Không còn hộ gia đình chính sách nghèo

.

Cùng với những chính sách chung, các địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang đã có nhiều sáng kiến hay, cách làm mới để giúp đỡ các hộ nghèo gia đình chính sách. Đến nay, huyện đã xóa hết hộ nghèo là gia đình chính sách. Hầu hết các gia đình chính sách, người có công đã có cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Hồng Đệ (trái) cho biết gia đình có cuộc sống ổn định sau khi được hỗ trợ bò và sửa chữa nhà.
Ông Nguyễn Hồng Đệ (trái) cho biết gia đình có cuộc sống ổn định sau khi được hỗ trợ bò và sửa chữa nhà.

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, hiện trên địa bàn huyện có hơn 4.000 hộ gia đình chính sách. Cuối năm 2017, huyện đã xóa hết 181 hộ chính sách nghèo. Có được kết quả này là nhờ sự chung tay của các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong việc kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội hỗ trợ người dân phương tiện sinh kế. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ đã có điều kiện, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Ngô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn chia sẻ, trong năm 2017, xã đã giới thiệu một số người thuộc hộ gia đình chính sách vào làm việc tại sân golf Bà Nà, các công ty trên địa bàn xã và trong Khu công nghiệp Hòa Cầm hoặc giới thiệu vào học nghề tại Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang. Nhiều người trở thành nhân viên buồng phòng ở các khách sạn, hoặc tham gia làm rau sạch, trồng nấm, chăn nuôi bò. Đến nay, xã Hòa Nhơn không còn hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách có người lao động, tuy nhiên vẫn còn 8 hộ nghèo gia đình chính sách không có người còn khả năng lao động. Để giúp đỡ các hộ này vượt qua khó khăn, xã vận động hội đồng hương xã Hòa Nhơn ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 3,8 triệu đồng/tháng cho 8 hộ từ tháng 7-2017 đến tháng 7-2018, trung bình mỗi hộ 500.000 đồng/tháng. Trong năm nay, xã kêu gọi Công an thành phố hỗ trợ gia đình bà Thi Thị Nhì (con liệt sĩ) ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn 50 triệu đồng để sửa chữa nhà. Bà Nhì (84 tuổi) hiện đang sống cùng con gái út (44 tuổi) bị câm, điếc từ nhỏ. Không còn khả năng lao động, cả hai mẹ con sống nhờ vào số tiền 300.000 đồng/tháng của chế độ người cao tuổi và sự giúp đỡ của con cái đã có gia đình riêng.

Trong khi đó, hộ ông Nguyễn Hồng Đệ (con liệt sĩ) ở thôn Diêu Phong, có 4 nhân khẩu, trong đó: con đầu vừa tốt nghiệp THPT, con út vừa thi vào lớp 10 Trường THPT Ông Ích Khiêm. Năm 2017, xã hỗ trợ gia đình ông 30 triệu đồng và ông thêm 10 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà khang trang hơn. Mỗi tháng các con ông còn nhận học bổng 600.000 đồng. Trước đó, xã cũng đã hỗ trợ gia đình ông 5 triệu đồng xây dựng công trình vệ sinh và 1 con bò giống. “Từ khi nhận bò về nuôi đến nay, con bò đã đẻ được 3 lứa; mỗi lứa chăm từ 7-8 tháng là có thể bán được với giá 6-7 triệu đồng/con. Số tiền này đã giúp các con tôi có tiền ăn học. Tuy chưa hết khó khăn nhưng cuộc sống hiện nay đỡ vất vả hơn trước vì các con đã khôn lớn, nhà cửa khang trang hơn”, ông Nguyễn Hồng Đệ vui mừng cho biết.

