11 giờ ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng, báo hiệu dấu chấm hết cho sự tồn tại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại khu căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, lá cờ của Mặt trận đã được Đội công tác B1-Hồng Phước kéo lên tại hội đồng xã Hòa Khánh (nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) từ trước đó.
Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay tại trụ sở Hội đồng xã Hòa Khánh ngày 29-3-1975, hiện được trưng bày tại Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1-Hồng Phước. |
Ông Dương Thành Thị, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu, nguyên đội viên đội công tác B1-Hồng Phước nhớ lại: ngay từ đêm 28-3-1975, hỏa lực pháo binh của Quân Giải phóng từ đèo Mũi Trâu (Hòa Bắc, Hòa Vang) bắn cấp tập vào sân bay Đà Nẵng. Sáng ngày 29-3-1975, các mũi tiến công của quân ta từ các hướng tiến về nội thành.
Trên hướng bắc và tây bắc thành phố, lực lượng Quân đoàn 2 chia thành hai mũi. Mũi thứ nhất theo đường số 1 qua đèo Hải Vân vào; mũi thứ hai theo đèo Bạch Mã vào đường 14B nối dài (nay là đường 602) Tà Lang, qua đèo Mũi Trâu xuống Quan Nam siết chặt vòng vây quân địch tại Đà Nẵng.
Trước diễn biến khẩn trương của tình hình chiến sự, Quận ủy Quận Nhì (Đà Nẵng) đã chỉ đạo các lực lượng cách mạng tại các khu phố nhanh chóng thành lập các Ban khởi nghĩa để chờ thời cơ nổi dậy giành chính quyền.
Sáng 29-3-1975, địch tại Đà Nẵng ở trong tình trạng rối loạn tột độ. Binh lính vứt bỏ quân trang, quân dụng dọc quốc lộ 1A để chạy thoát thân. Ngay từ đêm trước, biết bộ đội chủ lực về, các tổ chức cơ sở bàn bạc phương án xuống đường nổi dậy, phối hợp với bộ đội để giành chính quyền.
Sáng 29-3-1975, được sự phân công của tổ chức, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hòa Khánh tại căn cứ lõm B1-Hồng Phước Phạm Đình Khôi cùng đội viên Đội công tác B1-Hồng Phước Dương Thành Thị có lệnh lên đường làm nhiệm vụ. “Khi lên xe, anh Khôi giao cho tôi khẩu súng K59 và nói với tôi là đi chiếm lĩnh trụ sở hội đồng xã Hòa Khánh, tức trụ sở UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu bây giờ.
Chúng tôi có nhiệm vụ hạ cờ “3 que” của địch xuống, treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ ở trước sân hội đồng”, ông Dương Thành Thị kể. Lúc này, lực lượng của ta đã vượt đèo Hải Vân đến khu vực Nam Ô, Xuân Thiều.
Địa bàn xã Hòa Khánh vẫn do địch quản lý. Chiếc xe Honda 67 do ông Phạm Đình Khôi cầm lái, đưa hai người hòa vào dòng người đang háo hức xuống đường, lao nhanh đến trụ sở hội đồng xã Hòa Khánh.
Ông Dương Thành Thị kể về khoảnh khắc kéo lá cờ khẳng định chủ quyền trong ngày 29-3-1975. |
Ông Thị trầm ngâm hồi tưởng: “Tôi nhớ mãi khi gần đến trước cổng trụ sở hội đồng xã, có một bà lão đang đặt một gánh gạo bên vệ đường. Chân tôi không may vướng phải, vội nhảy xuống xin lỗi. Bà lão khoát tay ra hiệu cho chúng tôi lên xe đi tiếp”.
Đến trước trụ sở hội đồng, để bảo đảm an toàn, hai người đi vòng quanh bên ngoài quan sát tình hình địch. Thấy súng đạn, quân trang của chúng vứt ngổn ngang, nhận định tình hình đã yên, ông Phạm Đình Khôi phân công ông Dương Thành Thị nhanh chóng hạ cờ “ba que” và treo lá cờ Mặt trận giải phóng được ông Khôi chuẩn bị sẵn lên cột cờ trước sân hội đồng.
Trong lúc ông Dương Thành Thị đang loay hoay gỡ lá cờ ra khỏi trụ thì được một cơ sở tên là Quý do tổ chức phân công đến giúp đỡ. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, lá cờ “nửa đỏ, nửa xanh” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được đội viên Đội công tác B1-Hồng Phước kéo lên, phần phật tung bay trên vùng trời tây bắc Hòa Vang.
Theo các nguồn sử liệu, đây là lá cờ đầu tiên được kéo lên cột cờ tại một cơ quan ngụy quyền vừa được quân ta chiếm lĩnh ở Đà Nẵng trong ngày đầu giải phóng thành phố.
Nhưng lúc đó, tại trụ sở hội đồng xã Hòa Khánh còn có một lá cờ khác của cảnh sát ngụy cắm chéo từ lan can, muốn hạ xuống phải có thang. Tình hình chiến sự đang khẩn trương, ông Dương Thành Thị vội nhặt lấy khẩu súng M16 của địch bỏ lại bắn gãy cán cờ.
Sau đó, hai người thu vũ khí của địch bỏ lại, tự trang bị cho mình rồi tiến hành kiểm soát kỹ lưỡng toàn bộ trụ sở hội đồng. Khoảng 9 giờ, bộ đội và cơ sở đã đến nơi tiếp ứng. Bàn giao trụ sở, công việc cho cán bộ đến sau, ông Khôi và ông Thị tiếp tục hành tiến về nội thành Đà Nẵng.
“Khoảng 16 giờ ngày 29-3-1975, chiếc máy bay cuối cùng chở quân địch rời khỏi phi trường Đà Nẵng. Chính quyền đã chính thức thuộc về cách mạng”, nguyên đội viên Đội công tác B1-Hồng Phước Dương Thành Thị bồi hồi kết thúc câu chuyện về 44 năm trước.
NGUYỄN SỸ LONG