Đẩy nhanh triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng

.

Chiều 23-4, đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu có buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN). Tham dự chương trình có Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Chủ tịch Hội đồng ĐHĐN, Giám đốc ĐHĐN cho biết, ĐHĐN đã trình đề án phát triển tổng thể ĐHĐN đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch dự án Làng ĐHĐN có tỷ lệ 1/2000. Hiện nay, ĐHĐN đã thông báo mời thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam rà soát thực tế và báo cáo đề xuất bổ sung nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2018-2020.

Tuy nhiên, đây là dự án quy mô lớn, phức tạp do quy hoạch treo nhiều năm, trong khi vốn ngân sách Nhà nước khó khăn, liên quan nhiều bộ, ngành và hai địa phương, thủ tục đầu tư phức tạp. Ngoài ra, phương án tái định cư để phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai chậm; kinh phí đầu tư thực hiện các khu tái định cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có nguồn kinh phí cụ thể; nguồn vốn vay ODA còn vướng…

Trên cơ sở đó, ĐHĐN kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, hỗ trợ ĐHĐN triển khai dự án, nhất là công tác lập các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng; bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 1.000 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 là 4.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ĐHĐN đề xuất Bộ GD&ĐT một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, công tác tổ chức, hoạt động đào tạo như: tăng cường vai trò đại học vùng, cho phép ĐHĐN tự chủ trong phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, thành lập các trường đại học từ các viện, trường cao đẳng.

Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) là một trong những ngôi trường đầu tiên được xây dựng tại Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Trong ảnh: Một hoạt động diễn ra tại khuôn viên Khoa Y dược.
Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) là một trong những ngôi trường đầu tiên được xây dựng tại Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Trong ảnh: Một hoạt động diễn ra tại khuôn viên Khoa Y dược.

Đại diện các trường đại học thành viên (thuộc ĐHĐN) đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép ĐHĐN tự chủ mở ngành đại học, đáp ứng nhu cầu lao động thực tế; đề xuất lãnh đạo thành phố đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học với chính quyền thông qua dự án đặt hàng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, Đà Nẵng đã chủ động bố trí đất với diện tích 22ha để triển khai xây dựng các khu tái định cư nhằm kịp thời thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho triển khai dự án Làng ĐHĐN. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ GD&ĐT thúc đẩy nhanh dự án, bố trí nguồn vốn, ủng hộ cơ chế cho phép ĐHĐN thực hiện xã hội hóa.

“Chúng ta có quá nhiều việc phải làm từ lập dự án, đánh giá tác động môi trường, giải tỏa, đền bù, tái định cư. Nếu không tiến hành song song các thủ tục thì dự án sẽ chậm tiến độ”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu.

Riêng đối với đề xuất của các trường đại học thành viên (thuộc ĐHĐN), Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, thời gian tới, cả hai phía chính quyền và các trường phải cùng nỗ lực gắn kết. Lãnh đạo thành phố sẽ tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, giảng viên của các trường tiếp cận, tham gia dự án về phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật; ngược lại các trường cần chủ động đề xuất đề án, đề tài liên quan tới vấn đề của một đô thị phát triển như Đà Nẵng gồm: môi trường, giao thông, công nghệ cao, trên cơ sở đó thành phố sẽ đặt hàng với những dự án phù hợp.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp thu những ý kiến đề xuất của ĐHĐN, đặc biệt dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, ĐHĐN cần sớm rà soát các nội dung theo chỉ đạo của Nghị quyết 43-NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các chỉ đạo của Trung ương, chính phủ đối với sự phát triển của ĐHĐN. Xây dựng ĐHĐN trở thành thương hiệu hàng đầu và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung.

Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng ĐHĐN

Sáng 23-4, tại ĐHĐN diễn ra lễ công bố quyết định của Bộ GD&ĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng ĐHĐN nhiệm kỳ 2018-2023. Tham dự lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Theo Quyết định của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐHĐN được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng ĐHĐN nhiệm kỳ 2018-2023. Bộ GD&ĐT quyết định bổ nhiệm lại PGS.TS Ngô Văn Dưỡng giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHĐN đến thời điểm hết tuổi làm công tác quản lý theo quy định của Nhà nước; bổ nhiệm PGS.TS Lê Thành Bắc, Chánh văn phòng ĐHĐN và PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHĐN, thời gian giữ chức vụ theo nhiệm kỳ của Giám đốc ĐHĐN.

Đại học Đà Nẵng thuộc top 3 trường đại học hàng đầu Việt Nam

Theo Bảng xếp hạng uniRank các trường đại học Việt Nam năm 2019 do Tổ chức For International Colleges and Universities (4icu) vừa công bố, Đại học Đà Nẵng xếp thứ 3/67 trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Dẫn đầu bảng xếp hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội, vị trí thứ hai là Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

UniRank là hệ thống xếp hạng giáo dục đại học quốc tế đánh giá và xếp hạng hơn 13.600 trường đại học hiện được công nhận chính thức tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiêu chí lựa chọn đối tượng để đánh giá xếp hạng của uniRank, gồm: các trường/tổ chức giáo dục đại học được công nhận, cấp phép bởi Bộ GD-ĐT hoặc cơ quan quản lý của chính phủ; có chức năng cấp bằng đại học (ít nhất 4 năm) hoặc bằng sau đại học (thạc sĩ/tiến sĩ); cung cấp các khóa đào tạo theo phương thức trực tiếp (face to face learning).

Năm 2019, uniRank công bố xuất bản xếp hạng 67 trường đại học/tổ chức giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng các tiêu chí lựa chọn để xếp hạng nêu trên. UniRank thực hiện xếp hạng các Đại học thế giới thường niên từ năm 2005 dựa trên cơ sở dữ liệu web do chính uniRank khảo sát, nghiên cứu, đánh giá độc lập; không thiên vị, không chịu ảnh hưởng và không phụ thuộc vào dữ liệu của các trường cung cấp. Phương thức đánh giá của uniRank dựa trên khai thác cơ sở dữ liệu lớn (big data) được lưu trữ trên Internet.

NGỌC HÀ

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.