Bộ Chính trị (khóa XII) làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW để chuẩn bị ban hành nghị quyết mới nhằm tạo cơ chế mới, đột phá phát triển Đà Nẵng; “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” tạo bước đà cho kinh tế với vốn thu hút đầu tư FDI tăng gấp 2 lần năm 2017; danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt; Đà Nẵng về đích mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm… là những sự kiện nổi bật của thành phố năm 2018 do Báo Đà Nẵng bình chọn.
1. Bộ Chính trị (khóa XII) làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ngày 13-12-2018. Ảnh: QUỐC KHẢI |
Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị (khóa XII) với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ngày 13-12 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Bộ Chính trị thống nhất đồng ý sẽ ban hành một nghị quyết mới cho Đà Nẵng để phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới”.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, được xem là thành phố đáng sống, là hình ảnh một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh cả về quy mô và tốc độ.
Giai đoạn 2003-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt 10%/năm; so với năm 2003 giá trị GRDP năm 2018 tăng gấp 4,2 lần, ước đạt 63.960 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người tăng gần gấp 7 lần, ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD).
Trong 15 năm qua, thành phố luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức thu ngân sách do Nhà nước giao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 188.740 tỷ đồng, tăng 14,4%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”; trong đó ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 46,7% năm 2003 lên 57,9% năm 2018.
2. Cú hích mạnh từ “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018”
Hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài được xoay trục và đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án động lực về chế tạo phụ tùng máy bay; sản xuất và lắp ráp ô-tô; máy thủy… Trong ảnh: Lắp ráp ô-tô Nissan tại khu Công nghiệp Hòa Khánh Ảnh: Triệu Tùng |
Năm 2018, Đà Nẵng chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”; trong đó tổ chức nhiều hoạt động, ban hành các chính sách… thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố. Thông qua sự kiện “Tọa đàm Mùa xuân”, “Gặp gỡ doanh nghiệp”…, thành phố đánh giá lại tình hình thu hút đầu tư thông qua các điều kiện về nguồn lực con người, đất đai, tài chính và cả những lợi thế cạnh tranh khác; đánh giá toàn diện quy mô, năng lực, loại hình doanh nghiệp (DN)…; trên cơ sở đó tiến hành lựa chọn mô hình phát triển mới cho thành phố, toàn diện cả về kinh tế - xã hội, môi trường mà trong đó, DN là trụ cột chính để xây dựng mô hình phát triển mới, năng động về kinh tế. Thành phố tổ chức và tham gia hàng loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư, các chương trình hợp tác, thu hút đầu tư tại một số quốc gia, thị trường tiềm năng Hoa Kỳ, Canada, Cuba, Qatar, Nam Phi, Sigapore…; tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018).
Hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước được chú trọng. Năm 2018, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 6.340,6 tỷ đồng; có 117 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 153,6 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2017. Lũy kế đến nay, thành phố có 322 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 95.876 tỷ đồng và 670 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.882,4 triệu USD.
3. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng 7,86%
Ngành Du lịch liên tiếp có sự tăng trưởng hằng năm. Ảnh: Thu Hà |
Tình hình kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2018 tiếp tục phát triển với 9 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng khá. Trong đó, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 7,86% so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố ước đạt 39.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2017 (kế hoạch tăng 6 - 7%); tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 26.513,5 tỷ đồng, bằng 102,5 dự toán.
Trong đó, ngành du lịch của thành phố đang ngày càng thể hiện vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2018, Đà Nẵng đón khoảng 7,66 triệu lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2017; trong đó khách quốc tế khoảng 2,87 triệu lượt, tăng 23,3% so với năm 2017, khách nội địa khoảng 4,78 triệu lượt, tăng 11,2% so với năm 2017. Tổng thu từ hoạt động du lịch cả năm 2018 khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2017.
Năm 2018, Đà Nẵng tiếp tục duy trì thứ hạng dẫn đầu cả nước năm thứ 10 liên tiếp về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông; xếp hạng nhì cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI…
4. Đà Nẵng đón nhận danh hiệu Thành phố Xanh quốc gia
Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng nhận Chứng nhận Giải thưởng Thành phố Xanh quốc gia 2018. Ảnh: Triệu Tùng |
Ngày 31-8-2018, thành phố Đà Nẵng đón nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia năm 2018” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bình chọn cùng với 21 thành phố của 21 quốc gia khác.
