Ngày 16-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Nhiều vấn đề “nóng” được các đại biểu chất vấn dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: VTV |
“Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”
Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) về vấn đề kiểm soát nợ công, bảo đảm nguồn vốn đầu tư phát triển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nợ công đang tăng rất cao, áp lực trả nợ lớn, do đó phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã có báo cáo trình các cơ quan liên quan để kiểm soát tình trạng này, đảm bảo an toàn nợ công, đồng thời triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, thông qua luật quản lý nợ công sửa đổi; tăng cường quản lý, sử dụng nợ công, vốn ODA...
Cụ thể, thời gian tới, đầu tư nguồn vốn vay công chỉ tập trung vào các dự án quan trọng; đặc biệt là siết chặt bảo lãnh Chính phủ; xác định rõ bội chi và lộ trình cắt giảm bội chi ngân sách hướng tới năm 2018 giảm còn 3,7%; năm 2019 là 3,6% và 2020 giảm xuống 3,4%. Cùng với đó, việc bảo đảm cân đối, bố trí trả nợ đúng hạn đã có trong kế hoạch cụ thể. Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trong đầu tư công, hợp tác đầu tư, đấu thầu, kiểm soát, kiểm toán…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo, hiện nay, nợ công ở mức 62,6%, dưới mức trần cho phép của Quốc hội (65%); trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỷ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%.
“Để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với quản lý an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 07 về vấn đề này. Chính phủ cũng trình Quốc hội kế hoạch về đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính công trung hạn; đồng thời ban hành Nghị quyết 51 về Chương trình hành động thực hiện chủ trương với giải pháp đặt trong đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói thêm về một số giải pháp mà Chính phủ thực hiện tới năm 2020. Theo đó, Chính phủ kiên định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường phát triển kinh tế, xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách; đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về nghĩa vụ nộp thuế, sử dụng nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, tập trung cơ cấu lại thu chi ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn bền vững nền tài chính quốc gia; từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và ngân hàng yếu được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: VOV |
Tăng hiệu quả dự án đầu tư công
Về vấn đề nợ công, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng: nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu vì áp lực trả nợ gốc lãi, bù lỗ doanh nghiệp mà đầu tư không hiệu quả, đội vốn, thất thoát, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cần báo cáo thêm về hiệu quả của các dự án đầu tư công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu đầu tư công, đây cũng là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan. Riêng Bộ Tài chính hiện nay đang triển khai các nhiệm vụ, như: nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, hiệu quả đầu tư công chưa cao do thời gian triển khai đầu tư và thực hiện nhiều thủ tục; việc giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù kéo dài thời gian làm cho vốn đầu tư vượt lên phải điều chỉnh, không có nguồn vốn bổ sung lại phải dừng, dãn, hoãn dự án…
“Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, đồng thời Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công, trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuận lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bảo đảm tăng trưởng tín dụng không gây lạm phát
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, căn cứ vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, NHNN đã xây dựng kịch bản và định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 18% có điều chỉnh linh hoạt phụ thuộc vào các yếu tố khác của nền kinh tế.
Đến cuối tháng 10, mức tăng trưởng tín dụng là 13,6%, cao hơn một chút so với năm 2016, như vậy không có gì đột biến. “Với sự điều hành của Chính phủ, của NHNN, chúng tôi đảm bảo từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô của nền kinh tế và không gây áp lực lên bất ổn kinh tế vĩ mô, đặc biệt là áp lực lên lạm phát”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp đột phá để xử lý nợ xấu và thu hút các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) trong hiện trạng ưu đãi đầu tư nước ta còn thấp, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và ngân hàng yếu được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, để xử lý nợ xấu, việc đầu tiên là thực hiện tốt Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. NHNN cũng sẽ có hội nghị trực tuyến toàn quốc để chia sẻ nội dung liên quan đến quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để làm cơ sở nhân rộng.
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Lê Minh Hưng nói: “Chính phủ quyết liệt hoàn thiện phương án xử lý nhưng nguồn lực ngân sách khó khăn, chúng ta huy động nguồn lực xã hội nên phải huy động nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Để thực hiện được điều này, cần có hành lang pháp lý hoàn thiện”.
Trả lời chất vấn về việc có hay không các ngân hàng cho vay dự án BOT rất lớn, dư nợ nhiều, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất và dư nợ cho vay các lĩnh vực khác, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh; đối với một số ngân hàng cho vay dự án BOT, NHNN vừa qua kiểm soát rất chặt chẽ những dòng tín dụng vào bất động sản, cho vay rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Đề cập về giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt từ nay đến năm 2020. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra các giải pháp để phát triển hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về 12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ Sáng 16-11, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm thông tin về dự thảo Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21%, như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của Đề án 911 là phải đạt 35%. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu cao hơn và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Kinh phí 12.000 tỷ đồng không rót về cơ sở nào cả mà là cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. B.T |
Cần nghiên cứu thấu đáo về tiền ảo Trả lời chất vấn của các đại biểu về tiền ảo bitcoin, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đây là vấn đề mà các quốc gia khác trên thế giới cũng đang nghiên cứu, một số nước thừa nhận nhưng một số nước khác thừa nhận kèm khuyến cáo, và cũng có quốc gia không thừa nhận. Với Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành, tiền ảo không được thừa nhận, việc coi tiền ảo có phải là một tài sản hay không đang có nhiều ý kiến khác nhau. NHNN đang phối hợp với Bộ Tư pháp để có cơ sở pháp lý quản lý bitcoin; cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để đảm bảo. Trong một thế giới hội nhập, đây là điều phải nghiên cứu thấu đáo. Q.K |
QUỐC KHẢI