So với các xã khác, Hòa Phong là địa phương có số hộ gia đình chính sách khó khăn tương đối nhiều. Tuy nhiên, bằng việc vận động hỗ trợ phương tiện sinh kế như gà giống, xe đạp và vay vốn ngân hàng chính sách, cuối năm 2017, có 25 hộ nghèo gia đình chính sách thoát nghèo bền vững. Ông Thái Bá Cẩn, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội của xã cho biết, sau khi hết hộ chính sách nghèo, xã Hòa Phong tập trung sửa chữa và xây mới 225 ngôi nhà, trong đó có 67 căn nhà xây mới, 158 căn nhà sửa chữa. Năm nay, xã cũng vận động nhân dân đóng góp 700 triệu đồng để xây dựng nhà đúc chuông và đúc chuông đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phân công các chi hội làm đám giỗ liệt sĩ tại các gia đình liệt sĩ như quét dọn, làm đẹp bàn thờ và mua vật lễ cúng. Hằng năm, chi bộ cơ quan UBND xã nhận hỗ trợ thường xuyên 1-2 gia đình chính sách với mức 200.000 đồng/tháng từ tiền đóng góp của đảng viên.  

* Tại kỳ họp thứ 6 HĐND huyện Hòa Vang khóa X, nhiệm kỳ 2016-2018 xác định, trong 6 tháng cuối năm, huyện tập trung triển khai đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị”, đặc biệt là phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, các vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn. Trong đó, tổ chức sản xuất có hiệu quả vùng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh, Hòa Phú; hoàn thiện hạ tầng và tổ chức nuôi thủy sản tại khu nuôi cá Bàu Tràm, xã Hòa Phong.

* Công an huyện Hòa Vang vừa tổ chức ký cam kết với gần 90 doanh nghiệp, chủ phương tiện và tài xế lái xe ben, xe tải nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông do xe ben, xe tải chở đất, đá san lấp mặt bằng các dự án gây ra, làm chết 7 người và bị thương 17 người. Trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, các phương tiện này cũng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường.

* Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” của thành phố giai đoạn 2017-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Nhơn thành lập Hợp tác xã “Gà Nhơn Phát” nhằm giúp các thành viên hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng có hiệu quả mô hình dịch vụ chăn nuôi gia cầm của xã. Qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên Hội Phụ nữ trên địa bàn xã.

* UBND huyện Hòa Vang vừa tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn thi hành Luật Tiếp cận thông tin cho cán bộ, công chức các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện và UBND 11 xã. Hội nghị giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin và nghị định hướng dẫn liên quan, giúp các cán bộ, công chức nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

* Theo báo cáo tại Đại hội đại biểu lần thứ 3 nhiệm kỳ 2018-2023 Hội Cựu giáo chức huyện Hòa Vang, trong nhiệm kỳ tới, hội đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe, tuổi tác của hội viên; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên; đồng thời hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực và cụ thể cho giáo dục và đào tạo ở địa phương; phấn đấu tập hợp 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành giáo dục đã nghỉ hưu vào sinh hoạt.

* Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hòa Vang vừa khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 200 đảng viên mới đang sinh hoạt tại các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy Hòa Vang. Thông qua lớp học, các đảng viên nắm vững những kiến thức cốt lõi về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới; nhiệm vụ của người đảng viên. Từ đó, giúp cho mỗi đảng viên có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; nêu cao ý chí tự học, tự nghiên cứu, tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở đơn vị, địa phương; gắn việc học tập lý luận vào thực tiễn công tác chuyên môn.

* Hướng đến kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2018), Chi Đoàn Thanh niên thôn Cẩm Toại Trung (xã Hòa Phong) vừa tổ chức Hội diễn văn nghệ với chủ đề “Khúc hát tri ân”, thu hút đông đảo bà con nhân dân xã đến xem, cổ vũ và ủng hộ. Qua đêm văn nghệ, Chi Đoàn kêu gọi đóng góp gây quỹ hơn 18 triệu đồng. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm phát huy vai trò xung kích; đồng thời giao lưu văn hóa văn nghệ, tạo sân chơi bổ ích và lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên.

* Các tài xế xe ben, xe tải hoạt động trên địa bàn huyện Hòa Vang vừa ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường với Công an huyện nhằm chấp hành tốt Luật An toàn giao thông cũng như không để rơi vãi vật liệu khi chuyên chở trên đường.

ĐOÀN GIA HUY

Bài và ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.