Dấu xưa Khuê Bắc

.

Giữa tiết trời oi ả của những ngày đầu hạ, các nhà khảo cổ học đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam vẫn lặng lẽ phơi mình dưới nắng gắt, tỉ mẩn phủi từng lớp đất bám trên hiện vật, rồi nhẹ nhàng phân loại cất vào bao. Dù gương mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng trong ánh mắt luôn lóe lên niềm vui khi công việc khai quật di chỉ Vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đang đi đến những công đoạn cuối với nhiều kết quả thu được ngoài mong đợi.

Tường rào mới lấn sâu vào đình làng, xâm hại đến di chỉ Vườn đình Khuê Bắc. 		      Ảnh: Thanh Tình
Tường rào mới lấn sâu vào đình làng, xâm hại đến di chỉ Vườn đình Khuê Bắc. Ảnh: Thanh Tình

Tỉ mẩn gìn giữ từng hiện vật

Di chỉ Vườn đình Khuê Bắc nằm sát mép sông Cổ Cò được cố GS Trần Quốc Vượng và các giảng viên Bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát hiện vào năm 2000. Đây là lần khai quật thứ ba sau khi Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiến hành khai quật lần thứ nhất vào năm 2001 và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật lần thứ hai vào năm 2015. Trong đợt khai quật lần này, ngoài 3 cán bộ là những nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học, còn có thêm 12 nhân công địa phương được thuê hỗ trợ khai quật.

Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, TS Phạm Văn Triệu và ThS Nguyễn Văn Mạnh (Phòng Nghiên cứu-Khảo cổ học đô thị) vẫn hăng say làm việc giữa trưa nắng gay gắt. TS Triệu cho biết: “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn bởi các hiện vật sau khi được rửa sạch, phơi khô, phải được phân loại kịp thời để đưa vào cất giữ. Hiện vật nào phục vụ trưng bày sẽ được đánh số, tránh nhầm lẫn”. Trong khi TS Triệu đang phân loại hiện vật, anh Mạnh vẫn phơi mình trên miệng hố để vẽ mặt bằng hiện trạng hố khai quật. Ngoài việc phân loại niên đại hiện vật, các nhà khảo cổ còn kiêm luôn cả công việc của nhà địa chất, nhà đo đạc, nhà nhiếp ảnh, quay phim, họa sĩ, kiến trúc sư... Cứ sau mỗi lớp khai quật, anh Mạnh lại vẽ một bản khác nên anh thường xuyên đứng cả ngày giữa nắng. Chỉ cho chúng tôi thấy hiện trạng của di chỉ, anh Mạnh giải thích: “Vẽ xong mặt bằng khảo cổ, phải lấy máy ra bắn cao độ, xác định hiện vật ở độ cao nào, tính chất ra sao. Nơi mình đang đứng đây là tầng thứ 5, độ cao 1,1m. Từ việc đo chiều cao hố, chúng tôi mới xác định được tính chất di chỉ là do địa hình cư trú triền sông lồi lõm không đều, có những xoáy nước...”.

Ban ngày làm việc vất vả dưới thời tiết khắc nghiệt, tối đến, các nhà khảo cổ lại phải thức khuya để vẽ hiện vật. TS Phạm Văn Triệu cho biết: “Khi thực hiện khảo cổ ở một địa điểm nào đó sẽ gợi rất nhiều sự tò mò cho người dân; do đó, nếu chúng ta không làm nhanh, hiện vật rất dễ bị đánh cắp. Ngoài ra, hiện vật dễ bị hỏng nên buộc phải xử lý liên tục. Chỉ cần một trận mưa, toàn bộ khu khai quật có thể bị sập, các hiện vật sẽ bị rửa trôi và hư hỏng”.

