Tôi gặp ông tại một đám cưới gia đình bên ngoại. Sau chén tạc, chén thù, biết tôi là nhà báo, ông bảo hôm sau đến nhà ông chơi, ông cho xem một thứ hay lắm. Tôi vặn hỏi, ông nói, cứ đến rồi hay! Ông bảo tuổi thực là 76, tuổi giấy tờ thì khai năm 1948; thế nhưng, ông vẫn tráng kiện so với tuổi.
Ông là Hồ Duy Lệ, cựu Đại tá Công an. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là cán bộ điệp báo của Cơ quan An ninh Quận Nhì (nay là quận Thanh Khê). Thấy tên mình trùng với tên của một nhà báo được nhiều người biết đến (nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam), ông đổi lại thành Hồ Văn Lệ. “Cho nhiều người đỡ thắc mắc, tưởng mình ăn theo tên người nổi tiếng”, ông bảo thế.
Ông hiện sống tại tổ 10, khu Tân Ninh A, phường Tân Chính (quận Thanh Khê). Cái mà ông muốn cho tôi xem là một bức ảnh chụp từ tháng 10 năm 1968 gồm ông và 5 đồng chí của mình. Điều đặc biệt, bức ảnh ấy từng lọt vào tay của CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) và trở thành tài liệu để chúng truy tìm, tầm nã những người chiến sĩ cộng sản ở trong hình.
Bức ảnh chụp năm 1968 tại Hòn Tàu, rơi vào tay giặc, trở thành tài liệu để CIA tầm nã những người hoạt động điệp báo trong tổ kỹ thuật, đơn vị An ninh Quận Nhì (Ông Lệ ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC |
Từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ 20, ông Lệ là thành viên tích cực trong hoạt động phản chiến của phong trào học sinh - sinh viên ở thành phố Đà Nẵng. Đến năm 1965, ông bắt đầu thoát ly, tham gia hoạt động cách mạng tại đơn vị An ninh Quận Nhì, Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà. Đơn vị An ninh Quận Nhì Đà Nẵng thành lập từ tháng 11-1967.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc mới thành lập là chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ban An ninh thành lập tổ kỹ thuật chuyên làm các loại giấy tờ giả của địch để tạo thế hợp pháp cho cán bộ, chiến sĩ, giao liên ra vào thành phố hoạt động dễ dàng. Ông Lệ được Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban An ninh Quận Nhì Nguyễn Kim Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ này.
“Khi mới được giao nhiệm vụ, tôi hơi lo lắng vì mọi thứ còn mới mẻ quá, trong khi chiến dịch tiến công đã cận kề. Các loại giấy tờ cần làm lúc đó là thẻ căn cước, thẻ cư trú, tờ khai gia đình, khai sinh, biên nhận làm thẻ căn cước, “Sự vụ lệnh” (một loại tờ lệnh) của An ninh, quân đội, cảnh sát, giấy hoãn quân dịch… Phải chính xác, tỉ mỉ, giống như của địch mới không bị phát hiện, dễ dàng qua mắt”, ông Lệ hồi tưởng.
Sau khi thành lập tổ kỹ thuật, ông Hoàng Minh Thiện (khắc dấu và làm giả chữ ký) và ông Nguyễn Văn Đức (chụp ảnh) được giao xuống cùng phối hợp với ông Võ Kế (lồng ảnh vào các loại thẻ).
Sau năm 1970, ông Lệ cùng đồng đội nghiên cứu làm con dấu “dã chiến” và các giấy tờ vẽ lên giấy in qua khống chỉ. Với phương pháp này, công việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Công việc đưa tổ kỹ thuật theo sát các đồng chí lãnh đạo Quảng Đà, Quận ủy, Quận đội, Biệt đội Lê Độ… phục vụ các chiến dịch Tết Mậu Thân, X1, X2 xuân Kỷ Dậu 1969 và nhiều chiến dịch khác.
