Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang: Mãi đẹp trong ký ức

.

Ở chiến trường Quảng Đà, từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1946 đã bắt đầu hình thành Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, nơi đứng chân của lực lượng cách mạng, khi ở đồng bằng, khi lui về vùng giáp ranh hoặc lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng núi thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Dù nằm ở đâu, khu căn cứ đều phải chấp hành quy định “đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không ra tiếng”; phải bảo đảm tính bí mật, an toàn và hiệu quả trong việc theo sát, chỉ đạo tác chiến của bộ máy lãnh đạo đối với phong trào cách mạng tại địa phương. Trong ký ức người còn sống, những năm tháng ấy luôn đẹp và rất đỗi tự hào.

Hiểu về giá trị lịch sử của Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình.
Hiểu về giá trị lịch sử của Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình.

1. Ở chiến trường khu 5, huyện Hòa Vang là địa bàn trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Ông Phạm Vĩnh Phú, nguyên cán bộ Văn phòng Khu II Hòa Vang nhớ lại, ngay những ngày đầu xâm lược, Mỹ - ngụy đã tập trung đánh chiếm vùng giải phóng ở tây, tây bắc, vùng trung và đông Hòa Vang với mục đích vừa thăm dò, vừa tiêu diệt, đồng thời thiết lập những cứ điểm tiền tiêu có tính liên hoàn như: Đông Sơn, Bà Nà (Hòa Ninh); Đồi 397 (Hòa Nhơn); Gò Cà, Gò Hà, Gò Cao (Hòa Khương).

Cùng với đó, Mỹ - ngụy tập trung xây dựng các sân bay dã chiến như Nước Mặn (Ngũ Hành Sơn), Xuân Thiều (Liên Chiểu), kho hậu cần Bàu Mạc, trạm tên lửa Hawk Phước Tường, các trận địa pháo Hòa Cầm, Non Nước… “Nhằm bảo vệ Đà Nẵng, căn cứ hỗn hợp hải, lục quân lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đặt ở Hòa Vang 49 trong tổng số 82 cứ điểm quân sự toàn địa bàn tỉnh Quảng Đà; có nơi quân số Mỹ gấp 3-4 lần dân số của một xã như Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn)”, ông Phú cho hay.

Cũng theo ông Phú, ở Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, đời sống và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ vô cùng khó khăn. Các điểm cao chiến lược đều bị Mỹ đổ quân chiếm đóng, hành lang đi lại của ta ở phía tây Hòa Vang gần như bị ngăn chặn hoàn toàn.

Ban ngày, dưới mặt đất, biệt kích lùng sục vào căn cứ, kho tàng để phá hoại. Trong rừng, “cây nhiệt đới” mà Mỹ thả vào đó được xem là sát thủ điện tử có bộ cảm ứng thu các chấn động, truyền lên không trung cho các máy bay trinh sát nhận và chuyển tiếp về trung tâm chỉ huy phân tích. Nó không khác gì loại tắc kè giỏi ngụy trang, chìm lẫn vào cây lá, hoặc treo lơ lửng trên ngọn cây nên rất khó phát hiện.

Giữa tình thế ấy, để thống nhất chỉ đạo, phối hợp và phục vụ các hoạt động trong đợt tổng tấn công, tháng 9-1967, Thường vụ Khu ủy 5 quyết định hợp nhất Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng thành Đặc khu ủy Quảng Đà.

Tháng 10-1967, Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định chia Hòa Vang làm 3 khu, trong đó khu I gồm các xã cánh Bắc, khu II gồm các xã cánh Trung, khu III gồm các xã cánh Đông. Trong đó, Khu ủy Khu II có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Bí thư và Phó Bí thư.

Được biết, việc xây dựng căn cứ của bộ đội ta thường dựa vào các hang đá nằm dọc triền núi ở các con suối cạn. Những năm kháng chiến, không ngày nào địa bàn Khu ủy Khu II không có tiếng bom rơi, đạn nổ. Mỗi lần địch “hàn ranh” (đổ quân chốt giữ hành lang đi lại, lên xuống của ta) bộ đội ta càng thêm đói.

Ngay cả Văn phòng Khu ủy, tiêu chuẩn ăn trong ngày cho mỗi người chỉ dưới 600 gam gạo (chưa được ¼ lon) nên buổi sáng nhịn, trưa ăn chén cháo, chiều ăn lưng chén cơm, nhờ ăn độn với các loại rau rừng mà cầm bữa.

Trong ký ức của mình, ông Phú không thôi xót lòng khi kể lại những ngày đói khát, bộ đội muốn có cái ăn phải “mở đường máu” xuống đồng bằng lấy gạo. “Tôi vẫn không thể nào quên ngày 17-2-1969 (mồng 2 Tết Kỷ Dậu), bộ đội thọc sâu xuống vùng Thủy Tú lấy gạo bị địch phục kích, tất cả 21 đồng chí đều hy sinh; có mũi 52 đồng chí đi lấy gạo, khi về đến căn cứ chỉ còn 6 đồng chí”, ông Phú trải lòng.

2. Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44 Quảng Đà đúc kết quãng đời hoạt động cách mạng tại chiến trường Quảng Đà bằng 4 từ “đói, đau, đạn, địch”.

Theo ông, huyện Hòa Vang thời kỳ 1954-1975 có diện tích rất lớn, khoảng 85km2, gần 86% là đồi núi. Phía đông Hòa Vang tiếp giáp Đà Nẵng; phía tây giáp huyện Hiên, đông Trường Sơn; phía bắc giáp Hải Vân, Bạch Mã, Tà Lang… Nằm ở vị trí chiến lược, Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang trở thành chỗ dựa vững chắc để Đặc khu ủy Quảng Đà lãnh đạo cuộc cách mạng đến ngày toàn thắng.

Trước yêu cầu của chiến trường miền Nam khi Mỹ đổ quân trực tiếp tham chiến Việt Nam, cuối năm 1966, đầu năm 1967, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn Pháo binh 368B, được tách ra từ Lữ đoàn 368 thuộc Bộ Tư lệnh Đại đoàn 3 pháo binh 51, khi vào đến chiến trường Quảng Đà được mang tên Đoàn pháo binh 575.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Đại đoàn Pháo binh 351 tổ chức tiếp nhận vũ khí do Liên Xô viện trợ và đã cải tiến cho phù hợp với điều kiện chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Theo Đại tá Phạm Văn Dưỡng, Trưởng ban liên lạc Đoàn Pháo binh 575 Mặt trận 44 Quảng Đà, thời điểm này, Hòa Vang trở thành hậu cứ đầu tiên của Trung đoàn pháo binh 575. Đơn vị đi đến đâu cũng được bà con nhân dân hết lòng chăm lo, nuôi dưỡng. Mỗi gia đình nhận 1-2 người để nuôi dưỡng ăn, ở, đi lại, liên lạc, hoạt động, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm đặc biệt cho nhiệm vụ chiến đấu.

“Tính đến tháng 7-1967, Trung đoàn có 36 khẩu pháo và 200 viên đạn ĐKB, số đạn trên chủ yếu do người dân Hòa Vang hỗ trợ vận chuyển. Từ sự hỗ trợ tích cực này, ngày 14-7-1967, Trung đoàn Pháo binh 575 có trận đánh lớn đầu tiên vào sân bay Đà Nẵng, diệt 548 tên địch, phá hủy 87 máy bay, 250 xe quân sự, 1 kho đạn, đốt cháy 7 triệu lít xăng khiến sân bay Đà Nẵng tê liệt hoàn toàn trong 7 ngày. Được cổ vũ, đơn vị liên tục lập nhiều thành tích, chiến công mới, kiên cường bám trụ, chiến đấu đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975”, ông Dưỡng tự hào nhớ lại.

3. Với vai trò to lớn của Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, giữa năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang và Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang”.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử góp tiếng nói nhằm giúp huyện Hòa Vang củng cố nguồn tư liệu lịch sử quý giá cũng như giúp giới trẻ có cái nhìn toàn cảnh hơn về khu căn cứ địa cách mạng này.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng đánh giá, việc tổ chức hội thảo đã tập trung 3 nội dung chủ yếu, như cung cấp những chi tiết mới chưa từng công bố về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển khu căn cứ; phân tích mối quan hệ giữa khu căn cứ với các huyện, xã lân cận, với chiến khu Trung Mang và đồng bào dân tộc ít người, với các căn cứ lõm ở đồng bằng; đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của khu căn cứ trong công cuộc xây dựng Hòa Vang giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.

Cũng theo ông Tiếng, nghĩ về Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, có hai hướng để tư duy: tư duy về quá khứ và tư duy về tương lai. Tư duy về quá khứ để thấu hiểu một thế hệ người Hòa Vang trong kháng chiến đã chịu đựng gian khổ, hy sinh như thế nào và tư duy về tương lai để hình dung Hòa Vang sẽ tiếp nối truyền thống lịch sử, tiếp tục sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Văn Toàn, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, giáo dục lịch sử đấu tranh của cách mạng cho thế hệ trẻ là sự cần thiết, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là việc cần làm và phải được làm tốt. “Việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào về quê hương, vùng đất mình sinh sống là điều cần thiết nhằm giúp giới trẻ nâng cao nhận thức, lối sống, nâng cao ý thức về trách nhiệm xã hội, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, gắn tình yêu gia đình, hàng xóm với tình yêu quê hương đất nước để từ đó tiếp tục phát huy nhân cách, đạo đức tốt đẹp của đất và người Hòa Vang”, ông Lê Văn Toàn nhấn mạnh.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.