Theo TS Triệu, công việc khảo cổ đòi hỏi sự tỉ mẩn và không có một khuôn mẫu nhất định mà tùy thuộc vào tình hình thực tế ngoài công trường để xử lý. “Ở lớp gần phía trên mặt đất, việc đào xới có thể dễ dàng hơn vì lớp này không thuộc niên đại di chỉ mà chỉ là sự xâm thực của hiện đại lên di chỉ. Sau khi xuống tầng văn hóa của di chỉ, các cán bộ khảo cổ chỉ được phép đào 1 lần 10 phân và sử dụng bay và cuốc con (dụng cụ chuyên dùng cho ngành khảo cổ) để lấy từng hiện vật lên khỏi hiện trường”, TS Triệu giải thích.

Tiến sĩ Phạm Văn Triệu giới thiệu các hiện vật mới được khai quật.  Ảnh: Đoàn Lương
Tiến sĩ Phạm Văn Triệu giới thiệu các hiện vật mới được khai quật. Ảnh: Đoàn Lương

Di chỉ còn giữ tính nguyên vẹn

Khi nghiên cứu các đình, chùa còn hiện hữu trong dân, việc nắm được các chuyển biến, sự thay đổi của di tích khá dễ dàng; còn đối với những di chỉ nằm sâu trong lòng đất, các nhà khảo cổ phải tự tìm dựa theo kiến thức chuyên môn. Theo TS Triệu, di chỉ Tiền Sa Huỳnh này có niên đại cách đây 3.000 - 3.500 năm: “Một di chỉ quan trọng là phải xác định được tầng văn hóa - nơi các di tích, di vật con người sinh sống ở thời điểm đó. Vì vậy, giá trị độc đáo của di chỉ này là còn giữ được tính nguyên vẹn (cùng với di chỉ Bàu Trám, Núi Thành-Quảng Nam). Tầng văn hóa của di chỉ như một thẻ căn cước, nếu đọc được căn cước sẽ hiểu được thông tin cơ bản về con người thì khi đọc được tầng văn hóa sẽ hiểu được cơ bản về di chỉ, nhất là những tầng văn hóa ổn định như Vườn đình Khuê Bắc”.

Qua tư liệu, TS Triệu cho rằng, trước đây, Ngũ Hành Sơn là một đô thị cổ bởi tại nơi khai quật chỉ cách sông Cổ Cò khoảng 50m, chính yếu tố sông nước đã tạo ra tính chất giao thương. Người dân đã sử dụng dòng sông để giao thương, trao đổi hàng hóa với cư dân xung quanh. Nơi đây cũng đã tìm được rất nhiều bàn mài và đá nguyên liệu để làm đồ trang sức. Đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu, nếu tiếp tục khai quật sẽ có thêm những kết quả khác bổ sung, bởi di chỉ này có diện tích gần 10.000m2, trong khi tỷ lệ khai quật so với diện tích di chỉ là rất nhỏ (lần một khai quật 100m2 vào năm 2011, lần hai là 100m2 vào năm 2015 và lần ba là 50m2).

Cũng theo TS Triệu, hiện vật khi khai quật lên, dù giá trị thế nào nhưng nếu không được phát huy, không tuyên truyền, quảng bá thì chúng ta cũng chỉ biết đến một di chỉ đóng kín. Vì vậy, ngoài xem trực quan, các anh đề nghị thành phố xuất bản một ấn phẩm riêng về di chỉ này để giải thích về ý nghĩa của di chỉ cho nhân dân được rõ và cho lưu hành rộng rãi. Sau nghiên cứu, đoàn khảo sát cũng sẽ đề nghị thành phố thành lập khu trưng bày để tuyên truyền giá trị lịch sử văn hóa vùng đất này đến đông đảo nhân dân. Hơn nữa, với tính chất độc đáo của di chỉ, sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xếp hạng di chỉ cấp thành phố, sau đó tiến tới trình cấp quốc gia. Điều này hoàn toàn xứng đáng vì di chỉ không chỉ có ý nghĩa nhận diện giá trị lịch sử văn hóa cho Đà Nẵng mà cho cả mảnh đất miền Trung.

