Chuyện tổ, chuyện thôn

Đổi thay từ tổ 36 phường Khuê Mỹ

.

Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) Lê Văn Dũng khẳng định địa phương đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tổ 36 phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Giữa cơn lốc đô thị hóa, người dân tổ 36 phường Khuê Mỹ vẫn giữ được không gian xanh của rặng dừa và môi trường xanh, sạch, đẹp.
Giữa cơn lốc đô thị hóa, người dân tổ 36 phường Khuê Mỹ vẫn giữ được không gian xanh của rặng dừa và môi trường xanh, sạch, đẹp.

Từ đường Chương Dương, con đường nhựa được đặt tên Xóm Đồng dài chừng 250m, rộng 6m (chưa tính vỉa hè) chạy cắt ngang Khu căn cứ cách mạng K20, nơi có 70 hộ dân thuộc tổ 36 sinh sống đang ngày một thay da đổi thịt. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang trên nền đất cũ, xen lẫn trong vườn cây xanh mát. Khuôn viên rộng chừng vài hecta có hồ điều hòa, khu vườn dạo, công viên, khu tập thể dục… Ông Hai Thành sống tại khu vực này cho hay, từ khi khu dân cư (KDC) có thêm vườn dạo, hầu như chiều tối nào ông cũng ra đây ngồi nghỉ ngơi, nhìn trẻ con vui chơi, tập thể dục. “Thấy tụi nhỏ ra đây chạy nhảy, nói chuyện, cười đùa, tôi cũng vui lây”, ông Thành nói.

Đưa chúng tôi rảo quanh xóm, Tổ trưởng tổ 36 Trần Văn Minh không giấu niềm vui khi nhiều ngôi nhà mới đang được xây dựng, nâng cấp nhưng vẫn không bị “lệch pha” giữa khuôn viên lịch sử thuộc Khu căn cứ cách mạng K20. Ông nói, sống giữa khu căn cứ cách mạng, địa phương kêu gọi, khuyến khích người dân xây dựng mẫu nhà cấp 4, có không gian sân vườn, cây xanh cùng tường rào, cổng ngõ phù hợp. Đây là một trong những nội dung thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến tại các cuộc họp tổ dân phố.

Cũng theo ông Minh, trên tinh thần giữ khuôn viên Khu căn cứ cách mạng K20, lãnh đạo phường thường xuyên tổ chức đối thoại, vận động người dân không phân lô, bán nền, xây dựng mới trên đất di tích và được người dân đồng tình ủng hộ, dù đất trong khu di tích phần lớn vẫn thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Đây là điểm nổi bật trong công tác dân vận, kêu gọi quần chúng tham gia bảo vệ di tích lịch sử cách mạng trong cơn lốc đô thị hóa.

Từ ngày con đường đất chạy ngang qua Khu căn cứ cách mạng K20 được đặt tên, nâng cấp cao hơn so với mặt đường cũ 2m, hai bên có hệ thống thoát nước tránh ngập, đời sống của các hộ dân tổ 36 cũng thay đổi rõ rệt. Từ vùng thấp trũng, vừa mưa xuống đã ngập, bà con vui mừng khi nhà có số, phố có tên và hơn hết họ ý thức hơn việc chăm chút không gian sống của mình. Ông Trần Văn Minh nói, qua tuyên truyền, vận động, người dân tích cực trồng cây xanh tạo cảnh quan trong sân nhà, giữ vệ sinh môi trường, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở KDC. Nhờ thế, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm hơn trước. Đến nay, đời sống kinh tế dần ổn định, toàn tổ chỉ còn 4 hộ nghèo.

Ông Lê Văn Dũng khẳng định, nền đất tại tổ 36 hiện vẫn thấp hơn đất khu dự án Nam Việt Á khoảng 1m, chính quyền đang tích cực hỗ trợ người dân nâng cốt nền cho bằng KDC mới Nam Việt Á nhằm tránh tù đọng nước trong mùa mưa, bão. Chủ trương này tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.

Theo ông Dũng, mỗi năm, Khu căn cứ cách mạng K20 đón hơn ngàn lượt khách trong nước và 500 lượt khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về các giá trị lịch sử. Không những thế, địa chỉ này còn là điểm học tập, giáo dục truyền thống, tổ chức các chương trình về nguồn của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố… Do đó, việc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, vừa bảo đảm không gian văn hóa, truyền thống cách mạng là vô cùng cần thiết. Nếu công tác dân vận không được chú trọng, việc phá vỡ không gian văn hóa, lịch sử giữa cơn lốc đô thị hóa rất dễ xảy ra.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.