Không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính quy và tại chức

.

Quốc hội thông qua không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

Chiều 19-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12%).

Một trong những vấn đề được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và việc cấp văn bằng, chứng chỉ đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình

Không phân biệt về giá trị văn bằng

Theo bản báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày cho thấy, một số ý  kiến đại biểu đề nghị quy định các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung; giao cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ quyết định hình thức đào tạo; làm rõ nguyên tắc liên thông giữa các hình thức đào tạo; phân biệt văn bằng các trình độ đào tạo tương ứng với hình thức đào tạo; bổ sung trình độ tương đương hoặc trình độ, văn bằng chuyên gia ở một số lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù.

UBTVQH nhận thấy loại hình đào tạo chính quy được quy định trong Dự thảo Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của GDĐH.

Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra.. của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Khác biệt giữa các loại  hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, dự thảo Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.

Liên quan đến đào tạo trong lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về trình độ, văn bằng chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù tại khoản 4 Điều 6, khoản 6 Điều 38.

Các Viện nghiên cứu vẫn được đào tạo tiến sĩ

Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm là vấn đề đào tạo tiến sĩ. Theo đó, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định viện nghiên cứu phải phối hợp với cơ sở GDĐH để thực hiện tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trên thế giới, việc đào tạo tiến sĩ ở các Viện nghiên cứu phổ biến ở các nước Đông Âu. UBTVQH nhận thấy, ở Việt Nam hiện nay có hai Viện hàn lâm khoa học, những viện nghiên cứu khoa học uy tín với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực và có kinh nghiệm, truyền thống đào tạo tiến sĩ. Vì vậy, để tận dụng tiềm lực của đội ngũ tri thức có trình độ cao hiện đang công tác trong các viện nghiên cứu này, Dự thảo Luật quy định cho phép các viện nghiên cứu đã được phép đào tạo trình độ tiến sĩ vẫn được tiếp tục thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật này.

Về giảng viên và người học, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của người học trong việc tuân thủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; việc bảo đảm quyền lợi của người học đã theo học các chương trình đào tạo chưa được kiểm định hoặc kiểm định không đạt.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung thêm khoản 8 Điều 60 về trách nhiệm của người học trong việc tuân thủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Để bảo đảm quyền lợi của người học trong các chương trình đào tạo ở các ngành mới mở, Dự thảo Luật đã quy định cơ sở GDĐH thực hiện đánh giá chương trình trước khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp và phải thực hiện kiểm định chất lượng chương trình ngay sau khi sinh viên khóa đầu tốt nghiệp. Nếu không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc nếu kiểm định không đạt thì cơ sở GDĐH không được tiếp tục tuyển sinh, có trách nhiệm cải thiện các điều kiện để bảo đảm chất lượng chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.