Nguy cơ bị “xóa sổ”

Vào năm 2016, đình làng Khuê Bắc có chủ trương xây dựng lại tường rào mới. Trong dự án này, tường rào mới lấn sâu vào đình làng cũ 9m bề rộng  và gần 100m chiều dài. Cũng do vấn đề tâm linh, con đường đi sau đình làng đã được quy hoạch chuyển sang phía trước. Điều này vô tình đã làm xâm hại đến di chỉ Vườn đình Khuê Bắc.

Ông Huỳnh Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Trước khi triển khai xây dựng công trình, phường đã mời đại diện các cơ quan chức năng liên quan và Ban quản lý đình làng, các tộc họ cho ý kiến về ranh giới quy hoạch công trình tu bổ, tôn tạo di tích đình làng Khuê Bắc. Phường cũng đã có báo cáo đề nghị cấp trên không sử dụng đất của đình làng để làm đường dân sinh, giữ nguyên mốc giới cũ của tường rào đình làng để tránh làm ảnh hưởng đến hiện trạng và điều chỉnh quy hoạch đường dân sinh nằm ngoài tường rào đình làng”. Tuy nhiên, vào ngày 6-2-2017, UBND thành phố đã có Công văn số 786/UBND-SXD thống nhất chủ trương theo đề xuất của Sở Xây dựng tại Công văn số 222/SXD-QLQH ngày 9-1-2017 liên quan đến quy hoạch công trình, tôn tạo di tích đình Khuê Bắc; đồng thời giao UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và các đơn vị liên quan căn cứ quy hoạch được phê duyệt làm việc với đại diện đình làng Khuê Bắc để thống nhất ý kiến trước khi tiếp tục triển khai xây dựng. Riêng đối với vị trí tường rào, xem xét điều chỉnh vị trí về phía đông để bảo đảm khoảng cách nhằm hạn chế ảnh hưởng đến công trình hiện trạng.

Tuy nhiên, tại thời điểm chúng tôi đến làm việc, đình Khuê Bắc vẫn đang trong quá trình xây tường rào bảo vệ, xâm lấn và cắt đi khoảng 400m2 vào di chỉ. Theo TS Triệu, do di chỉ chưa được xếp hạng nên chưa được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Di sản. “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương và đơn vị thi công cần khai quật, giải phóng mặt bằng tránh ảnh hưởng đến di chỉ. Bởi qua việc khai quật đã khẳng định có di chỉ đang tồn tại ở đây, nếu thành phố bê-tông hóa lên khu vực này sẽ đồng nghĩa với việc “xóa sổ” một di tích quan trọng. Chúng tôi không đề nghị giữ nguyên hiện trạng nhưng trong phạm vi có thể cần giải phóng mặt bằng, việc đóng cứng quá sẽ gây mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển”, TS Triệu lo ngại.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố: Đề nghị xếp hạng di chỉ cấp quốc gia

Theo kế hoạch, cuối năm nay, Trung tâm Quản lý di sản sẽ đề nghị xếp hạng di chỉ Vườn đình Khuê Bắc là di chỉ khảo cổ học cấp thành phố và sang năm 2018 sẽ cho xuất bản sách về di chỉ này. Đây là di chỉ Tiền Sa Huỳnh thứ hai tồn tại ở miền Trung còn giữ tính nguyên vẹn, có giá trị mang tính khu vực. Theo Luật Di sản, di chỉ này đủ điều kiện và tiêu chí để xếp hạng di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia, nhưng điều cần làm trước tiên là xếp hạng di chỉ khảo cổ học cấp thành phố.

Ông Huỳnh Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải: Cần bảo tồn để phục vụ nghiên cứu khoa học

Để tìm ra thêm các bằng chứng mới góp phần nhận diện giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung vẫn cần thực hiện nhiều cuộc khai quật với quy mô lớn hơn. Do đó, chúng tôi đề nghị thành phố cần quan tâm bảo tồn di chỉ để phục vụ công tác khai quật và nghiên cứu khoa học sau này.

Đoàn Lương-Thanh Tình

;
.
.
.
.
.