Năm 2018 có 29 người đứng đầu bị xử lý hoặc đang xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự.
Xử lý “không có ngoại lệ”, tham nhũng có hướng thuyên giảm
Các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 đánh giá công tác PCTN đã đạt được kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ máy nhà nước ngày càng được củng cố, kiện toàn; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường.
Về phát hiện và xử lý tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 21 đối tượng (tăng 26,7% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 67 vụ, 76 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 52,2% số vụ); Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 34 vụ, 63 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 100% số vụ). Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 378 vụ án, 770 bị can phạm tội về tham nhũng…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày các báo cáo thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. (Ảnh: quochoi.vn) |
Ghi nhận những kết quả đạt được, Ủy ban Tư pháp – cơ quan thẩm tra báo cáo cũng đánh giá việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, nhiều vụ vi phạm liên quan đến cán bộ cao cấp, sĩ quan cao cấp trong Công an, Quân đội, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu… được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
“Điều đó thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” – báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, nhấn mạnh; đồng thời dẫn chứng Tổ chức minh bạch quốc tế cũng đã xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2017 của Việt Nam là 35/100 điểm, tăng 2 điểm.
Một điểm nữa đáng ghi nhận là công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Đơn cử như Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; kiểm tra và công khai kết luận kiểm tra vụ việc liên quan đến khiếu nại về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cơ bản hoàn thành việc thanh tra, kiểm toán kết luận thanh tra, kiểm toán các dự án thua lỗ, thất thoát lớn… đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận.
Xử lý người đứng đầu chưa tương xứng
Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo cho biết, năm nay có 29 người đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Điều này được đánh giá là chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngoài ra, mặc dù Luật PCTN đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, rút tiền của nhà nước…
Năm 2018 vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ việc tiêu cực ngay trong một số cơ quanh bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTN. Theo Báo cáo của VKSNDTC, tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp năm 2018 là 24 vụ/34 bị can. Có thể chỉ ra các vụ như Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát- Bộ Công an) cùng các đồng phạm bị khởi tố, điều tra liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên internet; hay vụ Trịnh Thị Huyền, Kiểm sát viên VKSND TP Thái Nguyên phạm tội nhận hối lộ; vụ Lê Thị Bích Anh, Phó chánh án TAND huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội phạm tội Nhận hối lộ...
Nêu kiến nghị, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.
Theo VOV