Hành trình cảm hóa thanh, thiếu niên hư

.

Tiếp cận, giáo dục, cảm hóa thanh, thiếu niên (TTN) hư, chậm tiến là việc làm được các cấp bộ Đoàn thường xuyên quan tâm. Song, hành trình để TTN hư, chậm tiến hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội không phải dễ dàng.

Trúc Mai (bìa trái) và Nhớ Hoài (thứ 4, phải qua) nhận Bằng khen của Thành Đoàn Đà Nẵng vì có thành tích xuất sắc trong công tác cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên hư, chậm tiến.
Trúc Mai (bìa trái) và Nhớ Hoài (thứ 4, phải qua) nhận Bằng khen của Thành Đoàn Đà Nẵng vì có thành tích xuất sắc trong công tác cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên hư, chậm tiến.

Giúp thanh, thiếu niên vượt qua lầm lỡ

Kể về một lần cảm hóa thành công TTN hư, Phạm Trần Trúc Mai (SN 1992), Phó Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) chia sẻ, cách đây 3 năm, Mai gặp H.N (SN 2000) lúc H.N vi phạm pháp luật được Công an giao về phường. H.N ở quận Thanh Khê, sau chuyển lên chung cư ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Theo tìm hiểu của Mai, H.N trở nên hư hỏng vào cuối năm học lớp 3, khi đó, bố mẹ em ly dị, bố đi tù, mẹ bỏ đi, H.N phải sống với bà nội. Hằng ngày, bà nội bán trái cây ở chợ Cồn từ 5 giờ sáng đến 8-9 giờ tối. Bản thân H.N từ năm lớp 1 đến năm lớp 2 học rất giỏi nhưng do hoàn cảnh gia đình và bị bạn bè châm chọc nên em chán nản, mặc cảm, tự ti. Từ học sinh giỏi, H.N phải nghỉ học. Mai chia sẻ: Nhận nhiệm vụ cảm hóa H.N, Mai và các bạn khác phải xuống động viên gia đình và nhất là H.N để em đi học lại. Nhưng lúc đó H.N chưa có hộ khẩu (vì mới chuyển lên) nên các cán bộ Đoàn rất vất vả đến các trường xin cho H.N học lại. Học lại lớp 3 khi H.N đã 14 tuổi nhưng em tiến bộ trông thấy. Em còn được vào đội Cờ đỏ, bắt đầu tham gia các hoạt động của nhà trường cũng như ở khu dân cư. Hiện, H.N là một công dân tốt tại địa phương và đang đi làm thuê, đợi đủ tuổi xin làm công nhân. Đây là có lẽ là điều vui nhất với Mai trong hành trình cảm hóa...

Tháng 4-2017, Nguyễn Nhớ Hoài, Phó Bí thư Đoàn phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) bắt đầu tiếp nhận việc cảm hóa TTN hư. Năm 2017, Đoàn phường Hòa Hải được giao quản lý 3 TTN chậm tiến và 1 TTN sử dụng chất ma túy lần đầu, nhưng với Hoài, trường hợp đáng nhớ nhất là H.P.N (SN 1994) - đối tượng sử dụng ma túy đầu tiên Hoài tiếp cận. Nhiều lần theo bạn bè tiệc tùng, P.N sa vào sử dụng ma túy đá và bị bắt. P.N được hỗ trợ cai nghiện tại địa phương, trong quá trình đó, Hoài thường xuyên phối hợp với gia đình hỏi thăm và cùng Công an phường theo dõi chặt chẽ sinh hoạt của P.N. Sau gần 8 tháng cảm hóa, P.N tiến bộ rõ rệt. Hiện, P.N chưa có biểu hiện tái sử dụng ma túy và đang phụ giúp gia đình làm đá mỹ nghệ. Trong các dịp lễ hội, sự kiện, Hoài luôn động viên P.N và các TTN chậm tiến tham gia để hòa nhập và tránh quay trở lại con đường sai trái.

Cần sự đồng thuận

Theo Trúc Mai, mỗi TTN hư hoặc chậm tiến cần có cách cảm hóa khác nhau, không thể áp dụng một nguyên tắc chung cho tất cả. Đặc biệt, khi muốn tiếp cận những đối tượng này, các cán bộ Đoàn cần nắm rõ hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng để có cách phối hợp xử lý. Mai cho rằng, biện pháp mời các em lên phường định hướng, tuyên truyền cứng nhắc sẽ không hiệu quả, mà cần kết hợp nhiều cách cảm hóa mềm mỏng khác; đặc biệt rất cần sự đồng hành của gia đình và xã hội.

Tham gia công tác Đoàn từ năm 2014, nhưng Mai đã làm công tác cảm hóa TTN hư, chậm tiến từ năm 2013. Cách làm của Mai là khi nhận danh sách cảm hóa giao về, Mai tiến hành sàng lọc đối tượng, phân chia khu dân cư, phân công đoàn viên kèm cặp theo mô hình “2 trong 1” (một TTN hư, chậm tiến sẽ có một cán bộ phường và một cán bộ chi đoàn cơ sở kèm cặp). Khi giáo dục, cảm hóa, cán bộ Đoàn phải thống nhất “cho cần câu chứ không cho con cá”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu việc làm, gõ cửa từng doanh nghiệp để các TTN hư, chậm tiến được vào làm. Trúc Mai nói: “Khi các em đi làm, các em mới ý thức được trách nhiệm công việc của mình và biết quý từng đồng tiền làm ra. Nếu cho các em 10-15 triệu đồng, thể nào các em cũng sử dụng hết, hoặc sử dụng không đúng mục đích”. Mai cũng vui mừng cho biết, trong năm 2017, Mai đã cùng tập thể Đoàn phường cảm hóa, giúp đỡ được 8 em tiến bộ, tạo việc làm cho 5 em tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn, kết nạp 2 em đứng vào tổ chức Đoàn.

Còn với Hoài, anh nhìn nhận công tác cảm hóa, giáo dục TTN hư, chậm tiến là rất khó khăn nhưng không phải không làm được. Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ này, Hoài và các cán bộ Đoàn đã “xáp” vào làm ngay. “Hồi đầu, tôi chưa hình dung được các đối tượng ma túy, đối tượng sau cai như thế nào. Rồi qua tìm hiểu, nắm công việc từ các cán bộ Đoàn đi trước, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và tiếp cận tốt hơn với TTN hư, chậm tiến”, Hoài nói.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.
.