Gương sáng của người thương binh

.

Dẫu hai mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng nghị lực và tài năng của người thương binh hạng 1/4 Trần Văn Xuân (66 tuổi, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vẫn luôn sáng ngời giữa cuộc sống đời thường.

Thời chống Mỹ, anh Xuân là Xã đội trưởng xã Hòa Phú (cũ, nay là xã Hòa  Nhơn, huyện Hòa Vang), chỉ huy lực lượng du kích xã kiên cường bám đánh địch, lập nên nhiều chiến công trên vành đai diệt Mỹ. Năm 1972, trong chiến dịch giành đất cắm cờ, anh bị thương hỏng cả hai mắt và được đưa ra miền Bắc điều trị cho đến ngày đất nước thống nhất.

Sau năm 1975, anh Xuân được đưa về an dưỡng tại Khu Điều dưỡng thương binh nặng Hội An (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ). Tại đây, với sự nhiệt tình, năng nổ, hoạt bát, anh Xuân được bầu làm Bí thư Liên chi đoàn nhiều năm liền. Anh tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa phong trào Đoàn Thanh niên Khu điều dưỡng với các địa phương.

Trong quá trình ấy, một cán bộ Trạm Y tế xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) - chị Nguyễn Thị Điểm, đã cùng anh nên nghĩa vợ chồng. Khắc ghi lời Bác dạy “tàn nhưng không phế”, anh Xuân hăng hái tham gia công tác địa phương và gắn bó với công tác Hội Người mù đã 36 năm.

Từ năm 2000, trên cương vị Chủ tịch Hội Người mù huyện Hòa Vang, anh Xuân tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo xin kinh phí xây dựng trụ sở Hội và cơ sở massage khang trang, kiên cố, liền kề nhau. Đội ngũ nhân viên massage và nhiều cán bộ Hội được anh cử đi đào tạo nghiệp vụ, có đủ chứng chỉ hành nghề, phục vụ chu đáo và giao tiếp văn minh, được khách hàng gần xa tín nhiệm.

Nhờ chất lượng tốt và giá cả phù hợp, khách hàng đến với cơ sở massage của Hội ngày càng nhiều. Đội ngũ nhân viên thường xuyên có việc làm với thu nhập bình quân mỗi tháng 3,5 triệu đồng/người. “Nhiều cán bộ Hội đã được đào tạo nghiệp vụ nên tiện chỉ đạo, kiểm tra chất lượng dịch vụ massage, đồng thời khi rỗi công tác cũng tham gia phục vụ khách để tăng thêm thu nhập cho gia đình’’, anh Xuân chia sẻ.

Cùng với đó, anh Xuân tích cực vận động các nguồn tài trợ nhằm hỗ trợ hội viên vượt khó vươn lên, giảm nghèo đa chiều. 19 năm qua, anh đã tổ chức vận động kinh phí, xây dựng và sửa chữa 23 ngôi nhà tình thương cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; gần 40 trường hợp được hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh đúng quy cách. Các hội viên gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm dài ngày đều được anh kịp thời thăm hỏi, động viên, tổ chức quyên góp hỗ trợ, trao tặng sổ tiết kiệm, vật dụng gia đình…

Với nhiều thành tích xuất sắc, anh Xuân được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Trung ương Hội Người mù Việt Nam tặng bằng khen. Nói về người cán bộ này, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường nhấn mạnh: “Anh Xuân không chỉ tận tình chăm lo đời sống hội viên, mà còn có nhiều sáng kiến về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội người mù, thiết thực góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của địa phương”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.