Những tấm lòng thơm thảo

.

Ở Đà Nẵng có nhiều tấm gương điển hình về nghĩa cử, nhiệt huyết đối với sự nghiệp khuyến học. Trong đó, theo Hội Khuyến học thành phố, tiêu biểu nhất là ông Phạm Hồng Quang, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN).

Di chúc của ông Phạm Hồng Quang.
Di chúc của ông Phạm Hồng Quang.

Ông Phạm Hồng Quang là một trong những người tận tâm ủng hộ Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) từ những ngày đầu vận động thành lập Hội (năm 1991). Ông sinh năm 1923 tại làng Bảo An, xã Điện Quang (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), tham gia cách mạng từ mùa thu lịch sử 1945. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông chuyển về ở phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn bó với chiến trường Quảng Đà và công cuộc xây dựng quê hương QN-ĐN. Ông nghỉ hưu năm 1984 với chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh QN-ĐN.

Sinh thời, ông Quang hết lòng thương yêu những học sinh nghèo khó, thiếu điều kiện đến trường và luôn nỗ lực vận động các nhà hảo tâm ủng hộ công tác khuyến học. Ông đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp hay để xây dựng và phát triển sự nghiệp khuyến học khuyến tài, gương mẫu ủng hộ các hoạt động khuyến học, thường xuyên gần gũi, trao đổi, hỗ trợ đội ngũ cán bộ Hội Khuyến học. Đặc biệt, ông đã lập di chúc dành toàn bộ tiền phúng điếu đám tang của mình ủng hộ công tác khuyến học.

Cách đây gần 18 năm, ông Quang gửi lãnh đạo tỉnh QN-ĐN những dòng chữ giản dị, chân thành về nguyện vọng trong đám tang của mình: “Tôi mong muốn có vòng hoa của lãnh đạo duy nhất chung”. Và về tiền phúng điếu, ông nhắn gửi: “Số tiền đó ít hay nhiều, tôi xin cúng 100% cho Hội Khuyến học tỉnh”. Ông còn cẩn thận nhắn gửi Thường trực Hội Khuyến học tỉnh QN-ĐN: “Bản di chúc của tôi nhờ Thường trực Hội chuyển cho Thường vụ đúng lúc. Chậm bạn bè không rõ ý tôi. Sớm quá, nhiều khi có người hiểu lệch về lòng tôi”. Ông Quang mất năm 2000, nhưng di chúc ông viết từ năm 1995, khi còn minh mẫn. Trước khi kết thúc bản di chúc, ông khẳng định: “Tôi viết mấy ý này có suy nghĩ kỹ và còn minh mẫn”.

Thực hiện di chúc của ông Quang, sau đám tang, gia đình ông đã trao toàn bộ số tiền phúng điếu 22.870.000 đồng cho Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng. Ở thời điểm năm 2000, đó là một khoản tiền rất lớn và được Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng tiếp nhận.

Từ số tiền phúng điếu gia đình ông Quang ủng hộ, đã có 70 em học sinh nghèo trên địa bàn thành phố được nhận học bổng, mỗi em hơn 300.000 đồng. Anh Trương Văn Hòa, Kế toán trưởng của Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: Hồi ấy, 300.000 đồng lớn lắm, nhiều em lên nhận học bổng mà hai mắt rưng rưng trong niềm biết ơn người quá cố.

Gần 18 năm trôi qua, song sự kiện ông Phạm Hồng Quang ủng hộ toàn bộ tiền phúng điếu đám tang của mình cho công tác khuyến học vẫn ngời sáng trong tâm khảm bao người. Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Trần Đình Liễn, ông Phạm Hồng Quang là nhà hảo tâm đặc biệt trong cả nước đã tài trợ học bổng cho học sinh nghèo bằng tiền phúng điếu đám tang của chính mình. “Không chỉ lúc sinh thời ông Quang hết lòng với công tác khuyến học mà khi quá vãng, ông vẫn tiếp tục làm công tác khuyến học”, ông Trần Đình Liễn chia sẻ.

Sau ông Phạm Hồng Quang, ông Trần Thận, nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng), nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà cũng đã dùng tiền phúng điếu tang lễ của vợ (15 triệu đồng) ủng hộ Quỹ Khuyến học thành phố Đà Nẵng. Còn cựu chiến binh Lâm Quang Minh, thường trú phường Thanh Bình (quận Hải Châu) dành một nửa số tiền bán nhà (gần 1 tỷ đồng) ủng hộ các hoạt động khuyến học, tình nghĩa, nhân đạo.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.