Lần đầu tiên tham gia hội thi hiểu biết pháp luật và công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thành phố Đà Nẵng năm 2018, với tư cách trưởng ban giám khảo, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận: “Tôi rất ấn tượng với cả ba đội thi, gồm: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực V.
Cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực V tham gia cổ vũ cho hội thi hiểu biết về pháp luật và công tác an toàn vệ sinh lao động năm 2018. |
Không chỉ ở sự hiểu biết sâu rộng về pháp luật và công tác ATVSLĐ, điều ấn tượng là các đội thi có đầy đủ thành viên lãnh đạo của doanh nghiệp. Điều này phần nào giải thích việc nhiều năm qua cả 3 doanh nghiệp đều bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động cũng như không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về cháy, nổ”.
Lần đầu tiên tham gia hội thi hiểu biết pháp luật và công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thành phố Đà Nẵng năm 2018, với tư cách trưởng ban giám khảo, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận:
“Tôi rất ấn tượng với cả ba đội thi, gồm: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực V. Không chỉ ở sự hiểu biết sâu rộng về pháp luật và công tác ATVSLĐ, điều ấn tượng là các đội thi có đầy đủ thành viên lãnh đạo của doanh nghiệp. Điều này phần nào giải thích việc nhiều năm qua cả 3 doanh nghiệp đều bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động cũng như không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về cháy, nổ”.
Trên bình diện chung, thời gian qua, những doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực V, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng... luôn chú trọng bảo đảm ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN).
Điển hình như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, bên cạnh việc triển khai nghiêm túc các quy định ATVSLĐ-PCCN, đơn vị còn rất thành công với hội thi về chủ đề ATVSLĐ-PCCN của riêng mình. Qua hội thi, cả 7 phân xưởng, bộ phận trong công ty luôn tìm kiếm và sáng tạo nhiều cách tuyên truyên hay, độc đáo, tác động tốt đến ý thức của người lao động trong việc bảo đảm ATVSLĐ-PCCN.
Mỗi năm, đơn vị đầu tư trên 20 tỷ đồng cho công tác này. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực V thực hiện nghiêm túc quy trình bảo đảm ATVSLĐ-PCCN của tổng công ty và chú trọng đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học vào quá trình sản xuất kinh doanh. Chính từ phong trào này, đơn vị đã cho ra đời Hệ thống thu hồi hơi xăng tại các cửa hàng xăng dầu.
Đây được xem “1 mũi tên trúng... 3 đích” khi vừa thu hồi được xăng bay hơi, vừa bảo vệ môi trường, nhất là hạn chế nguy cơ cháy, nổ ở các cửa hàng xăng dầu. Song song đó, đơn vị duy trì thường xuyên công tác diễn tập phòng, chống cháy, nổ để tất cả đều ở chế độ sẵn sàng cao nhất nếu có sự cố đáng tiếc xảy ra.
Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng lại rất đề cao việc giám sát của lãnh đạo bằng cách bố trí tất cả bộ phận văn phòng, lãnh đạo đơn vị chung trong phân xưởng làm việc của công nhân. Cách bố trí đặc biệt này khiến quá trình làm việc, nhất là công tác thực hiện ATVSLĐ-PCCN luôn sát sao, chặt chẽ.
Trong khi các doanh nghiệp lớn quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN, thì các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất tư nhân có phần trái ngược. Việc PCCN ở nhiều doanh nghiệp nhỏ rất sơ sài, dễ dẫn đến mất ATVSLĐ. Điển hình gần đây nhất là vụ cháy ở quán bar Leo Night Club trên đường Lê Duẩn.
Dù không thiệt hại về người nhưng đám cháy ngay khu trung tâm đã uy hiếp sự an toàn của người dân và gây ùn tắc giao thông trong nhiều giờ liền... Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 125 vụ cháy (tăng 100 vụ so với năm 2017) ở nhà dân, trường học và cơ sở kinh doanh. Đáng báo động nhất là ở các công trình xây dựng mà nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ đảm nhận, vấn đề ATVSLĐ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Điểm chung ở các đơn vị này là ít quan tâm đến an toàn trong quá trình lao động của công nhân. Như vụ tai nạn ở công trình xây dựng tại ngã ba Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Hành vào ngày 29-10-2018 khiến một công nhân tử vong do trượt chân trong lúc di chuyển từ tầng 1 lên tầng 4 của công trình. Đây là kiểu tai nạn rất phổ biến bởi nhiều công trình không có hàng rào che chắn, lan can bảo vệ theo quy định.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 57 vụ tai nạn lao động, làm chết 61 người. Tuy nhiên, năm 2016 đã tăng vọt lên 93 vụ, làm chết 10 người; năm 2017 xảy ra 79 vụ làm chết 16 người, 14 người bị thương. Thế nhưng, đây chưa phải là con số thống kê chính xác tất cả số vụ tai nạn lao động, vì có không ít vụ xảy ra mà người quản lý lao động và người lao động tự giải quyết hay “ém” thông tin.
Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh lưu ý: “Công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN thời gian qua dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng chưa thể an tâm, nhất là ở các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Ở các đơn vị này vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là việc bảo đảm môi trường làm việc an toàn, phòng ngừa cháy, nổ. Vì vậy, thời gian đến, cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu tâm kiểm tra các đơn vị này”.
Bài và ảnh: THANH VÂN