Nâng cao chất lượng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành dân số thành phố trong năm 2018.
Một buổi tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai tại Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố. |
Nhiệm vụ cấp thiết của ngành dân số trong năm 2018 và những năm tiếp theo là nâng cao chất lượng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên. Đây là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của xã hội, hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra. Từ năm 2010 đến nay, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã xây dựng và hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động của đề án nâng cao chất lượng dân số như: Đề án chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phát hiện sớm dị tật, bệnh bẩm sinh; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, tiếp tục được duy trì hoạt động tại 56/56 phường, xã...
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực do ngành dân số thành phố triển khai là tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Mô hình này giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh thai; khi mang thai đến cơ sở y tế khám sàng lọc trước và sau sinh. Chị Phạm Ngọc Hà (tổ 16, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Tôi còn đang học đại học, chưa kết hôn nhưng đã được cộng tác viên dân số-sức khỏe cộng đồng của tổ dân phố tư vấn và vận động đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nếu chuẩn bị kết hôn thì nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu, kiểm tra các bệnh di truyền, giúp phát hiện những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe cho bản thân và con cái trong tương lai”.
Hoạt động truyền thông, vận động luôn được xem là giải pháp mang lại thành công cho công tác dân số và phát triển. Quận Ngũ Hành Sơn là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này. Năm 2017, ngoài tuyên truyền qua Đài Truyền thanh quận, ngành dân số quận còn cấp phát hơn 4.400 tờ rơi, tờ bướm; treo băng-rôn tuyên truyền; tổ chức nói chuyện chuyên đề cho 295 học sinh của 2 trường THPT trên địa bàn quận, tổ chức 12 cuộc nói chuyện chuyên đề với gần 1.000 người tham gia... Ông Mai Văn Ấn, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Truyền thông góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc tham gia, hưởng ứng chương trình mục tiêu Dân số và Sức khỏe sinh sản. Quận có 133 cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng làm nòng cốt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số đến người dân. Từ đó, công tác dân số phát triển trên địa bàn được triển khai thuận lợi. Quận đứng đầu thành phố về hoàn thành đạt và vượt kế hoạch về dân số. Thời gian tới, ngoài đẩy mạnh truyền thông, quận phối hợp thực hiện các hoạt động bảo đảm việc cung cấp dịch vụ thực hiện KHHGĐ đầy đủ và kịp thời cho các đối tượng”.
Dù đạt được một số kết quả nhưng công tác dân số vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, mức sinh thay thế nhiều nơi đạt thấp, nhất là các vùng đô thị phát triển; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và ngày càng lan rộng; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực người Việt chậm được cải thiện; tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe thấp; nguy cơ già hóa dân số nhanh; vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết ở một số vùng dân tộc ít người, tỷ lệ người khuyết tật trong dân số còn cao...
Bài và ảnh: MINH PHÚC