Chiều 2-4, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với các sở, ban, ngành liên quan cùng các quận và Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường Việt Nam về tình hình triển khai các dự án xử lý chất thải rắn và kế hoạch triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ thống nhất dự thảo kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2025 do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trình. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 4 nhóm: chất thải rắn sinh hoạt tái chế, tái sử dụng, gồm các loại: giấy, nhựa, kim loại; chất thải rắn có thành phần nguy hại gồm các loại: pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, mạch điện; chất thải rắn có kích thước lớn, cồng kềnh và chất thải vật liệu xây dựng; các loại chất thải rắn còn lại từ sinh hoạt và nấu ăn như: rau, củ, quả thải bỏ, thức ăn dư thừa, các loại khác.
Ngay trong năm 2019, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến người dân, hộ gia đình và chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố; khảo sát, điều tra, xây dựng phương thức phân loại, mua sắm thiết bị phục vụ phân loại rác và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật; triển khai phân loại rác tại các quận, huyện với phương thức thu gom, vận chuyển do UBND các quận, huyện chủ động thực hiện.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ thống nhất giao Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị triển khai đồng thời việc lập dự án đầu tư và lập, trình báo cáo đánh giá tác động môi trường đến cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng phương án chỉ định thầu một số công trình, hạng mục đối với dự án mang tính khẩn cấp; ưu tiên giao cho Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện sớm một số hạng mục phù hợp với quy định hiện hành để kéo dài thời gian sử dụng các hộc rác hiện hữu. Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị chủ động xây dựng, hoàn thiện các thủ tục, bảo đảm đến tháng 10-2019 khởi công dự án Nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn và đến tháng 3-2020 phải hoàn thành…
Đối với dự án Nâng cấp nhà máy xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn do Công ty CP Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao các sở, ngành tham mưu, xây dựng chi tiết các điều kiện ràng buộc đối với các nhà đầu tư phù hợp với điều kiện của thành phố như: tỷ lệ tro xỉ chôn lấp, đơn giá xử lý rác, thời gian hoàn thành dự án, chịu chi phí xử lý rác nếu chậm hoàn thành dự án… và nêu rõ các điều kiện nói trên trong giấy chứng nhận đầu tư. Sở Công thương lập báo cáo, quy hoạch về dự án nhà máy đốt rác phát điện để gửi Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo tính toán của Sở TN&MT, hiện tại, khả năng tiếp nhận rác thải của bãi rác Khánh Sơn chỉ còn kéo dài được 268 ngày (9 tháng). Tuy nhiên, dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn do Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị (làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án), trong đó có hạng mục xây dựng thêm hộc chôn lấp rác số 6 đang gặp các vướng mắc như: chưa xác định và đo đạc diện tích đất quốc phòng nằm trong ranh giới dự án; chưa được phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Sở TN&MT đề nghị UBND thành phố nghiên cứu quy hoạch khu đất giáp sườn núi có diện tích gần 5ha ở phía tây nam các hộc rác hiện hữu để xây dựng thêm hộc rác số 7; đồng thời, nghiên cứu quy hoạch bố trí thêm một cụm nhà máy đốt rác phát điện trên khu đất ở phía đông các hộc rác kết hợp cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên danh với một công ty chuyên đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện ở Hồng Kông đầu tư cụm nhà máy phát điện tại khu đất giáp đường Hoàng Văn Thái.
Sở TN&MT cũng đề nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng nghiên cứu quy hoạch đề xuất xây dựng bãi rác Khánh Sơn thành Khu xử lý chất thải sinh thái theo hướng hình thành các khu đất để kêu gọi đầu tư xây dựng lò đốt rác y tế, xử lý phân bùn bể phốt, xử lý rác thải xây dựng; kêu gọi đầu tư theo hình thức BT về xử lý bãi rác Khánh Sơn cũ với diện tích 10ha theo phương thức tuần hoàn; bố trí các cơ sở sản xuất, tái chế chất thải rắn gắn với công tác phân loại rác của thành phố.
NAM TRÂN