Lời kêu cứu từ trẻ con

.

Khoảng 8 giờ tối một ngày tháng 7 oi ả của 3 năm trước, thạc sĩ Mai Đức Vũ, chuyên viên tư vấn trẻ em thuộc Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng (Trung tâm) nhận được cuộc gọi của bé H. với giọng run rẩy: “Tí nữa con về nhà sẽ bị chú đánh đòn”, rồi em cúp máy.

Ngay lập tức, ông Vũ gọi điện thoại cho Bí thư Đoàn phường cùng cán bộ trẻ em phường đến nhà bé H. Đúng như dự đoán, khi cả đoàn đến thì bé H. đã bị chú ruột của mình bắt quỳ giữa nhà chuẩn bị trận đòn.

Trong cơn giận dữ, người chú của bé phản ứng khá quyết liệt trước sự “xâm nhập gia cư bất hợp pháp” của đoàn và khẳng định không làm gì sai, chỉ đánh để ngăn bé về bên ngoại “không tốt lành gì” sau vụ ly hôn của ba mẹ cháu (!?)…

Lớp học kỹ năng sống cho trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội thành phố để giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: T.V
Lớp học kỹ năng sống cho trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội thành phố để giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: T.V

Nhờ cuộc “đột kích” ấy, bé H. đã tránh được trận đòn; quan trọng hơn, nếu bị đánh thêm lần nữa, em sẽ bỏ đi “bụi đời”. Sau lần đó, ông Mai Đức Vũ cùng cộng sự đã thêm 4 lần nói chuyện với người chú để “gỡ” được suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”.

Bây giờ, bé H. đã là nữ sinh lớp 12 xinh xắn, và là một cán bộ Đoàn năng nổ. Thỉnh thoảng, H. vẫn gọi điện thoại đến Trung tâm và lúc nào cũng tíu tít: “Nếu con không liều gọi cho các cô chú đêm đó thì không biết bây giờ đời mình ra sao nữa”.

Lần khác, Trung tâm nhận được cuộc gọi từ một cán bộ hưu trí với nỗi bực dọc dồn nén: “Nhờ Trung tâm giới thiệu chỗ để tui… trả hắn lại cho xã hội, vì con hư quá không thể dạy nổi!”. Chuyên viên tư vấn trẻ em của Trung tâm lập tức đến nhà người gọi và hiểu được câu chuyện rắc rối bắt đầu khi bé T. phản ứng lại cha mẹ nuôi vì cảm thấy không được thương như hai con ruột của gia đình.

Sau lần gặp cả đôi bên, các chuyên viên tư vấn chỉ để lại một lời khuyên: “Hãy trò chuyện với con để hiểu con”, sau đó hãy gọi cho Trung tâm. Và điều tốt đẹp ngoài mong đợi đã đến khi người cha nhận ra: “Chừng này tuổi rồi mà vợ chồng tôi mới quyết định đi học làm... cha mẹ với bài mở đầu là trò chuyện với con để hiểu con muốn gì”.

Bên cạnh những câu chuyện tạm gọi thành công như thế, không ít lần cán bộ Trung tâm phải dằn vặt không nguôi trước tiếng kêu cứu của trẻ thơ. Đó là câu chuyện bắt đầu hơn 2 năm trước, khi người mẹ đơn thân phát hiện con gái 7 tuổi của mình bị lạm dụng tình dục ngay tại nhà cô giáo dạy thêm.

Thủ phạm được cho là chồng của cô giáo. Người mẹ uất ức gõ cửa khắp nơi nhưng không thể làm gì vì “không có chứng cứ”, trong lúc đứa bé ngày càng rơi vào trầm cảm nặng nề. Nhớ lại chuyện này, ông Mai Đức Vũ cho biết, em được đưa đến Trung tâm điều trị liên tục 3 tháng bằng những liệu pháp tích cực nhất.

Giờ bé đã trở lại bình thường và gia đình cũng chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Mới đây khi về quê, hai mẹ con đã đến thăm và cảm ơn Trung tâm đã giải cứu hai mẹ con thoát cảnh bế tắc, mà theo tâm sự của người mẹ, đã có lúc họ nghĩ đến cái chết để chấm dứt mọi việc…

Từ cuộc gọi cầu cứu đến một cái kết có hậu về “chuyện trẻ con” chưa bao giờ là quá trình đơn giản. Đằng sau mỗi cuộc gọi là cả sự kiên trì, thách thức, có khi kéo dài vài năm mới “gỡ” xong. Ngoài ra, còn có cả những “ca” vượt cấp, vượt ngành mới giải quyết nổi. Chia sẻ câu chuyện này, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thành phố dẫn chứng: 2 năm trước, một người ở phường Chính Gián (quận Thanh Khê) nhận nuôi con của bạn tù vừa mất theo lời trăn trối.

Những tưởng sẽ thuận lợi, thế nhưng khi bé bắt đầu đến tuổi vào lớp 1 thì mọi người vỡ lẽ bé không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, khai sinh không, hộ khẩu cũng không nên bé không thể đi học. Người mẹ nuôi gõ cửa phường, lên quận cũng không biết giải quyết thế nào, rất may thông tin đến với Trung tâm. Sau nhiều cuộc họp giữa các bên, bé đã có tất cả giấy tờ cần thiết để đến trường như mọi đứa trẻ bình thường khác.

Gần 5 năm qua, đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng tiếp nhận trên 1.500 cuộc gọi cầu cứu về vấn đề trẻ em. Các chuyên viên của Trung tâm không thể nhớ hết bao nhiêu mảnh đời đã được giải cứu, và đó cũng chính là nguồn động viên lớn lao để họ tiếp tục “nghề” gian nan này.

Rất nhiều người lớn suy nghĩ trẻ em không biết gì, thương cho roi cho vọt, hoặc dễ dàng áp đặt suy nghĩ của mình lên các em. Chính điều này đã dồn trẻ vào con đường xấu hoặc im lặng chịu đựng để rồi lớn lên với tâm hồn đầy thương tổn. “Hãy học cách làm cha mẹ” với bài học đầu tiên là “lắng nghe các con nói”, đó là điều thạc sĩ Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ với các cán bộ làm công tác trẻ em ở quận Hải Châu, nhân chuyến công tác tại Đà Nẵng đầu tháng 11-2017.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.