Diễn biến lũ phức tạp, bảo đảm sơ tán dân an toàn

.

ĐNO – Đến sáng 6-11, mực nước lũ ở Đà Nẵng đã dâng cao hơn 0,6m so với chiều 5-11 do trữ lượng lũ lớn chảy tràn qua các cửa xả của 2 hồ thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Bung 4. Các địa phương của huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ tích cực chuẩn bị di dân vào sáng nay.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình sơ tán dân

Tính đến nay, huyện Hòa Vang bị ngập sâu do lũ và lụt lên đến 52/119 thôn. Trong đó, xã Hòa Liên bị ngập 13 thôn với 700 hộ dân, Hòa Tiến ngập sâu 10 thôn/2.480 hộ dân, Hòa Phong ngập sâu 9 thôn/590 hộ, Hòa Khương ngập 8 thôn/219 hộ, Hòa Nhơn ngập sâu 7 thôn/300 hộ, Hòa Bắc ngập 3 thôn/31 hộ, Hòa Sơn ngập 2 thôn/25 hộ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo trong quá trình sơ tán dân phải bảo đảm an toàn tối đa
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo trong quá trình sơ tán dân phải bảo đảm an toàn tối đa.  Ảnh: HOÀNG HIỆP

“Thực tế trên địa bàn xã Hòa Phong đã có hơn 2.300 nhà đã bị ngập lũ ở 12/15 thôn, nghĩa là hơn 90% diện tích của xã đã ngập. Xã Hòa Phong cũng đã có 4/5 trường học ngập sâu. Lũ ngập 12ha diện tích trồng rau sạch Túy Loan, ớt Bồ Bản… và có khả năng gây thiệt hại hoàn toàn. Do đã bị ngập sâu nên xã rất lo việc di dân, đặc biệt là người lái thuyền. Xã đã tìm những người lái thuyền giỏi nhất để phụ trách lái vì nước lũ sâu, nhiều đoạn chảy xiết, xoáy!”, bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết.

Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cũng cho hay: “Hiện nay lo nhất vẫn là người lái thuyền di dân. Xã đã tìm những lái thuyền giỏi để chuẩn bị cho việc di dân”.

Xã Hòa Tiến đã chuẩn bị sẵn máy thuyền để gắn vào thuyền đi sơ tán dân. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Xã Hòa Tiến đã chuẩn bị sẵn máy thuyền để gắn vào thuyền đi sơ tán dân. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Còn ông Phạm Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho hay: “Quận đã có lực lượng xung kích phòng chống bão, lũ đang túc trực, sẵn sàng di dời dân ở các khu vực bị ngập sâu, đặc biệt là khu vực Cồn Dầu và tổ 89, phường Hòa Xuân”.

Trong khi đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho hay, trước mùa mưa bão, đã tiến hành cấp phát 1.100 phao áo, 600 phao tròn, 24 phao bè; 19 nhà bạt rộng từ 16,5-60m2, 1 thiết bị chữa cháy đồng bộ, 497m dây thừng, 1 xuồng ST750 cho các sở, ngành, địa phương để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Cạnh đó, vào tháng 6-2017, UBND thành phố có quyết định phê duyệt dự toán mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai năm 2017 cho các sở, ngành, địa phương và khối lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng.

“Đây là năm đầu tiên đầu tư 14 tỉ đồng để mua sắm phương tiện, nhất là ghe thuyền cứu hộ cho các địa phương. Các xã, phường chủ động sử dụng ghe và huy động người lái thuyền giỏi để tiến hành sơ tán dân đến những nơi cao ráo, an toàn, đặc biệt là các trường học, trụ sở cơ quan.

Chú ý bảo đảm an toàn tối đa trong quá trình sơ tán dân và chú trọng bảo đảm thức ăn, nước uống, sức khỏe cho người dân, đặc biệt người nào ốm đau thì có thăm khám và chữa bệnh. Nhà nào đã ngập sâu thì kiên quyết di dời vì lũ còn diễn biến phức tạp”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo.

Nhu yếu phẩm được mang lên thuyền để đưa vào các khu vực ngập lũ sâu ở xã Hòa Nhơn
Nhu yếu phẩm được mang lên thuyền để đưa vào các khu vực ngập lũ sâu ở xã Hòa Nhơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Lũ trên sông Cẩm Lệ diễn biến phức tạp

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, lúc 4 giờ sáng 6-11, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 9,96m, trên báo động (BĐ) 3 là 0,96m, sông Cẩm Lệ tại cầu Cẩm Lệ là 2,45m, dưới BĐ3 là 0,05m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 9,42m, trên BĐ3 là 0,82m, tại Câu Lâu là 5,13m, trên BĐ3 là 1,13m (thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1964 là 0,35m), tại Hội An là 3,15m, trên BĐ3 là 1,15m (thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1964 là 0,25m)…

Trước đó, lúc 1 giờ sáng 6-11, mực nước sông Cẩm Lệ đạt 2,43m, thấp hơn 2cm so với lúc 4 giờ sáng.
Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ dự báo đến trưa và chiều nay, mực nước trên các sông có khả năng xuống chậm. Đồng thời tiếp tục cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, xã Hòa Nhơn, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).

Trước tình hình lũ ngập sâu ở hạ du, lũ lớn còn diễn biến phức tạp ở thượng nguồn và các hồ thủy điện đã chứa đầy nước lũ, chiều 5-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phối hợp bàn cách tính toán vận hành xả lũ liên hồ chứa nhằm cắt lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du, nhất là đúng thời điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và thành lập 3 đoàn vào tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không bảo đảm an toàn phải kiên quyết di dời, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo vệ tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân.

Chủ động cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu, khuyến cáo người dân trong các hoạt động khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương có liên quan phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.

Tiếp tục rà soát cập nhật, triển khai các phương án phòng chống ngập úng các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, triển khai phương án bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, nhất là các hồ thủy lợi xung yếu; phối hợp vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo. Chỉ đạo chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất sau bão, lũ phù hợp với diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian tới.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các địa phương khôi phục nhanh hệ thống điện, nhất là tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng do bão, mưa lũ vừa qua, bảo đảm nguồn điện phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống điện; phối hợp vận hành các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.