Những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; từ đó, góp phần tạo lập môi trường hành chính theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử được triển khai có hiệu quả, đồng bộ đã góp phần thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính, hiện đại hóa nền công vụ. TRONG ẢNH: Bộ phận “một cửa” UBND huyện Hòa Vang. |
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Nhiều năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát khác nhau để đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (ND, DN).
Theo đó, đối với chất lượng dịch vụ hành chính công: 85% người dân, doanh nghiệp hài lòng thông qua khảo sát Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của ND, DN năm 2017 (SIPAS) do Bộ Nội vụ tổ chức; 80% người dân hài lòng đối khi thực hiện các thủ tục phức tạp về đất đai, xây dựng (khảo sát riêng các lĩnh vực này do Trung tâm Thông tin Dịch vụ công thực hiện năm 2017); 99% ND, DN hài lòng thông qua khảo sát trực tuyến năm 2017.
Đối với chất lượng dịch vụ công: 80% ND hài lòng với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi…
Để có được quả ngọt này, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách, giải pháp quan trọng, đột phá, sáng tạo trong công tác CCHC, tác động tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố, cải thiện đáng kể chất lượng phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Như Hoa, từ năm 2012, thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, triển khai các hình thức hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố; thường xuyên kiểm tra hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tại UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố; thu hút 12 người có trình độ đại học luật loại giỏi để bố trí chuyên trách công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị theo quy định.
Nhờ đó, trình độ năng lực đội ngũ CBCCVC làm công tác văn bản đã được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL tại địa phương. Tỷ lệ văn bản ban hành không thông qua thẩm định đã giảm từ 16% vào năm 2011 xuống còn 1,4% vào năm 2017 và 0% vào năm 2018. 100% văn bản QPPL đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống http://vbpl.vn”.
Song song, từ năm 2011 đến nay, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cuộc vận động 3 hơn (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) trong CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, toàn thành phố có 3.162 TTHC đã được rà soát, đơn giản hóa (so với giai đoạn từ năm 2001 - 2010 là 3.170 TTHC).
Trong đó, nhiều đơn vị đã đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết 20% TTHC. Đến nay, thành phố đã hoàn thành cơ sở dữ liệu TTHC với 1.292 thủ tục đối với các sở, ngành, quận, huyện, bao gồm các quy trình, thủ tục phức tạp, như: tiếp cận đất đai, giải quyết các TTHC liên quan giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư.
Bên cạnh đó, cơ chế một cửa được triển khai có hiệu quả đồng bộ cả ba cấp: thành phố, quận/huyện và phường/xã. Cơ chế một cửa liên thông được duy trì hiệu quả tại 100% phường, xã; 100% quận, huyện và có 16/18 sở, ngành thực hiện cơ chế một cửa liên thông, đạt tỷ lệ 88%.
Đến nay, thành phố đã ban hành 15 đề án liên thông, liên kết trên nhiều lĩnh vực quan trọng, điều chỉnh 76 TTHC, nâng tổng số thủ tục liên thông, liên kết ở 3 cấp chính quyền lên 118 thủ tục.
Nâng cao đạo đức công vụ
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng chia sẻ, để công tác CCHC đạt hiệu quả, định kỳ hằng năm, công tác kiểm tra đánh giá, xếp hạng, xếp loại kết quả thực hiện CCHC được duy trì nhằm mục đích khen thưởng, biểu dương những đơn vị làm tốt cũng như phê bình, chấn chỉnh những đơn vị còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thành phố thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, đạo đức công vụ của CBCCVC, kỷ luật, kỷ cương và lề lối làm việc tại các cơ quan, đơn vị.
Trong năm 2018, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức kiểm tra nhằm xây dựng nền nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ pháp luật trong hoạt động công vụ. UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra công vụ về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tác phong làm việc; tính chuyên nghiệp và thực hiện quy tắc ứng xử của CBCCVC; về thực hiện quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Qua kiểm tra, nhiều sai phạm trong công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC cũng như trong quản lý CBCCVC đã được phát hiện và chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Công tác hậu kiểm cũng ngày càng được quan tâm, chú trọng để bảo đảm các kiến nghị kiểm tra được nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy (kể cả khối hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập) được kiện toàn theo hướng 4 “giảm”, gồm: giảm đầu mối (13 đơn vị sự nghiệp công lập và 103 đơn vị cấp phòng); giảm 117 vị trí lãnh đạo, quản lý; giảm biên chế (thu hồi 12 biên chế công chức, 58 chỉ tiêu số lượng người làm việc; giải quyết cho 32 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; chấm dứt hợp đồng lao động đối với 13 người); giảm kinh phí từ ngân sách (ước giảm 9,4 tỷ đồng/năm).
Bên cạnh đó, ông Võ Ngọc Đồng cho hay, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước cũng là điểm nhấn trong công tác CCHC tại thành phố, được triển khai ngày càng đồng bộ từ chính quyền cơ sở đến thành phố, từng bước hình thành một chính quyền điện tử hiện đại, thông minh. Mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố ngày càng mở rộng về phạm vi giữa cả 3 cấp phường, xã, quận, huyện và thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố 100% cơ quan (trừ UBND huyện Hoàng Sa) đã có mạng số liệu chuyên dùng riêng của chính quyền thành phố (MAN) và kết nối Internet tốc độ cao; cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tại cơ quan, đơn vị, bảo đảm số lượng máy tính bình quân trên một công chức. Về ứng dụng, đã có hơn 300 phần mềm chuyên ngành được đơn vị sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, kết quả CCHC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu mong đợi của nhân dân thành phố. Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, công tác CCHC từ nay đến năm 2020, định hướng đến 2025 cần tập trung hướng đến các mục tiêu: tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBCCVC; tiếp tục đơn giản hóa TTHC; nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ công có chất lượng ngày càng tốt hơn hướng đến một nền công vụ minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp...
Bài và ảnh: TRÂM ANH