Doanh nghiệp quân đội chỉ được "ưu tiên" mỗi xe biển đỏ!

.

Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết doanh nghiệp quân đội có lợi thế là được cấp xe biển đỏ nhưng hoạt động vẫn như các doanh nghiệp khác. Mỗi năm, doanh nghiệp quân đội cũng tiếp các đoàn thanh tra, kiểm toán Nhà nước. Ông khẳng định không có vùng cấm trong quản lý doanh nghiệp quân đội.

Ngày 13/7, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017. Cuộc họp do Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị chủ trì.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

 Tại đây, trả lời câu hỏi của báo chí về đề án tái cấu trúc doanh nghiệp quân đội, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng – Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết - thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ thì các doanh nghiệp Nhà nước phải sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Những lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ thì mới giữ lại, hoặc lĩnh vực nào mà doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác không đầu tư được mà Nhà nước cần đầu tư phục vụ cho dân sinh thì Nhà nước mới nắm 100% vốn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng – Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng)
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng – Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng)

 Theo ông Thắng, qua nhiều lần sắp xếp, đến năm 2016 quân đội còn 88 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục rà soát lại để sắp xếp. Quan điểm của Quân ủy Trung ương là doanh nghiệp quân đội giữ lại 100% vốn Nhà nước là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng và kết hợp phát triển kinh tế gắn chặt với quân sự quốc phòng.

“Còn những doanh nghiệp như thương mại, dịch vụ, xây dựng… ít có nhiệm vụ quốc phòng thì sẽ được cổ phần hóa và thoái hết vốn. Đề án trình Thủ tướng thì đến năm 2020 số lượng doanh nghiệp quân đội nắm 100% vốn Nhà nước là 17 doanh nghiệp. Có 12 doanh nghiệp được cổ phần hoá mà Nhà nước chiếm 51% vốn”, ông Thắng nói.

Theo Thiếu tướng Thắng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để thẩm định đề án sắp xếp lại doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng và đã hoàn chỉnh. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chờ Thủ tướng ký quyết định ban hành.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Kinh tế cũng giải thích thêm về dư luận cho rằng doanh nghiệp quân đội được ưu tiên hơn những thành phần kinh tế khác.

Theo tướng Thắng, doanh nghiệp quân đội trước đây có sự ưu tiên như có cấp xe biển đỏ, điều một số cán bộ sĩ quan xuống doanh nghiệp… nhưng hoạt động của doanh nghiệp quân đội thì đúng quy định pháp luật không có ưu tiên gì.

“Về hình thức mọi người nhìn thấy doanh nghiệp có sự ưu tiên nhưng thực chất cũng không phải như vậy mà dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh”, ông Thắng nói.

Thiếu tướng Thắng cho biết, thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp quân đội thì các xe biển đỏ trang bị cho doanh nghiệp đều bị thu hồi. Vừa qua đã thu hồi hơn 1.000 xe. Hiện nay, nếu như doanh nghiệp còn 100% vốn Nhà nước thì chỉ cấp 2 xe cho lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, số xe còn lại đều chuyển sang đăng ký biển trắng.

Cục trưởng Cục Kinh tế giải thích, thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, quân đội giao sản phẩm cho các doanh nghiệp quân đội cung ứng thì cũng tính đủ chi phí, hạch toán đầy đủ theo chế độ doanh nghiệp. Khi cung ứng sản phẩm ra thị trường thì cũng cạnh tranh, bình đẳng lành mạnh.

“Hàng năm, doanh nghiệp quân đội vẫn tiếp đoàn thanh tra, kiểm toán của Nhà nước cho nên cũng không có ưu tiên gì. Doanh nghiệp quân đội cũng có ưu thế là khi cung ứng sản phẩm ra thị trường thì người dân thấy sản phẩm quân đội tin hơn. Các doanh nghiệp khác muốn cạnh tranh thì xây dựng thương hiệu mạnh lên. Không có vùng cấm trong quản lý kinh tế quân đội”, ông Thắng kết luận.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.