Thực hiện chương trình Thành phố 4 an, năm 2017, công tác an sinh xã hội (ASXH) được các cấp, ngành trên địa bàn quận Thanh Khê chú trọng, đạt nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt ở lĩnh vực giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo, chăm sóc người có công...
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê thăm hỏi, động viên người có công trú tại địa bàn quận Thanh Khê tại Trung tâm Chăm sóc người có công thành phố. |
Năm 2017, công tác giảm nghèo được chú trọng thực hiện bằng nhiều biện pháp phối hợp giúp đỡ thiết thực như cho vay vốn, hỗ trợ phương tiện sinh kế, cấp học bổng cho học sinh nghèo... Đồng thời, thông qua Quỹ vì người nghèo (hơn 5,16 tỷ đồng), quận xây mới 33/16 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 162/132 nhà cấp 4 xuống cấp cho hộ nghèo. Toàn quận đã giúp thoát nghèo 901/800 hộ (112,6%); thoát cận nghèo 466/400 hộ (116,5%); thoát hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt 62/62 hộ (100%), tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên trong cuộc sống và có thu nhập ổn định.
Chị N.T.L. Thúy (phường Chính Gián) là trường hợp điển hình về thoát nghèo nhờ chính quyền và cộng đồng hỗ trợ. Là hộ đặc biệt nghèo, chồng làm cơ khí, vợ sửa chữa quần áo, nhà có hai con nhỏ và người già bệnh tật, năm 2016, được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng mua máy may công nghiệp, chị Thúy nhận gia công cho nhiều cơ sở; nhờ đó năm 2017 gia đình chị thoát nghèo và có điều kiện sửa lại ngôi nhà xuống cấp. Hiện chị còn giải quyết việc làm cho một thợ may ở địa phương.
Tại quận Thanh Khê, nhiều mô hình của hộ kinh tế cá thể góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương với 504 lao động. Đơn cử, cơ sở buôn bán trứng sỉ và lẻ của chị Nguyễn Thị Tiên Phước giúp giải quyết việc làm cho 5 lao động, hầu hết có hoàn cảnh khó khăn. “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, chồng làm bảo vệ thu nhập thấp. Từ khi vào làm cơ sở buôn bán trứng này, tôi thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Năm 2017, gia đình thoát nghèo, điều kiện cho con học hành bảo đảm hơn và sắm sửa được vật dụng cần thiết”, chị N.T.M. Linh (phường Xuân Hà) chia sẻ.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng được kết nối và phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các trường, trung tâm dạy nghề để tạo điều kiện cho người dân tham gia những ngành nghề phổ thông như: trồng hoa lan cắt cành, trồng nấm, may đế giày, thợ may, trồng rau thủy canh hồi lưu, trồng hoa, sản xuất hương... Năm 2017, quận giải quyết việc làm cho 6.688/5.700 lượt người, đạt 117,33% kế hoạch (trong đó, lao động có địa chỉ là 1.789/1.520 lao động, đạt 117,69% kế hoạch).
Theo ông Trịnh Hồng Hải, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Khê, năm 2017, công tác ASXH được đẩy mạnh. Trong đó, công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện chu đáo và điểm nhấn là hoàn thành việc hỗ trợ xây mới 38/38 nhà, sửa chữa 137 (dự kiến ban đầu chỉ 127 nhà) cho hộ gia đình có công cách mạng, với tổng kinh phí 5,35 tỷ đồng. Quận cũng tham mưu hỗ trợ 5 nhân khẩu người có công thuộc hộ nghèo không còn sức lao động mức 500.000 đồng/tháng.
“Hằng năm, chúng tôi đều tham mưu UBND quận ban hành kế hoạch giải quyết việc làm, đào tạo nghề. Riêng năm 2017, quận tham mưu ban hành kế hoạch và bộ tiêu chí thực hiện chương trình ASXH trên địa bàn quận năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020. Từ đó, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác ASXH, góp phần cải thiện đời sống người dân trên địa bàn quận. Năm 2018, bên cạnh những hoạt động thường niên, quận tổ chức thực hiện Đề án Thông tin thị trường lao động để cung cấp, hỗ trợ kịp thời việc làm cho người lao động”, ông Trịnh Hồng Hải cho biết thêm.
Bài và ảnh: HÀ THU