Tháng 11-1967, tại thôn Phong Lục, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đặc khu Quảng Đà, Ban An ninh quận 2 (BANQ2) Đà Nẵng ra đời (tiền thân của Công an quận Hải Châu ngày nay) do ông Nguyễn Kim Thanh, Thường vụ Quận ủy, Phó trưởng Ban An ninh thành phố Đà Nẵng kiêm Trưởng ban.
Triển khai những trận đánh táo bạo, bất ngờ
Để chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông Thanh hóa trang thành linh mục cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của ban giả dạng nhiều thành phần khác nhau bí mật vào nội thành Đà Nẵng hoạt động.
Nhiệm vụ chủ yếu của các trinh sát là tập trung nắm tình hình địch, phân công nhiệm vụ cho các cơ sở cách mạng, chuyển nhiều loại vũ khí, thuốc nổ từ tuyến ngoài vào nội thị. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm, bởi ngày cũng như đêm, các mạng lưới kiểm soát của mật vụ, cảnh sát, thám báo cùng nhiều binh chủng địch căng dày và bất cứ người dân nào cũng lập tức bị bắt giữ, tra tấn tàn bạo nếu nghi ngờ theo cách mạng.
Các trinh sát đã tổ chức đưa một số cán bộ cơ sở tham gia sinh hoạt với các tôn giáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nắm tình hình và triển khai hàng chục trận đánh táo bạo, bất ngờ, làm đối phương hoang mang, lo sợ; khơi dậy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, biểu tình, kêu gọi binh lính ngụy quay về với cách mạng; vận động học sinh, sinh viên chống vũ trang học đường, đòi dân sinh, dân chủ, rải truyền đơn tuyên truyền thắng lợi của cách mạng.
Địch điên cuồng tập trung lực lượng đánh phá quyết liệt, mở nhiều trận càn quét lớn ra vùng giải phóng, máy bay B52 rải bom dày đặc xuống các vùng nông thôn. Xe tăng, đại bác, chất độc hóa học luôn cày xới, băm nát và hủy hoại màu xanh của mảnh đất Quảng Đà, biến vườn tược, ruộng đồng, nhà cửa của nhân dân thành những đống tro tàn và vùng đất chết. Chúng tăng cường các đội quân thiện chiến, ác ôn và tàn độc nhất đi lùng sục, vây ráp, bắt bớ, đánh phá cơ sở cách mạng.
Trước tình hình trên, Đảng ta chỉ đạo mở tiếp 2 cuộc tiến công (chiến dịch X1, X2) và BANQ2 cũng tổ chức nhiều trận đánh, mang lại thắng lợi to lớn.
Để có cơ hội đánh phủ đầu sĩ quan không quân ngụy, trinh sát Hứa Thị Năm đã dành dụm những đồng tiền ở mướn của mình và dựng quán giải khát trên đường Lê Lai làm “mồi nhử” bọn chúng tụ tập rồi đặt mìn hẹn giờ, tiêu diệt tại chỗ 9 tên, trong đó có Đại úy Khuê khét tiếng hung bạo.
Tháng 4-1968, tại cửa ngõ thành phố, các trinh sát mật phục đón đầu địch đi càn quét, bắt bớ, tra tấn đồng bào. Khi chúng lọt vào trận địa, trinh sát bất ngờ xông ra nổ súng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20 tên.
Nắm được quy luật của Chi cảnh sát quận 1 và biết bọn chúng thường tụ tập tại quán cà-phê Lương Hữu, số 59 Thành Thái (nay là đường Trần Quốc Toản), trinh sát Nguyễn Trọng Thi lên kế hoạch tấn công bằng lựu đạn, tiêu diệt hàng chục tên. Tên Phán, Bí thư Quốc dân Đảng quận bộ, chống phá cách mạng quyết liệt, trú gần bến xe Chợ Cồn; vợ mở quán cà-phê.
Qua nắm tình hình biết Phán cần người giúp việc, BANQ2 bố trí trinh sát Nguyễn Thị Nhân 16 tuổi “nhập gia”. Một sáng đầu hè năm 1968, khi Phán ngồi uống cà-phê tại nhà mình thì Nhân ném lựu đạn nhưng Phán chỉ bị thương. Nơm nớp lo sợ bị cách mạng trừng trị nên Phán cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
Sẵn sàng hy sinh
BANQ2 nhận lệnh đánh vào trụ sở Quân vụ Đà Nẵng. Trong những ngày chuẩn bị, các trinh sát Nguyễn Thị Bán, Phan Văn Thảo, Huỳnh Minh Đức đã tổ chức thề sẵn sàng hy sinh. Khuya 23-8-1968, các trinh sát phối hợp với Quận đội đồng loạt tấn công, đánh sập trụ sở của chúng, bắn cháy 1 xe bọc thép, diệt nhiều tên địch.
Địch càng điên cuồng mở các cuộc càn quét với quy mô lớn nhằm tiêu diệt tận gốc các cơ sở cách mạng. Trong một trận chống càn, nhiều trinh sát như Võ Kế, Trần Quán, Nguyễn Văn Kéo, Huỳnh Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Diệu… bị địch bao vây tại xã Điện An (Điện Bàn), không còn lối thoát.
Trước tình thế đó, các trinh sát phối hợp với quân đội, du kích địa phương luôn vững vàng tay súng, chiến đấu ròng rã 21 ngày đêm, đẩy lùi hàng trăm đợt tấn công của Mỹ-ngụy, buộc địch phải rút quân.
Đầu năm 1969, tình hình phức tạp hơn, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Ban An ninh đặc khu Quảng Đà giao nhiệm vụ cho BANQ2 bằng mọi giá phải tiêu diệt Thiếu tá Trần Văn Thêm được điều từ thị xã Hội An ra giữ chức Trưởng ty Cảnh sát Đà Nẵng. Biết hắn thường lui tới đường Trần Kế Xương, BANQ2 cử trinh sát Nguyễn Thị Thanh bám sát.
Chiều 16-3-1969, khi Thêm từ trên xe bước xuống, trinh sát Thanh nổ súng kết liễu y tại chỗ. Bị bắt giữ, tra tấn như thời trung cổ nhưng Thanh không hề khai báo, cuối cùng bị địch đày ra Côn Đảo cho đến ngày đất nước thống nhất.
Bên cạnh đó, các trinh sát nghiên cứu, cải tiến, chế tạo nhiều loại bom mìn cài đặt, diệt thù. Hai cán bộ Hoàng Minh Thiện, Hồ Văn Lệ có biệt tài làm giả các loại giấy tờ của chế độ Sài Gòn, phục vụ cho Quận ủy, các ngành và trinh sát xâm nhập vào nội thành hoạt động. Cùng với cuộc tiến công như vũ bão, trưa 29-3-1975, BANQ2 đã chiếm lĩnh Chi cảnh sát quận 1, Đà Nẵng, các trụ sở cuộc cảnh sát ngụy, thu hồi nhiều vũ khí và tài liệu quan trọng.
Từ năm 1967-1975, các trinh sát BANQ2 vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần cùng với quân, dân làm nên bao chiến công. Nhưng xuyên suốt hành trình ấy, 32 CBCS của ban đã vĩnh viễn hóa thân vào màu xanh của cỏ cây, sông núi, mang theo những hoài bão và khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ.
Những người được chứng kiến giây phút non sông thu về một mối thì di chứng của chiến tranh tàn khốc còn hằn sâu, song trong cuộc sống hiện tại, ai cũng nguyện sống sao cho xứng với quá khứ hào hùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, năm 2011, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho BANQ2.
THÁI MỸ