Dân bị ảnh hưởng dai dẳng vì dự án treo

.

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn huyện có đến hơn 30 dự án được quy hoạch, thế nhưng việc triển khai thực hiện các dự án này lại quá chậm, gây bức xúc cho người dân.

Theo ông Đặng Phú Hành, nếu tính từ năm 2010 đến nay, cùng với quá trình đô thị hóa theo xu hướng phát triển chung của Đà Nẵng, tại địa bàn huyện Hòa Vang đã có 305 đồ án quy hoạch lớn, nhỏ. Trong đó có 29 dự án quy hoạch chậm triển khai, 47 dự án quy hoạch đã được hủy bỏ.

Dự án được quy hoạch nhưng chưa triển khai khiến hàng trăm hộ dân thôn Phước Thuận khổ trăm bề. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận cho biết, vì quy hoạch treo nên gia đình ông cũng không thể tách đất, làm sổ đỏ cho con.
Dự án được quy hoạch nhưng chưa triển khai khiến hàng trăm hộ dân thôn Phước Thuận khổ trăm bề. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận cho biết, vì quy hoạch treo nên gia đình ông cũng không thể tách đất, làm sổ đỏ cho con.

Qua tìm hiểu, những dự án quy hoạch chậm triển khai có ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, thậm chí có xã có đến 4-5 dự án chậm triển khai. Trong đó xã Hòa Liên có các dự án: Khu tái định cư Hòa Liên 4 (giai đoạn 3-4), dự án quy hoạch chi tiết trung tâm xã Hòa Liên, dự án khu tái định cư số 2, 3 thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến đường ĐT602, đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Hòa Liên…

Hay chỉ riêng tại thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có đến 3 dự án được quy hoạch gồm: dự án vệt 200 mét tuyến đường tránh Hải Vân; dự án mở rộng đường vào mỏ đá Hòa Nhơn và dự án Cụm công nghiệp Hòa Nhơn. Đáng lo là cả 3 dự án này chưa biết khi nào triển khai, khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Lô, người dân thôn Phước Thuận bức xúc cho biết, từ năm 2005 đến nay, cả trăm hộ dân ở thôn Phước Thuận bị “cấm” đủ thứ chỉ vì dự án quy hoạch treo. Muốn tách đất cho con cái, xây dựng và sửa chữa nhà, chuyển nhượng đất cho người khác, tách hộ cho con cái ra ở riêng… tất cả đều bị cấm.

Cũng vì “cấm” mà hàng trăm hộ dân nơi đây phải chịu thiệt rất nhiều thứ. Đơn cử như việc sử dụng điện và nước, người dân phải dùng ghép với nhau. Cùng nỗi bức xúc như ông Lô, ông Huỳnh Lự cho biết, cả gia đình ông có hàng chục nhân khẩu nhưng phải sinh sống ở trong một căn nhà chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình muốn làm nhà riêng cho con cái nhưng không được vì toàn bộ khu đất nhà ông “dính” quy hoạch của dự án.

Theo ông Lự, năm 2005, chính quyền địa phương công bố quy hoạch dự án vệt 200 mét tuyến đường tránh Nam Hải Vân nhưng đến thời điểm này vẫn “đắp chiếu”. Tiếp đó, năm 2011 triển khai quy hoạch dự án mở rộng đường vào mỏ đá Hòa Nhơn nhưng đến giờ vẫn “án binh bất động”.

Mới đây nhất, trong năm 2017 dự án cụm công nghiệp Hòa Nhơn được công bố quy hoạch nhưng nghe nói cũng chưa có nhà đầu tư nào cả. “Nhiều gia đình đã rao bán nhà để chuyển đi nơi khác nhưng cũng không có người mua. Hiện giờ chúng tôi chỉ mong muốn thành phố triển khai sớm. Dự án bị quy hoạch treo quá thời hạn thì phải tạo điều kiện cho dân tách thửa, làm nhà… để ổn định cuộc sống”, ông Lự đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận cho rằng, cả thôn có đến 187 hộ dân thì hơn 100 hộ nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Và từ khi các dự án được quy hoạch trên địa bàn thôn đến nay, điều kiện sống của người dân ở đây rất khó khăn.

Người dân nêu kiến nghị thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan chỉ giải thích: Đất thuộc dự án nên các công trình dân sinh không được đầu tư. Nhưng chờ đợi đền bù, giải tỏa suốt chừng ấy năm vẫn chưa thấy gì. Một vài thanh niên đến tuổi lấy vợ, lấy chồng hay sinh con, việc xây dựng nhà cửa, tách thửa đất, nhập hộ khẩu về đây cũng khó.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho rằng, hàng chục năm qua, người dân thôn Phước Thuận không những phải hứng chịu ô nhiễm nặng từ các mỏ đất, mỏ đá gây ra, mà còn khổ vì những dự án đã được quy hoạch nhưng chậm triển khai.

Tình trạng này không những làm khó dân mà ngay cả chính quyền địa phương cũng gặp nhiều trở ngại trong công tác quản lý trật tự đô thị. “Người dân không có chỗ ở, họ đành liều cất nhà tạm hay cơi nới thì phải đến lập biên bản, canh giữ nên quản lý rất khó khăn, nhất là các hộ dân có nhu cầu thực sự về nhà ở”, ông Phát thông tin thêm.

Về giải pháp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành kiến nghị đối với những dự án treo quá lâu, thành phố nên có chính sách tạo điều kiện cho người dân được xây mới, sửa chữa lại nhà cũng như tách thửa đất cho con cái. Bên cạnh đó, thành phố cùng các cấp, các ngành cần rà soát, thẩm định lại dự án, năng lực nhà đầu tư. Nếu thấy dự án nào khả thi thì tiếp tục thực hiện, còn dự án nào không khả thi, bất hợp lý thì nên xóa quy hoạch, không làm ảnh hưởng dai dẳng đến cuộc sống của người dân.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.
.