Bạo lực học đường - nỗi đau không của riêng ai

.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 ngày 17-7-2017 nhằm quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Nghị định ra đời để cụ thể hóa Luật trẻ em 2016 trên lĩnh vực bảo vệ trẻ em trong môi trường học đường. Đây là một tín hiệu vui, cho thấy sự quan tâm kịp thời của Chính phủ cùng các bộ, ngành trước các vấn đề bức xúc hiện nay của xã hội.

Bạo lực học đường không chỉ là những hành động gây tổn hại về mặt thể chất mà còn có cả những hành vi cố ý làm tổn hại tinh thần xảy ra trong các môi trường liên quan đến hoạt động dạy và học, như cơ sở giáo dục và các lớp học ngoài nhà trường khác. Hậu quả của bạo lực học đường không chỉ làm tổn hại đến chính bản thân học sinh, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình, uy tín của nhà trường và là nỗi lo lắng, bức xúc của những ai quan tâm và có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ của đất nước.

Để phòng ngừa vấn nạn bạo lực học đường, đối với học sinh cần trang bị những kiến thức về kỹ năng sống, những giá trị sống ngay từ trong gia đình và nhà trường (như tình yêu thương, hòa bình, hạnh phúc, đoàn kết) để các em tự tin khẳng định giá trị bản thân, có khả năng kiểm soát hành vi, kỹ năng hợp tác, kỹ năng kiềm chế cảm xúc và đặc biệt là kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Ngoài ra, các em cũng cần biết cần phải chia sẻ những cảm xúc tiêu cực cho người thân hoặc nhân viên tâm lý học đường, tổng đài viên của dịch vụ đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 (quốc gia), 18001046 (thành phố Đà Nẵng).

Phụ huynh, giáo viên và những người bảo vệ trẻ em cần có những hiểu biết để nhận diện sớm các nguy cơ, dấu hiệu của trẻ bị bạo lực và cả trẻ gây ra bạo lực để kịp thời quan tâm, hỗ trợ phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và điều kiện của từng em. Bên cạnh các giải pháp để xây dựng môi trường an toàn thân thiện, kỷ luật tích cực, đòi hỏi cần phải có các dịch vụ hỗ trợ kịp thời như nhân viên tâm lý học đường, phòng công tác xã hội học đường… để kịp thời hỗ trợ tâm lý và can thiệp khủng hoảng khi có vấn nạn bạo lực xảy ra trong trường học. Những dịch vụ này cần thực hiện đồng bộ từ trong nhà trường, đến cấp chính quyền địa phương và liên kết với mạng lưới các dịch vụ chuyên sâu tại cộng đồng.

Được bảo vệ và được sống trong môi trường an toàn để phát triển của trẻ em là những quyền rất cơ bản và cần thiết. Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức xã hội và gia đình luôn quan tâm đầu tư đúng mức để bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong tương lai của trẻ, cũng là tương lai đất nước.

TRƯƠNG THỊ NHƯ HOA

;
.
.
.
.
.