Những ngày đầu năm 2017, tàu KN-263 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đưa đoàn công tác gồm 30 đại biểu là các cán bộ, phóng viên báo chí Trung ương và địa phương đi thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1. Phóng viên Báo Đà Nẵng vinh dự được tác nghiệp ở vùng biển thiêng liêng Tổ quốc.
Phóng viên tác nghiệp trên nhà giàn DK1/10. Ảnh: Q.K |
Vượt khó tác nghiệp
Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) những ngày tháng Giêng trời quang mây tạnh, nhưng trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, biển động, sóng lớn. Khi nghe Đại tá Ngô Trí Hà, Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác thông báo tình hình như vậy, cánh phóng viên lần đầu tham gia chuyến công tác đều có chung nỗi lo “sự cố” phương tiện, kỹ thuật đường truyền và cách khắc phục khó khăn để bảo đảm tác nghiệp hiệu quả, có những tác phẩm báo chí chất lượng trong thời gian sớm nhất.
Khi tàu tiến về thềm lục địa phía Nam, những con sóng cao 2 - 3m cứ chồm lên mạn tàu khiến bất cứ ai trong đoàn công tác, thậm chí là những phóng viên khỏe mạnh nhất, đều bị “hạ gục”. Có phóng viên nằm bẹp cả ngày, chỉ tiếp nước, ăn chút cháo loãng. Anh Nguyễn Quốc Huy (Đài PT-TH Trà Vinh), người cao to, được đánh giá có sức khỏe tốt nhất cả đoàn, cũng dần thấm mệt, mặt mày tái mét. “Sóng to quá, mình chịu không nổi. Ráng nghỉ ngơi lấy lại sức để còn tác nghiệp. Ra đây rồi mới thấy thấm thía những khó khăn, vất vả mà chiến sĩ ta phải trải qua trong những ngày dài làm nhiệm vụ trên biển”, anh Huy tâm sự.
Sau gần 2 ngày lênh đênh trên biển, tàu phát hiệu lệnh thả neo tại vùng biển gần nhà giàn DK1/15. Cánh phóng viên dù mệt mỏi nhưng bản năng nghề nghiệp trỗi dậy ngay; tất cả đều nhanh chóng lên boong để ghi lại những tấm ảnh, thước phim đầu tiên về nhà giàn. Trong số 15 phóng viên đi theo đoàn, có 2 nữ nhà báo là Trần Thị Thanh Xuân (Đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu) và Trương Thị Thúy Hằng (Báo Biên phòng). Cả hai chị khi nghe tin tàu thả neo cũng cố gượng dậy sau những cơn say sóng ê ẩm. Các chị vừa vịn thành tàu vừa quay phim, chụp ảnh; thỉnh thoảng gặp cơn sóng dữ, tàu chao nghiêng khiến các chị ngã chúi rồi lại loạng choạng ngồi dậy, tiếp tục vịn vai một anh chiến sĩ, cố chụp để có những tấm hình đẹp dù chỉ là đứng từ xa.
Hành trình dài hơn 600 hải lý gần đến những ngày cuối cùng, đoàn công tác trên tàu KN-263 mới có dịp đặt chân lên nhà giàn DK1/10 thông qua phương thức… đu dây. Đây cũng chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với các phóng viên trong hơn 10 ngày theo chân đoàn tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió. Sau khi vượt qua nhiều con sóng cao quá đầu, chiếc xuồng chuyển tải của đoàn công tác mới cập đến chân nhà giàn. Sóng mạnh làm xuồng trồi lên rồi lại dập xuống, suýt va đập dữ dội vào các cột sắt. Ở phía trên, các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thả sợi dây thừng kèm thanh gỗ dài bằng 3 gang tay, cùng dây đai bảo hộ xuống chiếc xuồng nhỏ ở phía dưới, rồi dùng sức kéo từng người một lên qua hệ thống ròng rọc.
Nhìn những tốp người được kéo dần lên, phía dưới là ầm ì sóng lớn, bất cứ ai trong số các phóng viên gan dạ nhất cũng đều cảm thấy ái ngại. Tuy vậy, vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, từng chuyến xuồng, từng tốp người được kéo lên nhà giàn thành công, mọi người đều thở phào, hớn hở. “Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng mình cũng cảm thấy e ngại, phần vì độ cao, phần vì sóng lớn quá. Nhưng để được tác nghiệp tại một nơi thiêng liêng như thế này thì dù khó khăn mấy cũng phải trải qua thôi”, phóng viên Trần Bá Duy, Đài Tiếng nói Việt Nam tươi cười nói.
Phóng viên Báo Đà Nẵng đu dây lên nhà giàn DK1/10 để tác nghiệp. |
Xúc cảm nhà giàn
Đối với cánh nhà báo, chuyến đi tác nghiệp tại một nơi thiêng liêng như nhà giàn mang lại những trải nghiệm khó quên trong đời cầm bút. Mỗi phóng viên hoạt động ở những mảng, lĩnh vực khác nhau, song khi cùng chung đoàn công tác, chúng tôi đều chung mục tiêu và nhiệm vụ: chuyển tải những hình ảnh, thước phim nóng bỏng, ý nghĩa nhất về đời sống, tinh thần lạc quan của những người lính nhà giàn; mang tinh thần anh dũng, quyết tâm của các chiến sĩ để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn ý thức về việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Phóng viên Nguyễn Dũng Chinh, Báo Đồng Tháp tâm sự, ngoài chuyến đi Trường Sa vào năm ngoái, đây là lần đầu tiên anh đến với các nhà giàn nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. “Được tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ nhà giàn, đặc biệt là tinh thần vượt khó, vươn lên quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, tôi thấy càng có trách nhiệm hơn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”.
Còn phóng viên Trần Trọng Hiếu, Đài PT-TH Tiền Giang luôn trăn trở với những đề tài mới, những cảnh quay lạ vì theo anh, cơ hội để đến với nhà giàn là “không dễ gì có được”. “Do đó, cách khai thác đề tài, những góc nhìn khác nhau về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn cũng cần được trau chuốt, tránh trùng lặp”, anh Hiếu cho hay.
Đối với những phóng viên nữ như Trần Thị Thanh Xuân và Trương Thị Thúy Hằng, các chị cảm thấy như đã vượt qua được giới hạn của bản thân sau chuyến hành trình hơn 600 hải lý. “Đối với nữ giới, hành trình đến với các nhà giàn là vô cùng vất vả, khó khăn, song vượt lên tất cả là tình yêu biển đảo, hăng say nghề nghiệp. Chúng tôi luôn cố gắng để có được những tư liệu sống động về cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt nhưng vô cùng tự hào ở cụm nhà giàn DK1”, phóng viên Thanh Xuân tâm sự.
Chuyến hải trình trên con tàu KN-263 đến các nhà giàn nơi thềm lục địa phía Nam không chỉ giúp những phóng viên trẻ như tôi hiểu rõ hơn về đời sống, tinh thần vượt khó, lạc quan của các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn; mà còn là bài học bổ ích về kinh nghiệm tác nghiệp trong điều kiện gian nan, vất vả. Từ đó, chúng tôi yêu nghề hơn, không ngừng dấn thân với nghiệp cầm bút để mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích, sống động về mọi mặt đời sống.
QUỐC KHẢI