Tại cuộc họp báo định kỳ ngày 9-5, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến các nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những nội dung mới của dự thảo chính thu hút nhiều sự quan tâm là quy định bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với lãnh đạo, quản lý các cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định có 6 hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã sửa đổi lại Điều 79, theo đó bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, chỉ giữ lại 5 hình thức kỷ luật còn lại. Riêng hình thức cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo.
Lý giải nguyên nhân bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long, cho rằng hiện nay ranh giới giữa việc kỷ luật giáng chức và cách chức có sự duy tình, đáng lẽ cần cách chức thì lại giáng chức, còn có hiện tượng cố tình giảm nhẹ hình thức kỷ luật nên Chính phủ thống nhất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đi, nếu không kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì xử lý nghiêm là cách chức. Trong thực tế, việc kỷ luật giáng chức cũng gây khó khăn trong công tác sắp xếp cán bộ tại đơn vị.
Ông Nguyễn Tư Long khẳng định: “Bỏ một hình thức kỷ luật giáng chức không có nghĩa sẽ giảm bớt tính nghiêm minh của thực thi pháp luật. Hiện nay, hình thức kỷ luật giáng chức chỉ là một trong 5 hình thức kỷ luật áp dụng xử lý đối tượng công chức lãnh đạo quản lý vi phạm”.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại kỳ họp thứ 7 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Vietnam+