Binh địch vận ở Quảng Đà

.

Xuất phát từ phương châm đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, trong thời kỳ chống Mỹ, quân và dân ta kết hợp đánh địch bằng 3 mũi: chính trị, quân sự và binh địch vận, góp phần làm nên chiến thắng tại chiến trường Quảng Đà…

Dù trên 90 tuổi nhưng Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44 Quảng Đà, vẫn nhớ như in những năm tháng sống và chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà.  Ảnh: TIỂU YẾN
Dù trên 90 tuổi nhưng Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44 Quảng Đà, vẫn nhớ như in những năm tháng sống và chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà. Ảnh: TIỂU YẾN

Khu căn cứ miền núi như: Tống Cói, Trạm Trung, kết hợp với các vùng căn cứ lõm đồng bằng như: xóm Tây, xóm Bắc, xóm 1 (xã Điện Sơn - nay là xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Yến Nê, Cẩm Nê, La Châu (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), Hội Vực, Diêu Trì (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang)… tạo thế trận vững chắc, làm bàn đạp đánh địch của lực lượng vũ trang đứng chân tại chiến trường phía tây Đà Nẵng suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.  

Ông Trần Chiến Chinh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, khu II, Hòa Vang kể lại, tháng 2-1971, khu II Hòa Vang thành lập Đại đội đặc công với tên gọi C2, là đơn vị bộ đội địa phương, gồm hàng trăm thanh niên sinh sống trên địa bàn 11 xã cánh trung và thị trấn Túy Loan. Trong kháng chiến chống Mỹ, C2 là lực lượng chiến đấu nòng cốt của khu II Hòa Vang.

Khi ta đánh chiếm Chi khu quận lỵ Thượng Đức, giải phóng Thượng Đức từ ngày 29-7 đến 7-8-1974 thì ngày 19-8, địch mở cuộc tấn công vào vùng giải phóng theo hai hướng, trong đó có một hướng phía tây Thượng Đức nhằm đánh chiếm các cao điểm 383, 700, 1062.

Trong khi đó, Lữ đoàn dù số 1 quân đội Sài Gòn tiến hành cày ủi mở đường khu vực Hang Dơi, càn quét khu vực Đồng Nghệ, bịt đường giáp ranh nên cơ quan Khu II phải chuyển lên Trung Mang (khu vực xã Bình Ca) để củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất, nhận chi viện từ Mặt trận 4 Quảng Đà và sự hỗ trợ của đồng bào các xã tây Hòa Vang.

Trong thời kỳ này, C2 vẫn bám trụ ở địa phương tổ chức chiến đấu, phối hợp vận động người dân tăng gia sản xuất, góp phần đánh bại âm mưu tái chiếm Thượng Đức của địch. Song song với đó, quân và dân ta đẩy mạnh công tác vận động ngụy quân rời bỏ hàng ngũ về vùng giải phóng.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn lén lút cam kết duy trì viện trợ quân sự và hậu thuẫn cho chính quyền Việt Nam cộng hòa thực hiện kế hoạch “lấn đất, giành dân”, “tràn ngập lãnh thổ”.

Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44 Quảng Đà nói rằng, trước tình hình đó, đường lối tập trung đấu tranh chính trị của ta đã không còn hiệu quả, yêu cầu đặt ra với công tác binh địch vận là phải chú ý nêu cao vấn đề hòa bình và hòa hợp dân tộc, binh lính không đi làm công cụ cho Mỹ-ngụy phá hoại hòa bình. Cần ra sức phân hóa hàng ngũ địch, trước mắt là vận động chống lệnh lấn chiếm.

Từ cơ sở này, năm 1974, công tác binh vận tại Quảng Đà thu được nhiều kết quả khả quan. Tiêu biểu như ở vùng 6, xã Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), cán bộ ta một mặt phao tin khu vực Cồn Quy dày đặc mìn do du kích ta gài, mặt khác vận động một tiểu đội bảo an địch đóng tại Cống Tiềm chống lệnh đi càn khu vực này. Do đó, trong hai tháng 6 và 7-1974, với lực lượng vô cùng mỏng, chỉ 4 du kích, quân ta vẫn giữ được tuyến Cồn Quy dài 2km.

Trong căn nhà nhỏ thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), bà Nguyễn Thị Hạnh rưng rưng kể về những năm tháng sống và chiến đấu dưới bom đạn quân thù. Mười mấy tuổi, bà cùng bạn bè đồng trang lứa xung phong vào đội du kích xã Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải) rồi trở thành công an xã, cán bộ binh vận, nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man.

Theo bà Hạnh, phương pháp binh địch vận được bà và đồng đội khéo léo vận dụng là tìm cách tiếp cận, kết thân với những người mẹ, người vợ hoặc người yêu của ngụy quân để kêu gọi họ trở về. Bên cạnh đó, bà Hạnh khéo léo dùng lời ca, tiếng hát đánh trúng vào tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người lính, vận động họ bỏ súng quy hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quân cách mạng đánh lấy đồn đối phương.

Có thể nói, từ nửa cuối năm 1974 đến 1975, quân và dân Quảng Đà liên tục giành thắng lợi trên nhiều mặt trận chính trị, quân sự, binh địch vận. Đơn cử, ngày 26-3-1975, tại xã Hòa Châu, trước áp lực đấu tranh của quần chúng nhân dân cộng thêm sự vận động của cán bộ ta khiến 1 trung đội nghĩa quân và 1 trung đội phòng vệ dân sự của địch hạ vũ khí đầu hàng. Khi lực lượng của ta đột kích vào sân bay Nước Mặn thì phát hiện tại Mỹ Thị, tiểu đoàn thủy quân lục chiến “Cọp biển” của địch đang rút chạy ra bán đảo Sơn Trà.

Trước tình hình đó, ta nhanh chóng sử dụng lực lượng quần chúng làm công tác binh vận, từng nhóm hai, ba người xáp lại một lính ngụy giải thích chính sách khoan hồng của Mặt trận và khuyên họ hạ súng đầu hàng. Đây là mũi binh vận khá kịp thời, phối hợp cùng mũi tấn công của Tiểu đoàn 3, tạo điều kiện cho ta nhanh chóng chiếm sân bay Nước Mặn.

Cũng trong khoảng thời gian này, hàng nghìn binh lính ở Trường huấn luyện Hòa Cầm phản chiến, bỏ hàng ngũ chạy qua xã Hòa Châu, cán bộ binh địch vận của xã này đã vận động anh em binh lính phản chiến tự giao nộp vũ khí, góp phần làm nên thắng lợi chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.