Hiệu quả từ "nhà tạm lánh"

.

Cả hai vợ chồng đều là công chức cơ quan Nhà nước, những tưởng họ sẽ hạnh phúc khi cả hai đều có công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng với bà con khối phố Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nguy cơ đổ vỡ của gia đình này không là điều bất ngờ vì chồng hay đánh vợ, còn vợ lại lắm lời... Để giúp gia đình nhỏ này hàn gắn tình cảm, bà Nguyễn Thị Đào Thanh, Chủ nhiệm CLB Phòng, chống bạo lực gia đình của khối phố Trung Nghĩa đã nhiều lần mời cả hai vợ chồng ra quán cà-phê tâm sự cùng hội viên của CLB. Với sự góp ý chân tình của mọi người, cả chồng và vợ đã vui vẻ ký cam kết không tái diễn hành vi bạo lực gia đình. Và đến hôm nay, cả khu phố ai cũng vui mừng khi cặp vợ chồng này đã hết lục đục. Riêng về phần mình, chị Nguyễn Thị Đào Thanh rất vui vì quyết định lấy ngôi nhà của chính mình làm “nhà tạm lánh” là hoàn toàn chính xác. Chị cho biết thêm: Trước khi mời hai vợ chồng ra làm việc, tôi đã đón người vợ đến ở tạm trong nhà mình để tránh những trận đòn của chồng, chờ mọi việc lắng xuống mới khuyên giải. Không riêng trường hợp này, nhiều năm qua gia đình tôi cũng đã trở thành “nhà tạm lánh” cho cả chục lượt chị em gặp rắc rối đến ở tạm chờ qua cơn khủng hoảng.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Tổ Tư vấn thuộc Hội Phụ nữ phường Hòa Minh với đại diện các CLB Phòng, chống bạo lực gia đình.
Một buổi sinh hoạt định kỳ của Tổ Tư vấn thuộc Hội Phụ nữ phường Hòa Minh với đại diện các CLB Phòng, chống bạo lực gia đình.

Ở khối phố Phước Lý cũng có trường hợp tương tự. Chồng vốn là Tổ trưởng dân phố “gương mẫu”, còn vợ làm lao động tự do. Tuy nhiên, không ít lần chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ do kinh tế khó khăn, đến nỗi người chồng có lúc đuổi vợ ra khỏi nhà. Trước hoàn cảnh đó, người vợ được Hội Phụ nữ phường đến can thiệp cho “tạm lánh” ở trụ sở Công an phường; còn người chồng được công an khu vực tới khuyên giải. Nhờ vậy, gia đình này đã vượt qua đổ vỡ, chung tay làm ăn nuôi dạy con cái.

Năm 2013, phường Hòa Minh là địa phương được chọn thí điểm thành lập các CLB Phòng, chống bạo lực gia đình ở quận Liên Chiểu, với hoạt động chính là tuyên truyền cho hội viên hiểu về quyền lợi của mình, song song đó là các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, can thiệp giúp đỡ phụ nữ bị bạo lực. Phường đã thành lập được 10 CLB rải đều khắp các khu dân cư, thu hút gần 800 hội viên tham gia. Trong 5 năm qua, đã có trên 230 lượt gia đình đứng trước nguy cơ đổ vỡ được tư vấn, hỗ trợ và trong số này đã có trên 50 lượt hội viên trú thân ở các “nhà tạm lánh”. Theo bà Phạm Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Minh, đa phần trường hợp phụ nữ bị bạo hành là do khó khăn về kinh tế. Vì vậy, nhiều năm qua, Hội Phụ nữ phường luôn lưu ý các CLB bên cạnh hòa giải xung đột, về lâu dài cần giúp các gia đình cải thiện tình hình kinh tế. Hội Phụ nữ phường cũng đã tín chấp cho chị em vay hơn 20 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và hầu hết đều phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, phường cũng đã lấy Trạm Y tế làm “nhà tạm lánh” và được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ 30 triệu đồng trang bị vật dụng sinh hoạt cho nạn nhân trong thời gian tạm trú tại đây nên nhiều chị em rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành đã có nơi nương tựa an toàn.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.