Thành tựu từ giảm nghèo bền vững

.

Gia đình 7 người của ông Nguyễn Ngọc Thạch chen chúc nhau trong ngôi nhà cấp 4 rộng 31m2 ở số 250/2 Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê)… ngủ bởi không gian chật hẹp. Cũng vì vậy, danh sách hộ nghèo bao giờ cũng có tên hộ của ông.

Ông Thạch tâm sự: “Tôi chạy xe ôm, vợ bán bún nên thu nhập chỉ đủ xoay xở qua ngày. Nhà chật chội, xuống cấp nhưng chúng tôi chẳng dám mơ về nơi ở mới khang trang hơn. Dịp sau Tết Kỷ Hợi, thông qua sự giới thiệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tam Thuận, tôi được Công ty CP Xuất nhập khẩu Đầu tư Phạm Gia ủng hộ 280 triệu đồng để xây một căn nhà mới 2 tầng. Gia đình tôi mừng lắm, thao thức nhiều đêm liền. Hiện, căn nhà đang mở móng và  khoảng 1 tháng nữa sẽ hoàn thành. Chúng tôi sẽ lấy đó làm động lực để vươn lên thoát nghèo”.

Hộ nghèo quận Sơn Trà nhận xe nước mía để mưu sinh do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà trao tặng.
Hộ nghèo quận Sơn Trà nhận xe nước mía để mưu sinh do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà trao tặng.

Theo bà Hồ Thị Ly Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tam Thuận, trường hợp được giúp thoát nghèo như ông Nguyễn Ngọc Thạch khá phổ biến ở địa phương trong thời gian qua. Chủ trương của chính quyền địa phương là không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng của công tác giảm nghèo, tức là tránh tình trạng tái nghèo.

“Chúng tôi giúp cái họ cần, họ thiếu và phân công từng đoàn thể, tổ chức “bám” chặt từng trường hợp để kịp thời giúp đỡ họ thoát nghèo. Nhờ vậy, năm 2018, phường đã xóa 80 hộ nghèo. Riêng chuẩn nghèo năm 2019 đã nâng lên nên số lượng hộ nghèo cần xóa cũng khoảng chừng đó. Chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực giúp người dân thoát nghèo bền vững với những cách làm rất thiết thực”, bà Lan nhấn mạnh.

Cũng với cách làm “chậm và chắc” như vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) Nguyễn Thu cho biết, vài năm gần đây, xã Hòa Châu không những đạt chỉ tiêu xóa nghèo mà còn bảo đảm tránh tình trạng tái nghèo. Với giải pháp trao “cần câu”, hiệu quả giảm nghèo khá vững chắc. Bên cạnh sáng kiến mỗi thôn thành lập tổ góp vốn cho hộ nghèo vay (từ 10-15 triệu đồng) để sản xuất kinh doanh, xã còn tranh thủ được sự giúp đỡ của một số doanh nghiệp, cá nhân về việc làm ổn định cho các trường hợp khó khăn. Chỉ riêng Công ty May Tuấn Tài đã nhận trên 50 lao động của địa phương. Hoặc bà Ngô Thị Hồng ở thôn Cẩm Nam, thông qua sự giới thiệu của Mặt trận cũng nhận 5 lao động nữ thuộc diện hộ nghèo vào làm việc sơ chế vải cũ để may màn; nhờ vậy, những hộ này thoát nghèo bền vững.

Từ 23.276 hộ nghèo ở thời điểm đầu năm 2016, đến cuối năm 2018, thành phố đã đưa số hộ nghèo xuống còn 2.300 hộ. Điều này cũng có nghĩa Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã về đích trước 2 năm. Điều đáng mừng hơn là trong quá trình giảm nghèo đó, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của chính quyền thành phố, các địa phương đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, không những giảm hộ nghèo mà còn bảo đảm tránh tái nghèo.

Chia sẻ thêm về cách làm này, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Đoàn Ngọc Sơn cho biết: Năm 2016, quận có 2.144 hộ với 9.096 nhân khẩu thuộc diện nghèo, nhưng đến tháng 10-2018, địa phương đã xóa được hết các hộ nghèo này. Kết quả đạt được là nhờ quận sâu sát từng hộ dân, trên tinh thần tổ chức đối thoại đến tổ dân phổ để lắng nghe người nghèo cần gì; từ đó, mọi sự giúp đỡ đều đúng nội dung, địa chỉ và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, quận còn chú trọng đến hỗ trợ các tiêu chuẩn theo hộ nghèo đa chiều để giúp người dân về giáo dục, y tế, nước sạch, nhà vệ sinh, bảo hiểm xã hội... Nhờ vậy, người dân có đủ sức thoát nghèo vững chắc, giảm thiểu tình trạng tái nghèo.

Đây cũng chính là cơ sở để giai đoạn 2019-2020 thành phố đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động của thành phố là 3,45%, hộ cận nghèo còn 1,5% so với dân số thành phố.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2019-2020 mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phấn khởi cho biết: “Chúng ta nâng chuẩn hộ nghèo cao hơn quy định của Trung ương nhưng hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, thành phố đã huy động được nguồn lực rất lớn từ ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là cách làm sáng tạo ở từng địa phương…; qua đó, giúp hộ nghèo không chỉ thoát nghèo mà còn giảm được nguy cơ tái nghèo. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều sáng kiến về giảm nghèo được cụ thể đến từng hộ chứ không chung chung. Cũng là trồng nấm nhưng mỗi hộ dân quy mô, hình thức khác nhau; cũng là hỗ trợ mở tạp hóa nhưng mỗi tiệm có cách chọn mặt hàng khác nhau để kinh doanh… Đó là ví dụ cho thấy các hộ nghèo được hỗ trợ về vốn và cả kiến thức sản xuất, kinh doanh”.

Không có “đơn thuốc” dùng chung cho tất cả hộ nghèo “chữa bệnh” mà tùy theo nhu cầu thực tế, khả năng hoàn cảnh của từng gia đình để xóa nghèo phù hợp. Bước đi này đã thành công và hy vọng trong thời gian đến sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả để tiến đến thành phố không còn hộ nghèo!

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.