Chị Bích "dân số"

.

Chứng kiến nhiều gia đình miền biển có cuộc sống quá cơ cực do sinh đông con, chị Lương Thị Bích (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) xung phong làm cộng tác viên dân số (CTVDS) để giúp người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Chị Lương Thị Bích (bên phải) đang tư vấn cho người dân miền biển về các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch.
Chị Lương Thị Bích (bên phải) đang tư vấn cho người dân miền biển về các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch.

18 năm trước, giữa lúc con còn nhỏ, cuộc sống khó khăn do chồng không có việc làm ổn định, chị Bích lại tình nguyện làm CTVDS. Phản đối không được, chồng chị cũng đành chiều vợ. Đặc thù của phường Thanh Khê Đông là có đến 2/3 dân số làm nghề biển, trình độ dân trí chưa cao, lại thêm tư tưởng muốn có con trai nối nghiệp nên số chị em sinh con thứ 3 trở lên rất nhiều.

Để thay đổi suy nghĩ này, chị Bích phải “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” gặp gỡ, chia sẻ rồi tuyên truyền để mọi người hiểu con nào cũng quý, miễn là nuôi dạy trưởng thành, có ích cho xã hội. Ban đầu chị gặp không ít phản ứng tiêu cực, nhất là từ phía các ông chồng.

Không ít lần chị bị gia chủ thẳng thừng mời về với lý do: “Tui đẻ tui nuôi, mắc mớ chi chị”, hay “Chuyện riêng của vợ chồng tui, không cần chị can thiệp”... Có trường hợp người vợ muốn triệt sản vì đã có 3 con gái và cuộc sống quá khó khăn, nhưng sau đó người chồng đã trút giận lên chị Bích bằng những cuộc điện thoại mắng xối xả vì chị “dụ dỗ” không cho vợ họ tiếp tục... đẻ.

Để vận động được 1 ca đình sản không hề dễ dàng; thế nhưng nhiều năm qua, phường Thanh Khê Đông đều hoàn thành vượt chỉ tiêu, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những CTVDS như chị Bích. Đơn cử năm vừa qua, phường Thanh Khê Đông có 5 ca đình sản (vượt chỉ tiêu đề ra 3 ca/năm). Gia đình anh Nguyễn Văn T. là một ví dụ.

Anh T. làm nghề lái xe và vợ may quần áo ở nhà. Cuộc sống vợ chồng anh hết sức khó khăn với 4 đứa con nhỏ nhưng gia đình vẫn muốn có thêm thành viên. Thế là chị Bích đến nhà vận động anh đi đình sản, đồng thời đề xuất địa phương hỗ trợ gia đình anh gạo, mì tôm và những phần quà Tết. Cảm động trước sự quan tâm của chị Bích và chính quyền địa phương, anh T. đã đồng ý thực hiện biện pháp thắt ống dẫn tinh.

“Chị Bích và mọi người quan tâm đến mình như thế thì mình phải cố gắng đình sản để chú tâm làm ăn thoát nghèo. Đẻ nhiều cũng khổ vì không có tiền nuôi”, anh T. thổ lộ. Lại có trường hợp đình sản... hụt khiến chị Bích một phen lao đao. Đó là sau khi được chị Bích vận động nhiều lần, chị Nguyễn Thị M. (45 tuổi, đã có 3 con) chấp nhận đình sản.

Thế nhưng, do sơ suất kỹ thuật, một thời gian sau chị này lại dính bầu và... “bắt đền” chị Bích. Thế là chị Bích lại tiếp tục vận động chị M. đình sản thêm lần nữa. Có nhiều đợt địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông dân số, chị Bích phải đến từng nhà vận động, thậm chí tình nguyện làm “xe ôm” chở chị em đi đặt vòng tránh thai miễn phí.

Chuyện bỏ tiền túi mua đồ ăn, sữa cho chị em sau khi đình sản trở nên quá bình thường đối với chị Bích trong khi thù lao cho công việc CTVDS trước đây chỉ có 50.000 đồng, đến nay được hơn 300.000 đồng/tháng.

Thế nhưng chị Bích không quan tâm nhiều đến điều đó. Chị bảo, cuộc sống của chị em ở vùng biển quá khó khăn nên vận động được thêm chị em nào đi đình sản hay thực hiện tránh thai là bản thân mình vui lắm. “Nhiều chị em sợ tốn tiền nên không thực hiện biện pháp tránh thai ở các cơ sở dịch vụ và cũng không biết chế độ của Nhà nước trong việc thực hiện KHHGĐ.

Bởi vậy, mình phải tuyên truyền cho chị em, nhất là chị em thuộc hộ nghèo biết về việc họ được miễn phí cấy que tránh thai (mà nếu làm dịch vụ thì phải tốn từ 1,5 đến 2 triệu đồng/lần)”, chị Bích chia sẻ.

Chị Đặng Thị Chí, cán bộ chuyên trách dân số phường Thanh Khê Đông cho biết, chị Bích là một trong những CTVDS năng nổ nhất của địa phương trong khi cuộc sống của chị cũng còn nhiều khó khăn phải lo toan mỗi ngày.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.