Đến vì yêu thương

.

Việc chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc trẻ khuyết tật, bị bệnh động kinh, bại não, thiểu năng trí tuệ... lại càng khó gấp bội nhưng với tình yêu thương vô bờ bến, các tình nguyện viên (TNV) và nhân viên GGC (Tổ chức phi chính phủ của Úc) vẫn dành tất cả những ngày ở Việt Nam để giúp trẻ em thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng thực hành các kỹ năng thiết yếu như đánh răng, tập vẽ, viết, học chữ, tắm rửa... với mong muốn các em sớm hòa nhập cộng đồng.

Chị Abha và các tình nguyện viên đang tư vấn cách chăm sóc cho gia đình cháu Trí.
Chị Abha và các tình nguyện viên đang tư vấn cách chăm sóc cho gia đình cháu Trí.

Ngôi nhà yêu thương của trẻ khuyết tật

Một ngày cuối tháng 11-2017, trong căn nhà nhỏ tại số 3 Vũ Quỳnh (cơ sở thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng), tiếng trẻ em, phụ huynh và những TNV rộn rã, xua đi cái lạnh của tiết trời đông. Bà ngoại bé Mai Phước T. (5 tuổi) cho biết, cháu bị chậm phát triển, động kinh từ lúc 8 tháng tuổi. Gia đình đã đưa cháu đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Bố cháu thấy cháu bị bệnh đã bỏ đi, mẹ cháu phải làm thêm kiếm tiền, nhà không còn ai nên bà chăm cháu, đưa đi đón về. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, may được một số người cùng cảnh ngộ giới thiệu đến Hội nên gia đình cũng đỡ rất nhiều.

T. được đến Hội năm 2 tuổi. Theo các nhân viên tại đây, lúc ấy, em luôn có biểu hiện la hét, đập đầu xuống đất hoặc ném bất cứ vật gì xung quanh, nhưng nay em đã biết ngồi, cầm đồ chơi, xúc ăn và chơi nhiều trò vận động… Chị Abha (30 tuổi, giáo viên dạy trẻ tự kỷ, chuyên viên vật lý trị liệu người Úc), người trực tiếp điều trị cho T. chia sẻ, khả năng chữa trị và cải thiện của trẻ bị động kinh, bại não rất chậm, nhưng với T., nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên tại Hội cũng như sự nỗ lực của gia đình nên em tiến triển tốt. Ai cũng thầm hạnh phúc khi chứng kiến sự thay đổi của em.

Ở một nhóm khác, Phạm Gia B. (11 tuổi) cũng đang được các TNV hướng dẫn những bài tập phù hợp. Gia đình phát hiện B. bị bại não lúc em mới sinh ra. Từ đó đến nay, ngày nào B. cũng phải điều trị bằng thuốc. Mẹ B. cho biết, chị đã cho con đi nhiều bệnh viện chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Nhờ sự giới thiệu của người thân, gia đình đưa B. đến Hội được 3 tháng nay. Với gia đình B., mong muốn duy nhất là tìm được một nơi giúp em biết đi, biết đứng, biết nhận thức cuộc sống xung quanh.

Mong muốn được quay trở lại

Là một TNV đã qua Việt Nam rất nhiều lần, lần này, chị Abha rủ thêm các bạn thực tập sinh đến Đà Nẵng để cùng trị liệu cho các em. Chị Abha cho biết, sau thời gian 5 tuần cùng các TNV ở Đà Nẵng, tháng 4-2018, chị sẽ quay lại và đưa thêm các sinh viên ngành sinh hoạt trị liệu tại Úc đến Đà Nẵng và Quảng Nam thực tập.

Chị Abha chia sẻ, công việc chính của các TNV là làm việc với các phụ huynh có trẻ bị bại não, động kinh, tự kỷ, tàn tật… để tìm hiểu nhu cầu và hướng cải thiện của họ. Từ đó, các chuyên gia sẽ lên kế hoạch thiết kế một chương trình riêng cho từng trẻ để giúp các em tập luyện. Ngoài ra, chị Abha còn làm việc cho một trung tâm khác với vai trò chuyên viên sinh hoạt trị liệu, đào tạo giáo viên, chia sẻ kiến thức để các giáo viên tại trung tâm đưa ra những bài dạy phù hợp cho trẻ. Điều thôi thúc chị đến Đà Nẵng nhiều lần là mỗi khi quay trở lại, chị nhìn thấy khát vọng của các bậc phụ huynh và sự cải thiện đáng kể của các em.

Để tập luyện cho từng em, mỗi nhóm sẽ có một TNV, một trẻ em, một phụ huynh và một thông dịch viên. Emily, sinh viên năm 3, hiện đang thực tập tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng cho biết, Việt Nam là đất nước giúp em tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đang học. Được làm việc với Tổ chức GGC giúp em có thể vừa học, vừa sẻ chia những hoạt động đầy ý nghĩa cho cộng đồng. Trẻ em Việt Nam cũng rất dễ thương khiến em muốn gắn bó...

Hằng năm, có khoảng 75-80 lượt TNV đến Đà Nẵng và Quảng Nam làm việc thông qua Tổ chức GGC. Mỗi TNV ở Việt Nam khoảng 2 tuần đến 3 tháng. Các TNV chủ yếu làm công việc chăm sóc trẻ sơ sinh; điều trị vật lý trị liệu cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ kinh phí đi lại và dụng cụ cho trẻ khuyết tật có gia đình khó khăn..

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.