Tiếp tục Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, chiều 3-11, kết luận phần thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng qua của năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 4 nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý triển khai, phấn đấu vì mục tiêu hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Nhận định tháng 10 là tháng có kết quả kinh tế-xã hội tốt nhất từ đầu năm về mọi mặt nhưng Thủ tướng cũng lưu ý đến những tồn tại cần xử lý, khắc phục mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đặc biệt là hậu quả thiệt hại nặng nề của lũ lụt về người và tài sản lên đến gần 40.000 tỷ đồng.
4 nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng nhấn mạnh trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm xoay quanh 4 nội dung liên quan đến khắc phục hậu quả lũ lụt, hoàn thành kế hoạch năm 2017, đảm bảo an toàn Tuần lễ Cấp cao APEC và phục vụ tốt cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Thủ tướng đề nghị tập thể Chính phủ, các địa phương liên quan tếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt, nhất là chủ động ứng phó thành công với cơn bão số 12 đang cận kề. Một nhiệm vụ hàng đầu nữa là chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại 2 tháng cuối năm vì khối lượng công việc vẫn còn rất lớn và “không thể hoàn thành tốt nếu không phấn đấu quyết liệt, kể cả thu chi ngân sách Nhà nước.”
“Chúng ta đang phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế-xã hội trong năm nay. Với tư cách tư lệnh lĩnh vực, các đồng chí cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành mình, cũng như địa phương mình, nhất là các địa phương trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội,” Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Bên cạnh việc thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo đảm bảo Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra an toàn, đi liền với đó là việc Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Manila, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải tập trung làm tốt công tác này, không để xảy ra sơ suất dù nhỏ nhất.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ tháng 10. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Kiểm soát tỷ giá, phấn đấu vượt thu 2,3%
Về tiền tệ, tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình, điều hành linh hoạt hơn, kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ gía biến động mạnh, nhất là dịp cuối năm; tiếp tục giảm lãi xuất cho vay, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu.
Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là rất nặng nề, phải phấn đấu đảm bảo an ninh tiền tệ, phát triển lành mạnh, ổn định trong bối cảnh tác động khó lường của tình hình thế giới nhằm ổn định kinh tế vĩ mô tốt, tạo tiền đề thuận lợi cho 2018 - Thủ tướng chỉ đạo.
Nhắc lại những ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến thu chi ngân sách Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu và phải kiểm tra, rà soát lại các khâu nợ đọng thuế, thực hiện tiết kiệm ngân sách, phấn đấu vượt thu ít nhất 2,3%. Cùng với đó là quán triệt tinh thần chưa tăng các loại thuế, phí, lệ phí để ổn định sản xuất và đời sống; chỉ đạo quyết liệt giảm chi phí, cho doanh nghiệp, nhất là phí BOT theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng hơn.
Thủ tướng đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư - một điểm yếu trong chỉ đạo, điều hành và cũng là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện dự án Luật đầu tư công, yêu cầu đặt ra là phải giải ngân hết vốn đầu tư 2017, nếu không giải quyết được thì kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để ưu tiên bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các địa phương phải nắm được tinh thần này để thực hiện tốt, đảm bảo nguồn lực phát triển cho năm 2018.
Về xuất nhập khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh đến hướng chỉ đạo là tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt các dự án FDI, đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu quốc gia nhất là rau quả, nông sản. Rút ngắn quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử. Ngoài ra, cần thực hiện tốt các biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại quốc tế; phát huy vai trò của các tổ chức hiệp hội, nghề nghiệp trong bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hóa.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhắc nhở cơ quan chức trách tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các mặt hàng thuốc lá, đường cát, xăng dầu; tích cực mở rộng việc triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền và nhân dân
Phân tích kỹ hơn các chỉ tiêu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều chỉ tiêu vẫn ở mức thấp, như tiếp cận đất đai, giấy phép xây dựng. Hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong khối ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp không được chủ quan trong nhiệm vụ này, thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 của Chính phủ.
“Một không khí hào hứng, phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội đã được khơi dậy trong nhân nhân, nhất là đội ngũ doanh nhân. Những tinh thần của Nghị quyết mà chúng ta đã ban hành và những kết quả 10 tháng vừa qua cần được thực hiện tốt hơn nữa,” Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn triển khai Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng đổi mới chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Tất cả các chính quyền địa phương các cấp, các ngành phải đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền và nhân dân thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông hoặc trung tâm dịch vụ hành chính công; xử lý dứt điểm và công khai kết quả phản ánh của người dân và doanh nghiệp,” Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Cùng với đó là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Đây không chỉ là nhiệm vụ những tháng còn lại của năm nay mà là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018.
Chính phủ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để cuối năm nay và đầu năm 2018 thực hiện kiểm tra tại các địa phương về việc thực hiện các Nghị quyết này, đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển - Thủ tướng cho biết.
Nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc các bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh phải lo nhiệm vụ đóng góp vào phát triển, mà không làm được sẽ kiểm tra, xử lý, Thủ tướng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ để rút kinh nghiệm cho công tác quản lý năm 2018.
Quan ngại trước tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp còn quá chậm so với chỉ tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy nhiệm vụ này song cũng phải đảm bảo tránh sơ hở; phải công khai, minh bạch, mang lại lợi ích tốt nhất cho Nhà nước.
Lưu ý nhiệm vụ chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện tốt kế hoạch sản xuất ngay từ thời điểm này không để tình trạng “cuối năm thì dồn dập mà đầu năm thì đủng đỉnh.”
Đối với một số vấn đề bức xúc trong xã hội khác, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các địa phương có chủ trương đảm bảo an toàn cho các bệnh viện; theo đó, phải xử lý ngay một số vụ tình trạng hành hung bác sỹ, nhân viên y tế. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm đang gây bức xúc cho nhân dân.
Cho biết, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành cung cấp thêm thông tin hoặc gặp trực tiếp các đại biểu Quốc hội để báo cáo, giải trình thêm theo tinh thần nếu sai thì phải cầu thị để sửa chữa, giải quyết. Thủ tướng sẽ chỉ đạo các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trả lời chất những nội dung thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Cuối giờ chiều nay, Chính phủ thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và một số nội dung cụ thể khác.
Theo Vietnam+