“Giấy tờ làm cho lãnh đạo các cấp, các ngành đóng vai thương gia, công chức, linh mục, sĩ quan ngụy, cảnh sát để vào thành phố chỉ đạo cơ sở, trinh sát, biệt động đánh Đài phát thanh Đà Nẵng, Quân vụ thị trấn, các Chi Cảnh sát quận Nhất, quận Nhì, quận Ba, đồn cảnh sát Hoàng Diệu, các trận đánh ở Nhà mẹ Nhu, 7 dũng sĩ Thanh Khê… đã góp phần diệt bọn ác ôn đầu não. Đặc biệt, có lần, chúng tôi làm giấy tờ giả cho ông Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa), Bí thư Quận ủy quận Nhất sử dụng “Sự vụ lệnh” của Tổng trưởng Thông tin chiêu hồi Việt Nam Cộng hòa và thẻ căn cước, ông Ngô Tấn Kháng đóng vai đại úy Quân đội Việt Nam Cộng hòa vào thành phố chỉ đạo công tác nhưng cảnh sát ngụy nhận dạng được, buộc các vị lãnh đạo phải lánh vào cơ sở ở chợ Cồn để trở về căn cứ an toàn”, ông Lệ kể.
Về lai lịch và hành trình của “bức ảnh nổi tiếng”, ông Lệ tâm sự, hồi tháng 10-1968, cả tổ kỹ thuật chụp ảnh chung để làm tư liệu cho tổ cũng như đơn vị An ninh Quận Nhì. Sau khi chụp, bức ảnh được sao làm nhiều bản, trong đó có một bản được gói gém cất vào một thùng đựng đạn.
Tháng 10-1970, Lợi - trinh sát B3 (điệp báo và an ninh đô thị) chiêu hồi đã chỉ điểm cho địch biết căn cứ của Đặc khu ủy và Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà tại Hòn Tàu (Duy Xuyên -Quảng Nam). Sau đó, địch đổ bộ, vây hãm căn cứ hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Chính trong đợt tập kích này, địch thu được số tài liệu của đơn vị, trong đó có bức ảnh chụp 6 người trong tổ kỹ thuật.
Sau đó, được những người chiêu hồi nhận dạng, CIA và Ty Cảnh sát quốc gia Đà Nẵng phát lệnh tầm nã đặc biệt. Nếu ai cung cấp tin tức, bắt sống hoặc giết chết những người trong hình (trong đó có ông Lệ) sẽ được thưởng lớn.
6 người trong hình, ông Thân và ông Thưởng hy sinh thời chiến tranh, người còn lại, sau giải phóng, về công tác tại cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cho đến khi về hưu. Hiện, ông Đức đã mất, 3 ông còn lại vẫn sinh hoạt ở CLB Công an hưu quận Thanh Khê.
Bây giờ, ông Lệ lưu giữ bức ảnh như kỷ niệm một thời chinh chiến. Có được bức ảnh này, là nhờ sau khi chiến tranh kết thúc, những người chiêu hồi phía bên kia mang về tặng lại ông Lệ.
Sau năm 1975, ông Lệ trở về công tác tại Phòng Tổ chức-Tổng hợp Công an Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) cho đến năm 1993 thì nghỉ hưu theo chế độ. Trở về đời thường, ông tiếp tục công tác cống hiến cho địa phương, liên tục 20 năm làm bí thư chi bộ khu dân cư. Ông cũng nhiều năm liền làm Phó Chủ nhiệm CLB Công an hưu trí quận Thanh Khê.
“Hơn 50 năm trôi qua, nhớ lại những trận đánh năm xưa, đồng đội có người ngã xuống, có người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có người là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy… nhưng kỷ niệm về một thời hoa lửa, chiến đấu hào hùng, đầy hy sinh, gian khổ thì không bao giờ quên được”, ông Lệ khởi nhớ khi tiễn tôi ra về...
TRỌNG HUY