuy nhiên, trước áp lực của một thể loại báo chí khó, Ban Biên tập quyết định đổi tên thành Phóng sự-Ghi chép; ngõ hầu nhận được nhiều thêm những tác phẩm hay, đồng thời là mảnh đất cho những cây viết trẻ đào luyện trên mảnh đất đầy khổ ải này…
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi: Góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng văn minh, hiện đại, an bình và đáng sống Qua cuộc thi, các tác phẩm đã thể hiện sinh động sự năng động, sáng tạo, những đột phá, cách làm mới của thành phố, với nhiều góc nhìn đa chiều, đa dạng về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong 20 năm kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Các tác phẩm cũng đóng góp những ý kiến xây dựng thiết thực cho thành phố; đồng thời quảng bá hình ảnh Đà Nẵng văn minh, hiện đại, an bình và đáng sống với bạn bè trong nước và quốc tế. Ông Trương Công Định, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi: Bật lên hình ảnh một Đà Nẵng chuyển mình, lột xác một cách ngoạn mục Nhiều tác phẩm đã lột tả được những dấu ấn, những khía cạnh… từ đó làm bật lên hình ảnh một thành phố Đà Nẵng chuyển mình, lột xác một cách ngoạn mục; một Đà Nẵng thấm đẫm chất nhân văn; một Đà Nẵng an bình và đáng sống… Cùng với đó là việc khắc họa chân dung những con người tận tâm, tận lực, dám nghĩ, dám làm, biết làm để xây dựng nên một Đà Nẵng năng động, sáng tạo, đột phá mạnh mẽ trong quá trình đổi mới. |
NGUYỄN THÀNH