Những ngày qua, tại một số khu vực trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ và áp lực nước yếu trong thời gian cao điểm. Một số hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng thiếu nước. Các đơn vị chức năng của thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm mặn gay gắt hiện nay và thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vào cao điểm mùa nắng nóng.
Người dân ở đường Lê Văn Sĩ bức xúc vì nước yếu. |
Nước sinh hoạt yếu, thiếu
Từ cuối tháng 4-2019 đến nay, mặc dù có thêm hồ thủy điện A Vương xả nước về hạ du sông Vu Gia vào ban ngày, nhưng độ mặn của sông Cầu Đỏ vẫn thường xuyên bị nhiễm mặn nặng, đặc biệt vào ngày 7-5, độ mặn có lúc lên đến 1.742mg/l (gấp 7 lần độ mặn tối đa cho phép). Độ mặn nước sạch sau trạm bơm cấp 2 của Nhà máy nước Cầu Đỏ đưa vào mạng lưới cấp nước của thành phố nhiều lúc ở trên mức 200mg/l khiến nước có vị lợ. Trong khi đó, tại một số khu vực dân cư ở cuối nguồn nước, địa hình cao, tập trung nhiều khách sạn…, áp lực nước yếu, nước chảy rỉ rỉ, có lúc cúp hẳn nước vào giờ cao điểm.
Tại khu vực dân cư tổ 72, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), vào tối 7-5, một số hộ dân phải mở van và chờ nước chảy hơn 10 phút mới đủ để rửa chén bát. Trước đó, vào chiều cùng ngày, nhân viên Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đến kiểm tra tình hình nước yếu tại khu vực dân cư này và giải thích nguyên nhân nước yếu với người dân là do phát triển dân số, du khách đến tham quan đông nên nhu cầu sử dụng nước nhiều...
“Cứ đến 11 giờ trưa là nước bắt đầu yếu, nhiều ngày bị mất hẳn nước từ đêm khuya đến sáng sớm hôm sau. Máy giặt, máy nước nóng bị hư vì đang bật cho hoạt động thì nước yếu và mất nước khi nào không biết”, ông Đặng Hiếu Dân (người dân ở đường Lê Văn Sĩ) cho hay.
Ở khu vực thôn Túy Loan Đông 1 và Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), nhiều hộ dân cũng khổ sở vì nước yếu, nhất là vào các giờ cao điểm buổi trưa và chiều tối. Tình trạng này mới xảy ra 1 tháng trở lại đây, nhiều người phải xách xô, chậu đi xin nước tại các hộ ở vùng địa hình thấp để dùng.
Không đến mức bị mất hẳn nước trong đường ống, nhưng các nhà dân ở khu dân cư 38 và 387, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) rất bức xúc vì thường xuyên xảy ra tình trạng nước yếu do các khách sạn bơm hút nước.
Ông Nguyễn Văn Hòa (ở đường An Thượng 31) cho hay: “Tình trạng nước yếu và thiếu nước ở đây đã diễn ra khá lâu, nhất là vào ban ngày do các khách sạn luân phiên nhau bơm nước. Những ngày gần đây thì nước càng yếu thêm vì trời nắng nóng, người dân cũng như du khách sử dụng nhiều”.
Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), trong những ngày qua, nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh dẫn đến sự quá tải của hệ thống sản xuất, cấp nước càng cao. Đặc biệt, công suất cấp nước vào ngày 7-5 đã đạt đến 291.698m3. Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco lý giải, nguyên nhân nước yếu, thiếu nước tại khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là do chậm thi công tuyến ống có đường kính 900mm băng qua sông Hàn để cấp nước bổ sung. Công trình này thuộc dự án mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 được UBND thành phố chỉ đạo thi công hoàn thành vào tháng 4-2019.
Dù đã được UBND thành phố cho phép thay đổi biện pháp thi công từ đánh chìm xuống sông sang biện pháp khoan kéo ống qua sông để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng đến nay, vẫn chưa thi công phần dưới mặt nước. Cùng với đó, tuyến ống nước thô có đường kính 1,2m qua sông Cầu Đỏ cũng chậm thi công.
Đề nghị thủy điện Đak Mi 4 hạn chế xả nước về sông Thu Bồn
Theo lịch thời vụ, đến ngày 15-5, nông dân bắt đầu xuống giống sản xuất nông nghiệp vụ hè thu. Đến thời điểm này vẫn còn một số cánh đồng chưa gặt và làm đất xong. Một số đơn vị, địa phương tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất tiến hành xây mới, duy tu hệ thống tưới tiêu.
Dự kiến, đến ngày 10-5 sẽ bắt đầu đổ nước đồng loạt vào các cánh đồng trồng lúa vụ hè thu, nhưng hiện nay, một số hồ chứa trên địa bàn thành phố đang có mực nước thấp. Ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho hay: “Khi cân đối lại thì một số hồ chứa thiếu nước phục vụ gieo trồng vụ hè thu, nhưng đến khoảng cuối tháng 7-2019 sẽ triển khai phương án chống hạn ở một số khu vực vì thiếu nước. Đồng thời, ngay từ đầu vụ hè thu, chúng tôi sử dụng một số trạm bơm điện, nhất là các trạm bơm: ba-ra An Trạch, Phú Sơn, An Tân... để đổ nước vào các cánh đồng, giảm sức ép cho các hồ chứa”.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố nhận định, thời gian tới là cao điểm về khô hạn và cũng là thời kỳ sử dụng nước gia tăng phục vụ sản xuất vụ hè thu. Đồng thời, để giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn đang diễn ra hết sức gay gắt như hiện nay, sở đã có công văn đề xuất UBND thành phố có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh vận hành thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4 trong thời gian từ ngày 11-5 đến 31-8-2019, trong đó, đề nghị hồ thủy điện Đak Mi 4 hạn chế vận hành xả nước phát điện về sông Thu Bồn.
Trong trường hợp có sự thay đổi hình thái thời tiết, khí tượng, thủy văn so với hiện nay hoặc do hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, có yêu cầu bất thường về sử dụng nước ở hạ du, UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, làm việc trực tiếp với các chủ hồ thủy điện để thống nhất đề nghị xả nước, điều tiết nước khẩn cấp cho hạ du.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, do ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, thiếu nước, sâu bệnh nên năng suất các loại cây trồng chủ lực như: lúa, ngô, lạc trong vụ đông xuân năm nay đều giảm so với vụ đông xuân năm ngoái. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, với điều kiện thời tiết khí hậu ngày càng khắc nghiệt, sâu bệnh hại ngày càng nhiều như hiện nay, các đơn vị, địa phương theo dõi, bảo đảm nguồn nước tưới và chuyển đổi diện tích không đủ nước tưới sang cây trồng cạn; áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, thường xuyên thăm đồng để phát hiện và xử lý sớm sâu bệnh hại... |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP