60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

Những năm tháng không quên

.

Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là con đường lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, non sông thu về một mối.

Cựu thanh niên xung phong chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt 60 năm mở đường Hồ Chí Minh do Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20-4-2019.Ảnh: AN NHIÊN
Cựu thanh niên xung phong chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt 60 năm mở đường Hồ Chí Minh do Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20-4-2019.

“Con đường huyền thoại”

Sau Hiệp định Genève, đế quốc Mỹ thay chân Pháp trợ giúp chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại hiệp định, chống phá cách mạng, tàn sát người yêu nước. Để thực hiện việc chi viện hậu cần cho miền Nam, ngày 5-5-1959, đoàn công tác đặc biệt làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn (gọi là Đoàn 559) được thành lập để mở tuyến giao liên bằng gùi thồ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Từ đó, tuyến chiến lược này đã được khơi thông Nam Bắc.

Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”, đưa hàng chục vạn quân Mỹ vào miền Nam, thực hiện gom dân kìm kẹp, mở các cuộc hành quân “tìm và diệt” lực lượng cách mạng của ta; đồng thời tạo sự kiện “Vịnh Bắc bộ” để lấy cớ đánh phá ra miền Bắc, ngăn chặn chi viện cho miền Nam.

Ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tổ chức các “Đội thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ, cứu nước tập trung” phục vụ công tác giao thông vận tải. Từ đây, các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước ở miền Bắc được thành lập theo yêu cầu của cuộc kháng chiến và trên 14 vạn cán bộ, đội TNXP tình nguyện tham gia vào 170 đội và 50 đại đội TNXP trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Ở miền Bắc, trong 10 năm (1965-1975), lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước tập trung với 220.000 người, đã mở 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4.130km, vận chuyển trên 10 vạn tấn vũ khí, đạn, lương thực; trực chiến chốt giữ gần 3.000 trọng điểm giao thông địch thường xuyên đánh phá ác liệt, san lấp hàng vạn hố bom, phá gỡ trên 10.000 bom các loại.

Ở miền Nam, hưởng ứng phong trào “5 xung kích”, lực lượng TNXP giải phóng anh dũng, kiên cường bám sát các đơn vị bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tải đạn, cáng thương; phục vụ 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó 286 lính Mỹ, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng…

Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, thành tích và chiến công của cán bộ, chiến sĩ bộ đội, TNXP, dân quân hỏa tuyến trên đường Trường Sơn có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ TNXP Ban Xây dựng 67 anh hùng (được Bộ Giao thông vận tải thành lập vào tháng 4-1967). Đó chính là chiến công mở Đường 20 Quyết thắng với 77 ngày đêm “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”.

Trên 50.000 cán bộ, chiến sĩ, TNXP bất chấp hiểm nguy, đội mưa bom bão đạn của quân thù, lao động sáng tạo và quả cảm, mở con đường với chiều dài 125km từ Phòng Nha của Aki-Ta Lê - Đèo Phu La Nhích nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Cạnh đó là các địa danh như: Km20, Trạ Ang, Cà Ròong, tập đoàn trọng điểm A.T.P, Bãi Dinh, Cha Lo, Mụ Giạ, Đá Đẽo, Xuân Sơn, Long Đại… Ở đó, thấm máu bao cán bộ, chiến sĩ, TNXP của Ban Xây dựng 67. Theo thống kê, trong 8 năm (1967-1975), 1.400 cán bộ, chiến sĩ Ban Xây dựng 67 hy sinh.

Phát huy truyền thống anh hùng bộ đội Trường Sơn

Sau khi trở về địa phương, những cựu binh Trường Sơn trong cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của bộ đội Trường Sơn, cống hiến tích cực cho địa phương.

Điển hình, với vai trò Bí thư chi bộ tổ 34, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, cựu binh Trường Sơn Trần Sơn Hải tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Hay ông Vũ Văn Khoa, sau khi nghỉ hưu, ông về địa phương tham gia công tác ở cơ sở, từ bí thư chi bộ, đến Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Khánh Nam; năng nổ hòa giải, giáo dục thanh-thiếu niên.

Nhắc đến cựu binh Trường Sơn, người dân địa phương ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu. Trong những năm tháng Mỹ bắn phá ác liệt, ngăn chặn quân và dân vận chuyển lương thực, khí tài chi viện cho miền Nam, dù mới 17 tuổi, ông dùng máu viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Sau khi huấn luyện tân binh ở Hà Nội, ông được phân vào Binh chủng hậu cần và lái xe vận chuyển vũ khí, lương thực, bộ đội. Từ những năm 1971-1972, ông có mặt ở hầu hết các tuyến đường huyết mạch Trường Sơn; trong đó đặc biệt là Đường 20 Quyết thắng (Quảng Bình). Biết bao nhiêu lần suýt bị bom vùi dập, ông vẫn mưu trí điều khiển xe tránh những làn bom của địch, đưa vũ khí, đạn dược, lương thực, bộ đội đến các địa điểm an toàn…

Hòa bình lập lại, năm 1993, ông nghỉ hưu theo chế độ, tham gia vào Hội Cựu chiến binh, từ cấp phường đến cấp quận. Dù ở đâu, ông cũng đẩy mạnh phong trào đi lên. Cạnh đó, ông tích cực phối hợp với Hội truyền thống Trường Sơn quan tâm đến các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tăng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thành phố cho biết, hội có gần 700 hội viên, trong đó hơn 300 hội viên trực tiếp chiến đấu, mở đường ngay từ năm 1959.

“Bây giờ, đa phần hội viên tuổi cao sức yếu, một bộ phận còn làm kinh tế, những cựu binh còn mạnh khỏe thì tham gia vào chính quyền địa phương như bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố hay vào các cấp ủy phường. Hiện, khoảng 40 người tham gia công tác ở địa phương”, ông Tăng cho hay.

Theo nguồn tư liệu của Hội Cựu TNXP Việt Nam, tính đến ngày giải phóng (30-4-1975), đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày, đêm. Các lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn khoảng 120.000 người đã làm nên mạng lưới đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường bộ, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, cống ngầm.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.