Thông tin về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, số lượng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông ít hơn năm 2016 và 2017 cả về số lượng và cường độ. 6 tháng cuối năm, nước ta chịu ảnh hưởng từ 12-13 cơn bão, trong đó có 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Số lượng và cường độ các cơn bão trong năm 2018 đều giảm so với 2 năm 2016 và 2017. |
Theo dự báo, hiện tượng ENSO nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6 và duy trì trạng thái này cho đến hết năm 2018. Sẽ có khoảng 12-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN ở khu vực phía bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ. Các thiên tai khí tượng thủy văn (KTTV) khác vẫn có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần phải bảo đảm thường xuyên, liên tục, theo sát diễn biến của thiên tai, tăng cường việc cảnh báo sớm, cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo KTTV cần được tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Việc triển khai hiệu quả công tác phòng, tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cần được chủ động; công tác khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra phải kịp thời.
Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra và giảm thiểu thiệt hại, định hướng công tác 6 tháng cuối năm 2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân công cụ thể trách nhiệm và sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ.
Cụ thể, đầu tư phát triển công nghệ quan trắc, ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai xuất hiện nhanh, quy mô vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, nhất là trong công tác quan trắc, cảnh báo sớm; xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, giám sát, cung cấp dịch vụ về khí tượng thủy văn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng trạm khí tượng thủy văn đối với các hạng mục công trình phải thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo Luật Khí tượng thủy văn.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.
Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Đặc biệt, cần kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đảm bảo vận hành an toàn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khai thác hiệu quả tài nguyên nước. Chỉ đạo thực hiện các giải pháp để cập nhật tự động dữ liệu thông tin vận hành hồ chứa trước năm 2020.
Bộ cũng sẽ chú trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cành báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, làm cơ sở cho việc quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai.
Theo VGP