Chiều 22-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt (cùng với sự ra đời của 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Không thể “họ lợi 8, mình lợi 2”
Góp ý về mục tiêu và cách làm, phát triển đặc khu kinh tế, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, thực tế đã có nhiều quốc gia làm đặc khu thất bại do cách làm chứ không phải chủ trương. Thời điểm này, chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, trước tiên, dự luật cần xác định rõ những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải “tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hóa Việt Nam”. “Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ có 2 thì không đạt. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Liên quan chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, điều này chưa hợp lý. Đơn cử, nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm. “Liệu 50 năm nữa còn xài tiền, còn đánh bạc không, nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi đất hay không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề và đề nghị không nên nới thêm thời gian giao đất, cũng như cần xem lại khái niệm nhà đầu tư chiến lược được quy định tại dự luật hiện “quá dễ dãi”.
Lưu ý về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng ý miễn thuế đến năm 2030, nhưng sau đó phải thực hiện theo quy định hiện hành, không thể giảm 50% cho những năm tiếp theo, bởi ngân sách sẽ thất thu và không công bằng với khu vực khác.
Làm rõ khái niệm “bí mật Nhà nước” để không lạm dụng
Trước đó, sáng 22-11, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN), nhiều ý kiến của ĐB cho rằng, dự thảo luật cần bảo đảm phù hợp yêu cầu của tình hình mới, nhất là việc xác định phạm vi danh mục BMNN; các biện pháp, phương pháp, công cụ để bảo vệ BMNN cần quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật để bảo đảm tính khả thi; đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Đa số ý kiến đánh giá, nội dung dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; kế thừa và khắc phục nhiều hạn chế trong quy định của Pháp lệnh Bảo vệ BMNN hiện hành. Bên cạnh đó, nhiều ĐB đề nghị giải thích các từ ngữ trong dự thảo luật bảo đảm đầy đủ, chính xác hơn, để vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ BMNN, vừa không làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật An toàn thông tin mạng.
Theo ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, hiện nay, do những hạn chế trong quy định nội hàm về bảo vệ BMNN, dẫn đến thực trạng chậm công khai, công khai còn hình thức và lạm dụng bảo mật để không thực hiện công khai, minh bạch ở nhiều bộ, ngành, địa phương. ĐB Nga đánh giá việc lạm dụng bảo vệ BMNN có thể dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến Nhà nước, công dân và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng. Người dân có thể rơi vào tình trạng dễ bị quy chụp. Một số cá nhân, báo chí, thậm chí cán bộ Nhà nước... có thể vướng vào vòng lao lý trong trường hợp các văn bản Nhà nước quy định không rõ ràng.
Nhiều ĐB đề nghị nghiên cứu xây dựng khái niệm BMNN rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là BMNN, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ BMNN theo luật này đạt hiệu quả cao.
B.T