Thành phố Đà Nẵng được nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia năm 2018” là do từ năm 2008, thành phố đã ban hành và thực hiện đề án Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường. Các mục tiêu và tiêu chí của đề án đều hướng đến các tiêu chí về thành phố xanh mà cộng đồng quốc tế đang thực hiện. Tính đến nay, hầu hết các mục tiêu, tiêu chí của đề án đã thực hiện hoàn thành, nhất là các tiêu chí như: chỉ số ô nhiễm không khí, bình quân diện tích không gian xanh đô thị trên đầu người, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý.
Cùng với đề án nói trên, thành phố cũng đã và đang thực hiện dự án, nhiệm vụ, công trình trọng điểm về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện “Thỏa thuận Paris” về biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, trong đó, chú trọng đến các hành động giảm nhẹ để góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính... Đà Nẵng cũng đã cam kết hành động với mục tiêu giảm 25% phát thải carbon đến năm 2030. Thành phố Đà Nẵng tiếp tục đưa các mục tiêu về thành phố xanh vào các mục tiêu, giải pháp thực hiện đề án Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường.
5. Thực hiện chủ trương mở lối xuống biển, xây dựng đường đi bộ ven biển
Trong năm 2018, thành phố đã hoàn thành 2/5 lối đi bộ xuống biển, tạo thuận lợi cho người dân và du khách tiếp cận bãi biển. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đi kiểm tra việc mở lối xuống biển. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Thực hiện chủ trương của Thành ủy và HĐND thành phố về việc mở lối xuống biển cho người dân, năm 2018, Sở Xây dựng đã thực hiện quy hoạch và triển khai 5 dự án mở lối xuống biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Theo đó, có 2/5 dự án hoàn thành trước ngày 30-12-2018 theo đề nghị của HĐND thành phố.
Các dự án xây dựng lối xuống biển khác như khu vực giữa dự án khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch quốc tế Ariyana; phía bắc dự án Khu du lịch biển The Song; phía nam dự án khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt cũng được khởi công xây dựng vào cuối năm 2018.
Lối đi bộ ven biển khu vực phía đông thành phố được Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập quy hoạch, thiết kế kiến trúc và triển khai lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để triển khai các bước đầu tư xây dựng tiếp theo.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết hiện thành phố đã phê duyệt mở 9 lối đi bộ xuống các vệt bãi biển phía bắc và phía đông thành phố, tạo điều kiện cho người dân và du khách tiếp cận bãi biển thuận lợi.
6. Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế
Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ việc tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức, viên chức cơ quan hành chính. Trong ảnh: Công chức 10 phường thuộc quận Thanh Khê thi tìm hiểu cải cách hành chính. Ảnh: SƠN TRUNG |
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Đà Nẵng đã có những bước đi đầu tiên trong thực hiện; từ đó góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Theo chỉ tiêu giao của Bộ Nội vụ, số biên chế phải tinh giản đến năm 2021 là 202 chỉ tiêu (105%); thành phố đã cắt giảm được 96 biên chế công chức hành chính. Thành phố phấn đấu hoàn thành việc tinh giản biên chế trong năm 2021.
Ở khối sự nghiệp công lập, thành phố đã sắp xếp, chuyển đổi 49 đơn vị thuộc các sở, ngành xuống chỉ còn 21 đơn vị (giảm 28 đơn vị). Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh 10% tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp; khuyến khích các đơn vị có nguồn thu tốt chuyển sang tự chủ chi thường xuyên, cơ chế đặt hàng.
Đối với đơn vị sự nghiệp dịch vụ, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thì thực hiện thu hồi theo lộ trình tinh giản biên chế... Đến nay, lượng người làm việc tại các đơn vị đã giảm 1.798 chỉ tiêu, đạt 91% chỉ tiêu tinh giản biên chế đến năm 2021 do Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định.
Đến nay, 22 sở, ngành, 7 quận, huyện và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố đã được phê duyệt đề án và đang tiến hành tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2021.
Ban Thường vụ Thành ủy đã phê duyệt 25 đề án của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 là 103/957 biên chế được Trung ương giao (đạt 10,76%).
7. Giảm nghèo giai đoạn 2018-2020 về đích trước 2 năm
Đại diện Sở LĐ-TB&XH trao phương tiện sinh kế cho người nghèo, khuyết tật thành phố. Ảnh: Thanh Sơn |
Thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2018-2020, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, về đích trước 2 năm so với đề án. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 9, HĐND khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2020 ban hành quyết định nâng chuẩn hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều. Theo đó, chuẩn hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 1.900.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong năm 2018, thành phố cũng đã đầu tư 79 tỷ đồng sửa chữa, xây mới 2.471 nhà cho các gia đình chính sách. Thành phố còn có những chính sách vượt trội về thực hiện an sinh xã hội trong chương trình “Thành phố 4 an” như: sửa chữa, xây mới nhà ở; đào tạo và giới thiệu việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí... cho hộ nghèo.
8. Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt
Động Huyền Không tại di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: KHẢ THỊNH |
Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam, được trải rộng trên diện tích khoảng gần 2km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn.
Bên cạnh cảnh sắc hùng vĩ do thiên nhiên mang lại, Ngũ Hành Sơn còn là không gian in đậm các giá trị văn hóa, lịch sử có giá trị. Tại đây còn lưu giữ nhiều hiện vật, văn bia liên quan đến văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng Champa...
Ngày 29-3-2018, UBND thành phố khởi công giai đoạn 1 dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải-di tích đặc biệt cấp quốc gia với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố tiếp tục đầu tư khu vực phía nam thành Điện Hải (đường Quang Trung) với kinh phí gần 30 tỷ đồng… Thường trực Thành ủy cũng chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng quảng trường quanh thành Điện Hải.
9. Chấn chỉnh quy hoạch, trật tự xây dựng, đô thị
Việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng như dự án Tổ hợp chung cư và Khách sạn Mường Thanh thể hiện quyết tâm giữ nghiêm kỷ cương trong quản lý đô thị. Ảnh: Triệu Tùng |
Năm 2018, hoạt động quản lý và đầu tư phát triển đô thị được chú trọng. Công tác quản lý đô thị được đổi mới về phân cấp cấp phép xây dựng; quản lý đầu tư xây dựng lẫn trật tự đô thị. Trong đó, kiện toàn lực lượng quy tắc đô thị ở quận, huyện để nâng cao chất lượng công việc, chủ động xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Sở Xây dựng và các quận, huyện chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU ngày 1-11-2017 của Thành ủy về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động. Về quy hoạch đã thực hiện rà soát, chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Đầu tháng 12-2018, Chính phủ đồng ý cho Đà Nẵng lựa chọn Công ty Sakae Corporate Advisory (Singapore) là nhà thầu tư vấn quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Trong năm 2018, Đà Nẵng cũng đã triển khai việc công bố kết quả thanh tra các dự án có sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị…; xử phạt nhiều trường hợp vi phạm; trong đó có những dự án, công trình lớn. Nhiều dự án chậm triển khai được thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch và lập thủ tục thu hồi để đưa vào mục đích phục vụ công cộng và được HĐND thành phố thông qua.
10. Mưa lớn lịch sử, Đà Nẵng ngập trên diện rộng
Nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố ngập sâu từ 0,5- 1m. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió tây trên cao, sau kết hợp với nhiễu động gió đông, tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có mưa lớn lịch sử từ 19 giờ ngày 8-12 đến đêm 10-12-2018 với lượng mưa đo được tại trạm đo mưa Cẩm Lệ lên đến 943mm, Đà Nẵng (đường Trưng Nữ Vương) 852mm, Sơn Trà 617,2mm, Hòa Bắc 655,8mm, Hòa Phú 487,4mm.
Mưa lớn lịch sử vượt quá tần suất thiết kế hệ thống thoát nước trong đô thị làm ngập nước nhiều tuyến đường của khu vực trung tâm của quận Hải Châu, Thanh Khê cùng nhiều khu vực dân cư ở vùng ven thuộc quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang.
Qua thống kê, làm ngập sâu 2.300 nhà dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp ở khu vực đô thị và 340 nhà ở huyện Hòa Vang, trong đó, ngập sâu nhất là tại kiệt 640 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) với độ sâu 1,8m.
Mưa lớn và ngập lụt đã làm thiệt hại hơn 200ha rau, màu và nuôi trồng thủy sản, 30.000 chậu hoa và 285.000 cây cảnh trồng phục vụ Tết; sạt lở 1.600m3 đất, đá của các công trình giao thông, thoát nước, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt…
Ngay trong và sau thời gian xảy ra mưa lớn lịch sử gây ngập úng nặng nề trong đô thị, lãnh đạo thành phố đã kiểm tra các điểm ngập úng, sạt lở và chỉ đạo khơi thông thoát nước, khắc phục sạt lở, ngập úng…; chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả ngập lụt, dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc và khử trùng để tránh xảy ra dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
BÁO ĐÀ NẴNG