Ngày 31-1-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 19 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới trên địa bàn thành phố, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: Xác định công tác dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Cổ động, tuyên truyền về dân số trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: M.H |
Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương. Phát huy tối đa lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động và truyền thông đại chúng về dân số theo hướng chủ động nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động ở các xã có đồng bào người dân tộc, người dân vùng biển, ven biển, công nhân khu công nghiệp...
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, nêu cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong xã hội cũng như trong gia đình. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tuyên truyền “nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động về lựa chọn giới tính khi sinh, nhất là ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Tăng cường xã hội hóa về dân số và phát triển: khám sức khỏe tiền hôn nhân; khám sức khỏe trước khi quyết định có thai; thực hiện tầm soát, sàng lọc chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; chấp nhận phương tiện tránh thai và dịch vụ hàng hóa sức khỏe sinh sản theo hình thức xã hội hóa. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học-công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tăng cường bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội; tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ. Tích cực triển khai thực hiện việc tầm soát chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh. Hỗ trợ sinh sản, tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân; tăng cường hợp tác với cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập đủ điều kiện; đổi mới phương pháp cung cấp, đưa dịch vụ đến tận cơ sở y tế gần dân nhất. Từng bước phát triển chuyên ngành lão khoa trong các cơ cở y tế.
Ưu tiên đầu tư nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như: trẻ em thiệt thòi, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi không nơi nương tựa, đồng bào dân tộc ít người, người di cư... đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển.
Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, phân phối, cung ứng các phương tiện, dịch vụ… trong lĩnh vực dân số. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ từ Sở Y tế và Chi cục DS-KHHG. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng.
Tăng cường vận động, kêu gọi các nguồn lực của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các hoạt động trong lĩnh vực dân số. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương, song phương về dân số và phát triển.
M.H