Chung cư xuống cấp, người dân thắc thỏm

.

Mặc dù đã được cải tạo và sửa chữa, nhưng tình trạng xuống cấp của một số khu nhà chung cư vẫn chưa được cải thiện, không bảo đảm chất lượng, khiến người dân sống trong thắc thỏm, bất an.

Anh Nguyễn Chê đang sống tại chung cư Thuận Phước khổ sở vì căn hộ thấm dột vào mùa mưa, phải lấy thau hứng. Ảnh: NAM BÌNH
Anh Nguyễn Chê đang sống tại chung cư Thuận Phước khổ sở vì căn hộ thấm dột vào mùa mưa, phải lấy thau hứng. Ảnh: NAM BÌNH

Vừa qua, UBND thành phố đầu tư 9,2 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 3 khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng: Lâm đặc sản Hòa Cường, Thuận Phước và Hòa Minh. Tuy nhiên, theo ghi nhận vào ngày 1-12, tình trạng của các chung cư này sau sửa chữa vẫn còn nhiều bất cập.

Ở khu chung cư Thuận Phước (quận Hải Châu), 8 khối nhà bị thấm dột, rêu xanh mọc nhiều, những mảng tường bong tróc nối dài. Cư ngụ tại chung cư này hơn 15 năm, anh Trần Văn Đức cho biết khu chung cư xuống cấp trầm trọng khoảng vài năm gần đây. Riêng nhà anh vừa được sửa chữa chừng nửa năm nhưng tình trạng thấm dột vẫn xảy ra. Mỗi khi trời mưa, cả nhà phải lấy toàn bộ thau, xô có trong nhà để hứng nước giọt. Anh ngao ngán: “Vào mùa mưa, cả gia đình tôi xác định là mất ngủ vì phải thay nhau thức để canh nước đầy đổ nước để tránh nước tràn ra nhà”.

Cách đó vài căn, tình trạng thấm dột của nhà anh Nguyễn Chê trầm trọng hơn với gần 10 chiếc xô được đặt trên sàn nhà để hứng nước. “Mấy năm trước, nhà bị thấm dột nhiều, gia đình tôi phải mua một tấm bạt ni-lông để giăng trong nhà cho ba đứa nhỏ có chỗ chơi, chỗ ngủ. Sau Tết Nguyên đán, nghe thành phố có chủ trương sửa chữa, vợ chồng tôi cứ nghĩ là sẽ thoát được cảnh thấm dột. Ai ngờ, mùa mưa năm nay, tình trạng cũ vẫn tái diễn”, anh Chê thở dài.

Tại chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (quận Hải Châu), tình trạng xuống cấp cũng tương tự. Bức tường của nhà chị Nguyễn Thị Thanh Huệ loang lổ màu vì thấm nước mưa. Chống chọi với tình cảnh này, chị Huệ rải nhiều chiếc khăn dọc tường nhà để thấm nước. Chị Huệ cho hay: “Cách đây bốn tháng, khu chung cư này được cải tạo, sửa chữa nhưng việc chống thấm chỉ dựa vào lớp sơn mới nên không cải thiện được gì”. Đồng tình, bà Trần Thị Lan kể: “Chung cư này có tổng cộng 72 hộ, hầu như hộ nào cũng gặp phải tình trạng này. Nhiều nhà dù được sơn mới nhưng không giảm được tình trạng ẩm mốc nên phải dùng giấy báo dán khắp tường”.

Tương tự, sau khi sửa chữa, nhiều căn hộ ở chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã được cải thiện về mặt thẩm mỹ nhưng tình trạng thấm dột vào mùa mưa vẫn tiếp diễn. Sống ở khu chung cư này, bà Lê Thị Hoa chia sẻ:

“Chung cư Hòa Minh có tổng cộng 8 khối nhà với 288 căn hộ. Trước đây, chung cư xuống cấp trầm trọng, không chỉ bị thấm tường, nấm mốc mà còn gặp các vấn đề khác, như tường nứt, cửa sổ hỏng, mục chân… Vài tháng trước, một số căn hộ đã được sửa chữa. Tường bị nứt được chạy lưới mắc cáo dọc theo vết nứt và hoàn thiện bằng vữa xi-măng; cửa sổ hỏng được thay mới. Tuy nhiên, tình trạng thấm dột thì vẫn chưa tìm được cách gì để ngăn chặn”.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, sau quá trình sửa chữa, Sở Xây dựng có nhận được một số phản ánh về dự án “Cải tạo, sửa chữa các khu chung cư Thuận Phước, Hòa Minh và Lâm đặc sản Hòa Cường” nên đã có công văn chỉ đạo Công ty Quản lý nhà chung cư chỉ đạo đơn vị thi công, tư vấn giám sát rà soát lại toàn bộ công tác sửa chữa 3 khu chung cư nêu trên.

Đồng thời, yêu cầu khắc phục các tồn tại về chất lượng công trình bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, sử dụng và báo cáo lại trước ngày 5-12-2017. Sau khi có báo cáo của Công ty Quản lý nhà chung cư, Sở Xây dựng sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát lại và xử lý dứt điểm.

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc sửa chữa 3 khu chung cư thuộc tình trạng xuống cấp nghiêm trọng dựa trên kiến nghị của đơn vị kiểm định chất lượng công trình, Công ty Quản lý nhà chung cư thực hiện lập dự án sửa chữa và được kiểm tra thẩm định theo đúng quy trình.

Vì ba khu chung cư này được xây dựng với chất lượng ban đầu thấp nên một số bộ phận kết cấu có dấu hiệu hư hỏng, tường nứt, mái dột… Do đó, khối lượng công việc thực hiện của dự án sửa chữa tập trung khắc phục các hư hỏng nêu trên để bảo đảm an toàn cho công trình. Tuy nhiên, việc thực hiện sửa chữa không tổ chức lấy ý kiến người dân theo quy định.

Đồng thời, cơ quan quản lý trực tiếp thiếu sâu sát nên nhiều hạng mục cấp thiết chưa được triển khai thực hiện, như: hư hỏng hệ thống thu thoát nước, vệ sinh hầm tự hoại, bong tróc tường nhà, hệ thống điện hành lang hư hỏng… và không đáp ứng nguyện vọng của người dân. Chúng tôi đã kiểm tra thực tế, đã kiến nghị với cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên”.  

DUY AN – NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.